Gia Lai: Chủ động rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 14-11, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai có Công văn số 675/CV-BCĐ về việc áp dụng Công văn số 9472/BYT-MT ngày 8-11-2021 của Bộ Y tế về việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ. Trong đó, chủ động rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch; các địa phương thường xuyên đánh giá cấp độ dịch theo từng cấp.
Theo đó, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; Quyết định số 745/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 30-10-2021 của UBND tỉnh ban hành Phương án triển khai các biện pháp tạm thời để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; bảo đảm triển khai các biện pháp thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các sở, ngành, địa phương. Các địa phương chủ động thường xuyên đánh giá cấp độ dịch theo từng cấp (từ cấp xã và khuyến khích quy mô nhỏ nhất có thể trên cơ sở thực tế tại địa bàn) để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp và báo cáo kết quả đánh giá về Sở Y tế để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh công bố trên phạm vi toàn tỉnh. 
Ngành Y tế phối hợp với các sở, ngành và địa phương tiếp tục tăng cường chủ động rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 và Công điện số 1700/CĐ-BYT ngày 25-10-2021 của Bộ Y tế. Trong đó, về tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2: giao Sở Y tế chỉ đạo chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố); trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định.
Sở Y tế căn cứ vào điều kiện thực tế và diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương, tham mưu các kế hoạch có lộ trình về việc thí điểm quản lý F0 tái dương tính, người nhiễm Covid-19 không triệu chứng (đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và CT>30), người tiếp xúc gần (F1) tại cơ sở y tế hoặc tại nhà/nơi cư trú theo hướng dẫn tại Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế; đôn đốc, kiểm tra về công tác thiết lập các trạm y tế lưu động tại các địa phương để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe và phòng-chống dịch cho người dân theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21-8-2021 của Bộ Y tế và Kế hoạch số 617/KH-BCĐ ngày 2-11-2021 của Ban Chỉ đạo tỉnh về việc triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Về tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe: Đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19): tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.
Người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch cầu 110 (huyện Chư Pưh). Ảnh: Như Nguyện
Người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch cầu 110 (huyện Chư Pưh). Ảnh: Như Nguyện
Những người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp): thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp 5K, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương;
Những người chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19: Thực hiện cách ly tập trung 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.
 Những người đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông khai thác dữ liệu, cập nhật đánh giá thường xuyên địa bàn có dịch, vùng dịch/vùng phong tỏa, các mốc dịch tễ liên quan dịch Covid-19 trên toàn quốc để đăng tải trên hệ thống thông tin tuyên truyền của tỉnh và thông báo, hướng dẫn các cơ quan y tế, các địa phương trong toàn tỉnh áp dụng các biện pháp xét nghiệm, cách ly và phòng-chống dịch Covid-19 cho phù hợp, kịp thời, đúng quy định.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Y tế và UBND-Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở (sau đây gọi là cơ sở lao động): Thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động: xét nghiệm khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ; xét nghiệm khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất; xét nghiệm ngẫu nhiên người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp gộp mẫu khi xét nghiệm định kỳ, sàng lọc: xét nghiệm kháng nguyên nhanh (gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (gộp 10-20).
Trên cơ sở tình hình thực tế của các cơ sở lao động trên địa bàn, UBND-Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố chủ động quyết định cụ thể theo từng cấp độ dịch về: tần suất, tỷ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao; phương án tổ chức lưu trú tập trung, cách ly và tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động. Dừng áp dụng các nội dung có liên quan đến tần suất, tỷ lệ xét nghiệm, phương án lưu trú tập trung, cách ly, tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động tại các Công văn số 2787/QĐ BYT ngày 5-6-2021, số 6565/BYT-MT ngày 12-8-2021, số 6666/BYT-MT ngày 16-8-2021 và số 8228/BYT-MT ngày 30-9-2021 của Bộ Y tế.
KIỀU PHAN

Có thể bạn quan tâm

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.