Đak Đoa đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) quan tâm, thực hiện.

Nhiều giải pháp được triển khai thực hiện hiệu quả đã giúp người lao động tìm được việc làm ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Ổn định thu nhập

Hoàn thành lớp đào tạo nghề xây dựng vào năm 2022, anh Muel (làng Adơk Kông, xã Adơk) cùng với các học viên trong làng thành lập Tổ hội nghề xây dựng làng Adơk Kông. Ban đầu, anh Muel và các thành viên chủ yếu nhận thi công những công trình nhỏ như: sân, hàng rào, nhà vệ sinh… trong làng. Dần dần, tay nghề các thành viên được nâng lên. Bà con tin tưởng tìm đến thuê xây dựng những công trình lớn hơn. Nhờ đó, 7 thành viên trong tổ thường xuyên có việc làm, thu nhập ổn định.

Anh Muel chia sẻ: “Trước đây, mình cũng như các thành viên trong tổ chủ yếu làm nông. Do đất đai không có nhiều nên gia đình thường xuyên thiếu trước hụt sau. Từ khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho học nghề xây dựng và thành lập Tổ hội nghề xây dựng thì công việc đã ổn định hơn. Từ năm 2023 đến nay, tổ đã nhận xây dựng được 3 căn nhà và nhiều công trình sửa chữa nhỏ khác cho bà con trong làng. Thu nhập của các thành viên đạt bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng”.

1-9046.jpg
Anh Muel-thành viên Tổ hội nghề xây dựng làng Adơk Kông (xã Adơk) sửa chữa nhà cho một hộ dân trong làng. Ảnh: Q.T

Ông Byin-Chủ tịch Hội Nông dân xã Adơk-cho hay: “Để tạo việc làm ổn định, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập Tổ hội nghề xây dựng tại 5 làng. Đồng thời, định hướng cho tổ hội nhận thi công các công trình nhà dân trong làng cũng như tạo điều kiện thi công một số công trình nông thôn mới trên địa bàn như: đường giao thông, nhà ở, tường rào, nhà vệ sinh... Qua đó, người dân có việc làm ổn định, từng bước nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững”.

Trước đây, anh Khon (làng Châm Prong, xã Ia Băng) cũng không có việc làm thường xuyên. Chính vì không có việc làm ổn định nên đời sống của gia đình anh Khon gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, sau khi học xong lớp đào tạo nghề hàn, anh xin vào làm cho một cơ sở hàn sắt trên địa bàn. “Mới đầu vào làm, mình được trả 250 ngàn đồng/ngày. Bây giờ tay nghề đã vững nên mình được chủ cơ sở trả 350 ngàn đồng/ngày”-anh Khon phấn khởi nói.

Tương tự, gia đình chị Yô (làng O Yố, xã Ia Băng) cũng trở nên khấm khá sau khi vợ chồng tham gia các lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn, chăn nuôi heo và trồng cà phê vào năm 2022.

Chị Yô cho biết: “Gia đình có hơn 1.000 cây cà phê trồng xen với cây ăn quả và khoảng 2 sào rau màu nhưng chủ yếu canh tác theo kiểu truyền thống nên năng suất không cao.

Sau khi tham gia lớp học nghề, vợ chồng mình đã nắm được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Nhờ đó, vườn cà phê, rau của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ổn định hơn; đàn heo lớn nhanh và không xảy ra dịch bệnh như trước đây. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình mình thu được hơn 100 triệu đồng”.

sau-khi-tham-gia-lop-dao-nghe-trong-rau-an-toan-chi-yo-da-co-them-kinh-nghiem-de-trong-rau-an-toan-va-hieu-qua-4504.jpg
Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn, chị Yô (làng O Yố, xã Ia Băng) đã có thêm kinh nghiệm chăm sóc rau. Ảnh: Q.T

Theo chị Kim-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng O Yố: “Từ năm 2021 đến nay, Chi hội đã vận động hầu hết các chị em trong làng tham gia 5 lớp đào tạo nghề chăn nuôi heo, trồng rau an toàn. Sau khi tham gia, chị em đã nắm được kỹ thuật làm chuồng, chăm sóc, trị bệnh cho đàn heo cũng như kỹ thuật làm đất, trồng rau theo hướng an toàn, hữu cơ. Qua đó, chị em trong làng có việc làm ổn định, phát triển nghề chăn nuôi, trồng trọt và nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo”.

Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Kim Nhã-Chủ tịch UBND xã Ia Băng-thông tin: Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn xã, nhất là người dân tộc thiểu số đạt được kết quả đáng ghi nhận. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã tự tạo được việc làm tại địa phương hoặc được tư vấn giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp.

Từ năm 2020 tới nay, UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện và Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức được 20 lớp đào tạo nghề cho 562 lao động nông thôn. Qua đó, nâng số lượng lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề lên 5.180 người (đạt 70,77%); giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho 810 lao động. Trong đó, giải quyết việc làm thông qua đào tạo nghề cho 345 người; trong các doanh nghiệp có 82 người; xã hội hóa học nghề tự tạo việc làm có 375 người; thông qua việc vay vốn tại các ngân hàng để xuất khẩu lao động là 8 người.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát, tạo điều kiện để người dân, nhất là đoàn viên, thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề về xây dựng, hàn, trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đào tạo để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững và chung tay xây dựng nông thôn mới”-Chủ tịch UBND xã Ia Băng cho hay.

anh-muel-da-co-viec-lam-va-thu-nhap-on-dinh-hon-sau-khi-duoc-dao-tao-nghe-xay-dung-6092.jpg
Anh Muel đã có việc làm và thu nhập ổn định hơn sau khi được đào tạo nghề xây dựng. Ảnh: Q.T

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu-Phó Chủ tịch UBND xã Adơk thì cho biết: Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 27,1% dân số; tỷ lệ cận nghèo chiếm 17,88%. Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 7,85%/năm, bên cạnh chủ động nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, thời gian tới, UBND xã tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đẩy mạnh liên kết đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; ưu tiên cho nhóm hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số.

Liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương, ông Lê Quang Thanh-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa-khẳng định: Không chỉ định hướng cho người dân lựa chọn nghề nghiệp mà các lớp học nghề còn giúp bà con vừa được cập nhật kiến thức mới, vừa áp dụng vào thực tế.

Trên cơ sở đó, địa phương có hướng hỗ trợ sinh kế phù hợp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và giúp người dân phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế. Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động của huyện trên 73 ngàn người.

Những năm qua, từ nguồn ngân sách huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện, Trường Cao đẳng Gia Lai và các doanh nghiệp mở hàng trăm lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp đào tạo nghề cho 1.113 lao động; phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai đào tạo nghề cho 584 lao động.

Ngoài ra, công tác xã hội hoá đào tạo nghề như phối hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh-dịch vụ đặt hàng đào tạo nghề cho người lao động, hoặc người lao động tự tham gia đào tạo nghề phù hợp vị trí tuyển dụng với 2.852 lao động.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 8,26%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 56 triệu đồng/năm. Năm 2024, huyện dự kiến tổ chức các lớp đào tạo nghề cho khoảng 2.260 lao động. Tính đến hết tháng 9, khoảng 1.600 lao động đã được đào tạo, đạt tỷ lệ 70% kế hoạch.

“Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo rà soát thống kê, lập danh sách người trong độ tuổi lao động có nhu cầu đào tạo nghề và tổ chức các hình thức dạy nghề cho người lao động phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Cùng với đó, khắc phục sự lãng phí nguồn nhân lực lao động, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn triển khai có hiệu quả, đúng quy định các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho lao động tham gia học nghề, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững”-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Thước đo sự hài lòng

Thước đo sự hài lòng

UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, qua đó cho thấy nhiều cơ quan trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực cải cách chỉ số năng lực cạnh tranh để phục vụ người dân.