(GLO)- Các cơ sở chế biến đang thu mua củ mì tươi 30 độ bột với giá 2.950 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Giá mì tăng cao khiến nông dân ở các địa phương khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai rất phấn khởi.
Giá mì nguyên liệu tăng cao khiến nông dân rất phấn khởi. Ảnh: Ngọc Minh |
Niên vụ 2020-2021, gia đình ông Trần Đình Sơn (thôn Tú Thủy 2, xã Tú An, thị xã An Khê) trồng 1,2 ha mì. Do ảnh hưởng của thời tiết và bệnh khảm lá vi rút, ông chỉ thu được 25 tấn củ, giảm 5 tấn so với vụ trước. Tuy nhiên, nhờ giá mì tăng cao nên sau khi trừ chi phí, ông vẫn lãi gần 40 triệu đồng.
Ông Sơn cho hay: “Các nhà máy, cơ sở chế biến đang thu mua củ mì tươi với giá dao động từ 2.000 đồng đến 2.950 đồng/kg tùy theo hàm lượng tinh bột, cao hơn năm trước từ 300 đồng đến 1.000 đồng/kg. Mặc dù năng suất có giảm nhưng nhờ được giá nên lãi cao hơn vụ trước”.
Còn anh Châu Văn Bình (thôn 4, xã Sơ Pai, huyện Kbang) thì cho biết: “Vụ mì trước, tôi thu được 50 tấn củ/2 ha, bán với giá 1.700 đồng/kg, thu về 85 triệu đồng. Cũng với diện tích này, năm nay, tôi thu được 40 tấn củ, bán với giá 2.300 đồng/kg, thu được 92 triệu đồng. Cả 2 năm tôi đều đầu tư kinh phí như nhau nhưng lợi nhuận năm nay cao hơn năm trước 7 triệu đồng”.
Người dân xã Tú An (thị xã An Khê) thu hoạch mì. Ảnh: Ngọc Minh |
Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, năm 2020, do nắng nóng kéo dài rồi mưa bão liên tục và bệnh khảm lá vi rút hoành hành nên năng suất mì chỉ đạt 18-22 tấn/ha, giảm 5-7 tấn/ha so với vụ trước. “Tuy nhiên, nhờ giá mì tăng cao nên nông dân vẫn lãi nhiều hơn năm trước trung bình 2 triệu đồng/ha, thậm chí có nơi trên 3 triệu đồng/ha”-ông Tình nói.
Tại huyện Kông Chro, nhiều nông dân cũng rất phấn khởi vì giá mì khá cao. Anh Phạm Văn Hùng (tổ dân phố Plei Hle Ktu, thị trấn Kông Chro) vui vẻ chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 ha mì, chi phí hơn 100 triệu đồng. Trong thời gian sinh trưởng, cây mì gặp nắng hạn, sau đó mưa bão làm ngã đổ, tôi nghĩ vụ mì này cầm chắc lỗ vốn. Nhưng nhờ giá mì tăng cao, gia đình tôi vẫn có lãi khá”.
Niên vụ 2020-2021, khu vực phía Đông tỉnh có 20.723 ha mì, trong đó, huyện Đak Pơ có 2.406 ha, Kbang 4.431 ha, Kông Chro 11.586 và thị xã An Khê 2.300 ha. Đến nay, các địa phương này đã thu hoạch được từ 30% đến 70% diện tích mì. |
Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: Toàn huyện có 11.586 ha mì. Đến nay, người dân đã thu hoạch được gần 7.400 ha. Việc các nhà máy thu mua mì tươi với giá cao giúp nông dân bỏ công đoạn phơi mì khô, có lãi để tái đầu tư phát triển sản xuất.
“Tuy nhiên, mì là cây trồng dễ làm đất bạc màu. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo nông dân không ồ ạt mở rộng diện tích mà chú trọng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng”-ông Hưng nhấn mạnh.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Phi Hùng-Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Gia Lai-thông tin: “Giá mì năm nay cao hơn những năm trước bởi nguồn cung từ Campuchia về Việt Nam bị hạn chế, một số nước Đông Nam Á bị mất mùa. Bên cạnh đó, một số loại bệnh trên cây mì chưa có thuốc đặc trị đã làm giảm năng suất; người dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh nên năng suất đạt thấp. Trong khi đó, nhu cầu mì nguyên liệu của các nhà máy chế biến ngày một cao, từ đó kéo theo giá thu mua tăng lên”.
NGỌC MINH