Gia Lai chủ động phòng dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị ở Gia Lai đã nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động triển khai giải pháp phòng-chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Là một trong những điểm giao dịch đông người, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19. Bà Hà Thị Hồng Yến-Tổ trưởng Tổ Hành chính công (Bưu điện tỉnh) cho biết: Đơn vị theo sát diễn biến dịch Covid-19 trong và ngoài nước để kịp thời triển khai những biện pháp phòng ngừa. Sau khi nắm thông tin dịch diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh, đơn vị đã lập tức kích hoạt các biện pháp phòng dịch.

Theo đó, 100% nhân viên phải đeo khẩu trang khi làm việc, thường xuyên rửa tay sát khuẩn và định kỳ vệ sinh khử khuẩn cơ quan theo quy định. Ngoài ra, đơn vị bố trí một đội trực luân phiên nhau để hỗ trợ khách đến giao dịch nhanh chóng, giữ đúng khoảng cách an toàn.

 Nhân viên và khách hàng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chủ động đeo khẩu trang phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên và khách hàng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chủ động đeo khẩu trang phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Như Nguyện


Theo bà Yến, trung bình 1 ngày, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp trên 150 lượt khách đến giao dịch. “Đối với khách hàng, chúng tôi khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang khi vào làm việc, ngồi giãn cách theo quy định. Khi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo mới về phòng-chống dịch thì đơn vị sẽ triển khai kịp thời theo quy định. Nhìn chung, người dân cũng đã ý thức mức độ nguy hiểm của dịch bệnh”-bà Yến nói.

Đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bà Nguyễn Thị Khải (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Khi đến nơi đông người là tôi đeo khẩu trang ngay. Cả nhà tôi ai cũng có thói quen này. Hiện nay, dịch bệnh phức tạp, mình phải chủ động bảo vệ bản thân, gia đình và cho cả cộng đồng”.

Còn ông Trần Cảnh (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) thường xuyên theo dõi tình hình dịch Covid-19 trên các phương tiện truyền thông. “Qua xem tin tức thì thấy dịch đang bùng phát trở lại tại TP. Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ mỗi người dân đều phải cảnh giác, có trách nhiệm và tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng-chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bởi nếu dịch bùng phát không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và nhiều hệ lụy khác”-ông Cảnh nhận thức.

Tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, công tác phòng-chống dịch luôn được duy trì trong suốt thời gian qua. Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Marketing và Dịch vụ khách hàng-thông tin: Tất cả nhân viên làm việc tại Siêu thị đều đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn; tổ chức vệ sinh, khử khuẩn các khu vực trung bình 60 phút/lần.

Hiện nay, đơn vị chưa bắt buộc khách hàng phải đeo khẩu trang nhưng nhân viên thường xuyên khuyến cáo người dân thực hiện. Ngoài ra, đơn vị bố trí dung dịch rửa tay sát khuẩn ở nơi thuận lợi để khách hàng sử dụng thuận lợi. Đồng thời, khu vực cửa ra vào có nhân viên phụ trách phun dung dịch sát khuẩn tay cho khách trước khi vào mua sắm. “Nhìn chung, hầu hết khách hàng đều chủ động đeo khẩu trang và thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch”-bà Trinh nhìn nhận.

Nhân viên y tế Bệnh viện 331 đo thân nhiệt cho người dân khi đến bệnh viện. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế Bệnh viện 331 đo thân nhiệt cho người dân ở cổng ra vào. Ảnh: Như Nguyện


Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố cũng đều triển khai nghiêm các quy định theo Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng-chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” của Bộ Y tế. Sở Y tế đã và đang tổ chức đoàn kiểm tra các bệnh viện, trung tâm y tế về thực hiện Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn. Qua kiểm tra, các đơn vị đều thực hiện nghiêm theo quy định, chưa có đơn vị nào vi phạm hoặc tắc trách, lơ là trong công tác phòng-chống dịch.

Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: “Tỉnh ta chưa có trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương cách ly, giám sát các đối tượng từ nước ngoài trở về, xét nghiệm lấy mẫu 2 lần trước khi đưa về với cộng đồng. Người dân không nên chủ quan trong phòng-chống dịch Covid-19, bởi có những trường hợp dương tính nhưng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp rửa tay phòng bệnh bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng, thực hiện tốt 5K mà Bộ Y tế khuyến cáo”.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Do vậy, vào lúc này, ý thức phòng-chống dịch ở mỗi cá nhân, đơn vị là rất quan trọng. Trong đó, mỗi người dân thực hành tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, đó là: Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, chung tay cùng cộng đồng phòng-chống dịch hiệu quả.

NHƯ NGUYỆN
 

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: N.N

Bệnh sởi diễn biến phức tạp

(GLO)- Những ngày qua, Gia Lai ghi nhận nhiều ca bệnh sởi ở trẻ em và người lớn. Hiện bệnh sởi đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp chủ quan, không kịp thời phát hiện bệnh đã trở thành nguồn lây cho gia đình và cộng đồng.

Diễn biến dịch cúm nghiêm trọng ở Mỹ

Diễn biến dịch cúm nghiêm trọng ở Mỹ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo tình hình bệnh cúm trong tuần đầu tháng 2 cao hơn hoặc tương đương với thời điểm cao nhất của mùa cúm và số ca nhập viện cũng như tử vong đều tăng.

Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và ung thư. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua vai trò của việc tập thể dục trong việc giúp não khỏe mạnh.

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Thời điểm lây lan mạnh nhất của virus cúm thường rơi vào khoảng 3 - 4 ngày đầu tiên của bệnh. Nếu trẻ đang bị cúm, bạn nên chờ cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi bệnh trước khi tiêm vắc xin cúm.

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

(GLO)- Với chức năng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y-bác sĩ Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 211) luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tại đây, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt dù bệnh nhân đang trong tình huống “thập tử nhất sinh”.