Gia Lai chủ động kịch bản phục hồi du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau thời gian tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch dự báo sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch vì vậy đã có sự điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch du lịch năm 2020, chủ động một số kịch bản để sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.

 

Hai phương án tăng trưởng du lịch

Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Ngay sau khi ngành kinh doanh dịch vụ, du lịch được phép hoạt động trở lại, Sở đã chuẩn bị 2 phương án chủ động triển khai. Dựa trên dự báo lượng khách đến từ nay đến cuối năm, ngành du lịch có các nhóm giải pháp cụ thể như: xúc tiến chương trình du lịch giá rẻ; triển khai chương trình kích cầu du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Gia Lai; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch thu hút khách tham quan…”. Các nhóm giải pháp sẽ được triển khai thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo vừa phục hồi ngành du lịch nhưng vẫn an toàn cho du khách trong hoàn cảnh sống chung với dịch Covid-19.

 Ngành du lịch họp bàn với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lữ hành chuẩn bị phương án phục hồi du lịch. Ảnh: M.C
Ngành du lịch họp bàn với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lữ hành chuẩn bị phương án phục hồi du lịch. Ảnh: M.C



Hai phương án được ngành du lịch đưa ra đó là tăng trưởng du lịch dự kiến trong trường hợp dịch bệnh kết thúc vào giữa tháng 5 hoặc dịch bệnh kết thúc trong tháng 6. Mục tiêu đặt ra là đón 760-845 ngàn lượt khách trong năm 2020 (giảm 10% hoặc tương đương năm 2019). Để đảm bảo mục tiêu này, ngành xúc tiến thực hiện chương trình du lịch giá rẻ cuối tuần như: khai thác các điểm đến tại trung tâm TP. Pleiku và những điểm có cự ly gần, kết hợp với tỉnh bạn Kon Tum; khai thác các điểm tham quan tại trung tâm TP. Pleiku và vùng lân cận (Biển Hồ, đồng chè và hàng thông trăm tuổi, chùa cổ Bửu Minh, Công viên Đồng Xanh, Khu du lịch sinh thái Hoàng Vân, chùa Minh Thành, Thủy điện Ia Ly, Khu du lịch thác Phú Cường, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, núi lửa Chư Đang Ya-vết tích nhà thờ cổ).

Ngoài ra, du lịch giá rẻ chú trọng khai thác các điểm du lịch sinh thái, văn hóa vốn là thế mạnh của Gia Lai. Loại hình này hướng đến đối tượng trẻ, ưa thích mạo hiểm, khám phá, yêu thích thiên nhiên và văn hóa bản địa. Hiện tại, Gia Lai có các tour: leo núi Chư Nâm-núi Chư Đang Ya (huyện Chư Pah), khám phá Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Mang Yang, Kbang), du thuyền trên sông Sê San-thác Mơ (huyện Ia Grai), tìm hiểu văn hóa bản địa tại Làng kháng chiến Stơr, Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (huyện Kbang), làng Kép (huyện Chư Pah)… Ngoài ra còn có các dịch vụ ban đêm để phục vụ nhu cầu giải trí của du khách. Trước mắt, để đảm bảo chất lượng chương trình giá rẻ này, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch giữ nguyên gói giảm giá cho tất cả các dịch vụ đã đăng ký trước đó. Dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các tour nội tỉnh được giảm giá từ 10% đến 50% từ nay cho tới cuối năm 2020.

Kích cầu du lịch nội địa

Gia Lai đang tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch Việt Nam bằng các hoạt động cụ thể như: khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh giảm giá, giữ chất lượng dịch vụ, đón các đoàn famtrip khảo sát du lịch… Phương án phục hồi du lịch sau đại dịch được xác định sẽ tái khởi động chương trình kích cầu, hướng vào thị trường khách nội địa.

Cảnh sắc rực rỡ của hoa muồng vàng thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) thu hút đông đảo du khách dịp cuối năm. Ảnh: HOÀNG QUỐC VĨNH
Cảnh sắc rực rỡ của hoa muồng vàng thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) thu hút đông đảo du khách dịp cuối năm. Ảnh: HOÀNG QUỐC VĨNH

Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai-cho hay: “Chương trình kích cầu du lịch Tây Nguyên-Nam Trung Bộ khởi động từ tháng 2-2020, là chương trình được Hiệp hội Du lịch Việt Nam triển khai đầu tiên trong cả nước, tổ chức cho 130 doanh nghiệp lữ hành ở các trung tâm về khảo sát thực tế 4 tỉnh. Chương trình này rất sôi động, chuẩn bị “thu hoạch” thì phải tạm dừng vì dịch bệnh. Do đó, sau dịch, chương trình kích cầu du lịch 4 tỉnh sẽ được khởi động lại mạnh mẽ hơn. Hiệp hội Du lịch tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các hiệp hội trong khu vực, hướng đến thị trường khách nội địa, khai thác hiệu quả tuyến du lịch liên kết các tỉnh Gia Lai-Bình Định-Phú Yên-Đak Lak, đồng thời triển khai xúc tiến tại các tỉnh thành phụ cận như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi bằng tuyến đường bộ”.


Ngành du lịch cũng đã lên kế hoạch quảng bá, giới thiệu các chương trình kích cầu, giảm giá, các sự kiện về văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra từ nay đến cuối năm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Từ nay đến cuối năm 2020, Gia Lai sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch, tổ chức đón các đoàn famtrip tới khảo sát để đưa khách đến, đồng thời hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp du lịch trong cả nước.

Chưa hết khó khăn

Các phương án và giải pháp cụ thể nhằm phục hồi du lịch đã có song khó khăn vẫn còn. Trước mắt là sau một thời gian gián đoạn, tâm lý người dân vẫn e ngại đi lại, dịch chuyển. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận để chung tay phục hồi du lịch. Ông Trần Hoàng Sơn-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ khách sạn Vĩnh Hội-cho biết: Các cơ sở lưu trú đã hoạt động trở lại nhưng hầu như không có khách du lịch mà chỉ là khách công vụ thuần túy. Hiệu suất khai thác buồng phòng thời điểm hiện tại rất thấp.

Khách sạn Vĩnh Hội tham gia chương trình kích cầu du lịch với mức giảm 30% cho dịch vụ lưu trú được duy trì cho đến cuối năm (ảnh internet)
Khách sạn Vĩnh Hội tham gia chương trình kích cầu du lịch với mức giảm 30% cho dịch vụ lưu trú được duy trì cho đến cuối năm (ảnh internet)



“Khách sạn Vĩnh Hội tham gia chương trình kích cầu du lịch với mức giảm 30% cho dịch vụ lưu trú được duy trì cho đến cuối năm. Với mức giảm này, doanh nghiệp chỉ hy vọng có đủ chi phí giữ chân người lao động, trả tiền điện, nước. Tuy nhiên, du lịch sẽ khó có khả năng phục hồi sớm, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sẽ còn đối mặt với không ít khó khăn. Chúng tôi rất tâm đắc với gói hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, đồng thời ngân hàng cũng đã thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp cần nhất là chính sách giãn thời gian trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ, nếu không thì doanh nghiệp khó chống đỡ bởi trước mắt vẫn đang phải bù lỗ. Đây không chỉ là vấn đề chung tay phục hồi ngành du lịch mà quan trọng là giúp doanh nghiệp “sống sót”, giữ việc làm cho người lao động. Đào tạo lao động du lịch là việc không đơn giản, nếu để mất nguồn nhân lực này hoặc phải đào tạo lại thì càng khó khăn hơn”-ông Sơn chia sẻ.
 

 MINH CHÂU



 

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.