Gia Lai đón nhận khoảng 4.000 tỷ đồng đầu tư sau cái bắt tay giữa THACO và HAGL

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau Đại hội cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico), ông Trần Bá Dương-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) được bầu thay thế vị trí của người tiền nhiệm là ông Đoàn Nguyên Đức. Sự thay mới này cũng mở ra cơ hội lớn cho tỉnh Gia Lai khi trở thành điểm đến đầu tư tập trung, chuyên sâu về nông nghiệp của HAGL Agrico. Trong đó, huyện Chư Prông và Ia Pa sẽ đón nguồn vốn khoảng 4.000 tỷ đồng đầu tư 2 dự án nuôi bò thịt và nuôi heo quy mô lớn. 

"Bầu" Đức nhẹ lòng, ông Trần Bá Dương nhận thách thức lớn

Ngày 8-1, tại TP. Hồ Chí Minh, HAGL Agrico đã tổ chức lễ công bố Ban Quản trị điều hành và giới thiệu chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2023 sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Ông Trần Bá Dương-Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) THACO được bầu làm Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico thay cho ông Đoàn Nguyên Đức.

Đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng hoa, chúc mừng HĐQT mới của HAGL Agrico. Ảnh: Lê Kiến
Ông Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng hoa, chúc mừng HĐQT mới của HAGL Agrico. Ảnh: Lê Kiến


Theo đó, HĐQT mới của HAGL Agrico gồm 5 thành viên, do ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch; ông Đoàn Nguyên Đức làm Phó Chủ tịch; ông Trần Bảo Sơn làm thành viên, Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Hoàng Phi và bà Võ Thị Mỹ Hạnh làm thành viên, Phó Tổng Giám đốc.

Ông Trần Bảo Sơn-Tổng Giám đốc HAGL Agrico-cho biết: Năm 2010, Công ty được thành lập, tập trung trồng các loại cây cao su, cây cọ dầu với tổng diện tích 85.000 ha ở Gia Lai, Đak Lak, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, do giá cao su giảm mạnh, Công ty rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, đối diện với nhiều khó khăn, bị mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Tổng nợ đến ngày 3-8-2018 là 18.414 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30-11-2020, HAGL Agrico còn nợ ngân hàng 5.700 tỷ đồng, nợ Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (THAGRICO) 5.994 tỷ đồng, nợ HAGL 2.187 tỷ đồng và nợ nhà cung cấp, đối tác, nhân viên 2.196 tỷ đồng. Tổng các khoản nợ phải trả là 16.078 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 30-9-2020 là 2.663 tỷ đồng.


Đứng bên bờ vực phá, HAGL Agrico buộc phải cấp thiết tái cấu trúc. Sau Đại hội cổ đông bất thường, ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: “Sau đại hội, bức tranh tài chính của HAGL Agrico rất sáng. Từ nay trở đi sẽ là công ty rất tiềm năng. Lý do, chúng tôi đã quyết định tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, quyết định bán 4 công ty trị giá 9.020 tỷ đồng. Như vậy, trong 3 ngày, chúng tôi thu về hơn 16.000 tỷ đồng. Chúng tôi nợ ngân hàng 5.000 tỷ đồng, nợ anh Dương 6.000 tỷ đồng, sau khi trả hết nợ tôi còn hơn 5.000 tỷ đồng tại HAGL. Như vậy, lần đầu tiên tôi sung sướng có 1 công ty không nợ ngân hàng”.

Theo ông Đức, ông nhường lại vị trí cho ông Dương là hoàn toàn hợp lý. “Anh Dương đủ lực về tài chính, có khả năng chuyên môn, quản trị con người… Tôi cho rằng đây là quyết định rất sáng suốt. Tôi nghĩ rằng HAGL Agrico sẽ thành công và thành công rất nhanh. Một công ty không còn nợ ngân hàng, còn dư mấy ngàn tỷ, có diện tích đất 35.000 ha… tới đây chỉ có thu và thu. Tôi tuyên bố đã thoát ra được khỏi vòng luẩn quẩn”-ông Đức cười nói.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm, đến nay, ông Trần Bá Dương đã đầu tư vào công ty nông nghiệp 27.000 tỷ đồng. Bây giờ, HAGL Agrico có mục tiêu rất rõ ràng, tập trung nuôi bò sinh sản và trồng cây ăn quả chủ lực… Trước đây, lúc HAGL mới đầu tư trồng cao su, lúc này cao su được coi là "vàng trắng" với giá 5.000 USD/tấn, khi thu mủ thì giá rớt xuống 1.100 USD/tấn. 

HAGL Agrico sẽ phát triển mạnh mẽ sau đợt chuyển giao quyền lực giữa THACO và HAGL. Ảnh: Lê Kiến
HAGL Agrico sẽ phát triển mạnh mẽ sau khi tái cấu trúc. Ảnh: Lê Kiến


“Có nhiều người nói anh Dương thâu tóm HAGL nhưng thực ra tôi năn nỉ anh Dương thâu tóm. Được thâu tóm là quá vinh dự”-ông Đức nói.

Cách đây 2 năm, THACO là nhà hợp tác chiến lược, góp phần “giải cứu HAGL Agrico khỏi vùng đắm nợ nần”. Hiện tại, THACO của ông Trần Bá Dương hoàn toàn kiểm soát và điều hành HAGL Agrico thay ông Đoàn Nguyên Đức với 63,08% cổ phần; HAGL Group 26,82% và các cổ đông khác là 10,1%.

Chia sẻ cơ duyên đến với HAGL Agrico, ông Trần Bá Dương cho biết, đó là câu chuyện trải qua hơn 2 năm và đọng lại những giá trị về nhân văn, giá trị về tình chia sẻ, giúp đỡ sâu sắc, đặc biệt là cùng nhau phát triển, giúp nhau vượt qua khó khăn và cùng hướng đến cái chung của đất nước. Mục tiêu làm sao để có được 1 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quy mô lớn mang tầm khu vực, nâng tầm nông nghiệp Việt Nam.

Gia Lai sẽ là điểm đến đầu tư tiếp theo của THACO

Chiến lược mà ông Trần Bá Dương và HĐQT mới của HAGL Agrico đề ra trong năm 2021 là tăng tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng và đạt sản lượng trái cây khoảng 154.000 tấn và hơn 11.000 tấn mủ cao su. Qua đó, doanh thu ước đạt 2.109 tỷ đồng, trong đó thu từ trái cây 1.766 tỷ đồng.

Tham dự sự kiện HAGL Agrico tổ chức lễ công bố Ban Quản trị điều hành và giới thiệu chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2023, ông Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-bày tỏ: “Tại buổi lễ công bố hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn HAGL và Ô tô Trường Hải cách đây hơn 2 năm, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cuộc hợp tác này là “cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối”. Tuy nhiên, 2 năm qua có rất nhiều biến động, chúng tôi cho rằng chính những biến động đó mà có cuộc gặp thứ 2 này và tôi tin tưởng “cuộc hôn nhân” sẽ bền vững, đi vào chiều sâu hơn”.

 Ông Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai mong muốn 2 tập đoàn lớn là HAGL và THACO sớm triển khai dự án tại Gia Lai. Đồng thời mời gọi các doanh nghiệp trong cả nước đến với mảnh đất giàu tiềm năng Gia Lai. Ảnh: Lê Kiến
Ông Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai mong muốn 2 tập đoàn lớn là HAGL và THACO sớm triển khai dự án tại Gia Lai. Ảnh: Lê Kiến


Theo ông Võ Ngọc Thành, HAGL và THACO đều có những lợi thế riêng của mình. Trong đó, HAGL có quỹ đất hơn 84.000 ha tại 3 địa bàn ở Tây Nguyên, Lào và Campuchia; THACO thì có thế mạnh lớn về nguồn lực tài chính, nền cơ khí, tự động hóa và trình độ quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Sự hợp tác này sẽ tạo nên sự đột phá.

“Ngoài các định hướng chiến lược mà Chủ tịch THACO và HAGL đã nói, Chủ tịch Trần Bá Dương đã có trao đổi với tôi ngay trong đầu năm 2021 sẽ triển khai 2 dự án lớn ngay trên địa bàn Gia Lai, gồm: Dự án chăn nuôi bò thịt tại xã Ia Púch (huyện Chư Prông) với quy mô 35.000 con, công suất 140.000 con/năm, tổng vốn đầu tư trên 1.900 tỷ đồng và Dự án chăn nuôi heo thịt kết hợp với chăm sóc phát triển cây cao su tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) với quy mô 160.000 con, công suất nuôi 400.000 con/năm, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng”-Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết.

Đồng thời, ông Võ Ngọc Thành mong muốn 2 tập đoàn sớm thực hiện các kế hoạch đầu tư của mình trên địa bàn Gia Lai, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tự động thông minh góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Đặc biệt là xây dựng các nhà máy chế biến trên địa bàn, phát triển hạ tầng logistics… Sự hợp tác của 2 tập đoàn lớn ngoài việc tạo ra sự phát triển mạnh và bền vững cho chính mình còn tiếp tục đóng góp, tạo bệ đỡ cho kinh tế Gia Lai và các tỉnh trong vùng, cũng như các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.

 Dự án bò thịt quy mô 35.000 con đã được triển khai tại xã Ia Púch, huyện Chư Prông với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Kiến
Dự án chăn nuôi bò thịt quy mô 35.000 con đã được triển khai tại xã Ia Púch, huyện Chư Prông với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Kiến


Ông Võ Ngọc Thành bày tỏ: “Gia Lai có rất nhiều tiềm năng, lợi thế đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và giao thông đi lại… Hy vọng qua dịp này, tôi cũng mong HAGL, Tập đoàn Trường Hải và cộng đồng các doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu và tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Gia Lai, nhất là công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với chế biến xuất khẩu; đầu tư các dự án năng lượng tái tạo và du lịch… góp phần đưa vùng đất giàu tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn này ngày càng phát triển, mang đến cho Gia Lai một luồng gió mới, một sinh khí mới đi lên cùng cả nước”.

Ông Võ Ngọc Thành cam kết Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Trong khi đó, ông Trần Bá Dương chia sẻ: “Mới đây, tôi đã lên Gia Lai gặp anh Thành (Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) và chính thức báo cáo tôi bắt đầu làm nông nghiệp tập trung tại Gia Lai. Tôi luôn luôn tâm khảm muốn làm gì đó cho một ngành và có đóng góp gì đó rất cụ thể cho một địa phương, cho một vùng. Nếu tôi làm thành công thì Gia Lai sẽ là một địa danh mới trong nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả và chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi heo. Việc làm này gắn với thách thức, mục tiêu và chiến lược của chúng tôi trong thời gian tới”.

 

LÊ KIẾN

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này