Giả danh Công an để lừa đảo: Phương thức cũ, thủ đoạn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong các chiêu trò để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, giả danh lực lượng Công an là một trong những hình thức phổ biến nhất. Dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, song nhiều người vẫn rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh): Thời gian qua, các đối tượng có máy chủ đặt ở nước ngoài gọi điện giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động ngày càng tinh vi. Để thực hiện mục đích lừa đảo, các đối tượng đã sử dụng các chiêu trò nhằm thao túng tâm lý của người dân. Đây là một trong những hình thức có nhiều bị hại nhất mà đơn vị ghi nhận trên địa bàn tỉnh.

gia-danh-cong-an.png
Thủ đoạn giả danh Công an để lừa đảo liên tục biến đổi tinh vi hơn (ảnh cơ quan Công an cung cấp).

Theo đó, thủ đoạn các đối tượng sử dụng nhiều nhất trong thời gian qua là gọi điện để hỗ trợ làm căn cước công dân hoặc định danh điện tử mức 2 sau khi Công an cấp huyện giải thể. Mới đây, ngày 31-3, Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận được đơn trình báo của anh Đ.Đ.X. (trú tại phường Trà Bá, TP. Pleiku) về việc bị lừa gần 22 triệu đồng.

Theo đó, ngày 29-3, anh X. nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là Công an hỗ trợ làm định danh điện tử. Sau khi kết bạn Zalo, đối tượng đã hướng dẫn anh X. cài đặt ứng dụng VNeID nhưng thực chất đây là ứng dụng giả mạo mà các đối tượng sử dụng để lấy cắp thông tin ngân hàng của người dân. Anh X. đã cài ứng dụng này vào điện thoại của vợ mình là chị S.

Sau đó, các đối tượng tiếp tục yêu cầu anh X. gắn sim điện thoại của mình vào máy của chị S-chiếc máy đã cài đặt ứng dụng giả và tiếp tục lấy thông tin của anh X. Sau khi đã có đầy đủ thông tin, các đối tượng đã thực hiện thao tác trên dịch vụ ngân hàng điện tử và chuyển hết toàn bộ số tiền gần 22 triệu đồng trong tài khoản của anh X. và chị S. vào tài khoản của chúng.

Trước đó, chị N.T.O. (trú tại phường Chi Lăng, TP. Pleiku) cũng nhận được cuộc gọi của một người tự xưng tên Anh thuộc Công an tỉnh thông báo căn cước công dân của chị bị sai thông tin. Sau đó, đối tượng gửi cho chị O. đường link “Dichvucong.dancucutru.com” để chị chỉnh sửa trực tuyến.

Khi chị O. nhấp vào đường link, các đối tượng hướng dẫn chị chuyển 12 ngàn đồng để làm phí hồ sơ nhưng sau đó lại thông báo với chị không cần chuyển vì “lực lượng Công an” đã liên kết bên ngân hàng để trừ phí. Bằng một số chiêu trò nhằm thao túng tâm lý, các đối tượng đã dẫn dụ chị O. tải app Internet Banking giả mạo của ngân hàng. Chị O. vừa nghe cuộc gọi từ các đối tượng vừa thực hiện thao tác tải ứng dụng theo chỉ dẫn. Bằng phương thức tinh vi này, các đối tượng đã lấy được mã OTP rồi chuyển đi số tiền hơn 400 triệu đồng từ tài khoản của chị O.

Thượng tá Đinh Văn Sơn-Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-nhận định: “Đây là một trong những phương thức, thủ đoạn mới mà các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng để chiếm đoạt các thông tin nhằm xâm nhập quyền sử dụng ngân hàng điện tử của người dân. Với những trường hợp này, người dân tuyệt đối không tải các ứng dụng lạ chưa được các cơ quan chức năng chứng thực và không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào qua điện thoại, nhất là mã OTP”.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng quy định về BKS xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe để gọi điện cho người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Ngày 1-12-2024, chị L. (trú tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai) nhận được cuộc điện thoại của người đàn ông tự xưng là cán bộ Công an xã Ia Sao và yêu cầu chị lên Công an huyện Ia Grai để định danh BKS xe ô tô. Sau đó 1 ngày, 1 đối tượng xưng là cán bộ Công an huyện Ia Grai yêu cầu chị L. đăng ký vì hết hạn.

Chị L. nói rằng không có thời gian để lên trụ sở làm việc nên các đối tượng đã hướng dẫn chị đăng ký trực tuyến qua điện thoại. Bằng một số thủ thuật, các đối tượng đã dẫn dụ chị L. cung cấp mã OTP, đồng thời đưa khuôn mặt vào để xác thực đăng ký định danh BKS xe. Chị L. bị cuốn theo các hướng dẫn của các đối tượng cho đến khi tài khoản bị trừ gần 1 tỷ đồng mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa.

Từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận trình báo của 4 nạn nhân về việc bị lừa đảo dưới hình thức giả danh Công an với số tiền thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Năm 2024, con số này là 13 vụ với giá trị thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Sơn: Các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn theo hướng ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, cập nhật liên tục những hoạt động của lực lượng Công an để nhằm thao túng tâm lý của người dân. Gần đây nổi lên thủ đoạn rất tinh vi khi các đối tượng thiết lập một căn phòng làm việc với nhiều người mặc trang phục ngành Công an mô phỏng theo phòng làm việc của lực lượng Công an. Từ đó, đối tượng gọi video cho người dân qua các ứng dụng để tạo lập niềm tin về việc đang ở trụ sở Công an để thực hiện mục đích lừa đảo.

“Dù bằng bất kỳ thủ đoạn nào thì người dân cần lưu ý lực lượng Công an không làm việc qua điện thoại mà chỉ gửi thư mời, giấy triệu tập để người dân đến trụ sở cơ quan Công an làm việc. Nếu xảy ra trường hợp tương tự, người dân cần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền hay thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng, kịp thời báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ tư vấn”-Thượng tá Đinh Văn Sơn nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm