Giả danh cán bộ Trung ương để lừa đảo 'chạy' dự án cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội xác định, từ năm 2017- 2018, Nguyễn Đình Thùy chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng của 4 bị hại, Vi Hồng Tiến chiếm đoạt 40.000 USD của 1 bị hại

Ngày 5/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Thùy (sinh năm 1976, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) 13 năm tù và Vi Hồng Tiến (sinh năm 1976, trú tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) 12 năm tù về cùng tội ''Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'' theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Trước đó, vào năm 2019, Công an thành phố Hà Nội nhận được đơn của nhiều người tố giác Thùy có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nhận tiền ''xin'' dự án cho doanh nghiệp.

Quá trình điều tra xác định, Thùy và Tiến là lao động tự do, không có mối quan hệ, không có khả năng giúp doanh nghiệp nhận thầu các dự án đầu tư công, nhưng đã đưa ra thông tin gian dối với người bị hại về các mối quan hệ với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các địa phương và có thể can thiệp để xin dự án cho doanh nghiệp.

Nếu cá nhân, doanh nghiệp nào muốn nhận được dự án, Thùy sẽ xin giúp nhưng phải chịu chi phí. Do tin tưởng, các bị hại đã đưa tiền cho bị cáo và bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội xác định, từ năm 2017- 2018, Thùy chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng của 4 bị hại, Tiến chiếm đoạt 40.000 USD của 1 bị hại.

Một trong số các bị hại là ông Dương Tuấn K. (sinh năm 1972, ở Hà Nội) quen biết Thùy từ năm 2017 và được Thùy tự giới thiệu công tác ở Bộ Giao thông Vận tải.

Thùy nói dối ông K. về việc Bộ Giao thông Vận tải đang trình Chính phủ chấp thuận đầu tư nhiều dự án giao thông, sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ còn dư và bị cáo có thể đứng ra xin cho doanh nghiệp trúng thầu thực hiện dự án.

Tin lời Thùy, ông K. đã nhờ Thùy xin cho một doanh nghiệp trúng thầu dự án Xây dựng tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.

Từ tháng 6/2017- 12/2018, ông K. nhiều lần đưa tiền cho Thùy tổng số 105.000 USD và 150 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, bị cáo không xin được cho doanh nghiệp trúng thầu và cũng không trả lại tiền cho người bị hại.

Không dừng lại ở đó, tháng 5/2018, Thùy còn giới thiệu và cho ông K. xem danh mục các dự án ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi ông K. nhờ bị cáo xin cho trúng thầu thi công dự án Nạo vét lòng hồ Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), bị cáo đã yêu cầu chi phí là 50.000 USD.

Khi đó, ông K. rủ bạn là ông Nguyễn Văn S (sinh năm 1973, ở Đắk Lắk) cùng làm dự án, mỗi người góp 25.000 USD để đưa cho bị cáo nhờ “chạy dự án.”

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Thùy không xin được dự án, cũng không trả tiền. Liên quan đến vụ án, Vi Hồng Tiến quen biết Thùy từ năm 2017.

Tiến giới thiệu với Thùy rằng bản thân đang công tác ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiều mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo Bộ, có thể nhờ can thiệp để xin được dự án.

Nếu có doanh nghiệp nào xin dự án thì Tiến sẽ nhờ lãnh đạo Bộ để giao dự án cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp trúng thầu phải chi phí hoa hồng 3-5% tổng mức đầu tư của dự án.

Số tiền này, hai bị cáo sẽ chia nhau. Dù không biết chắc chắn Tiến có thể xin được dự án hay không, nhưng Thùy đã đặt vấn đề với anh Bùi Quang N. (sinh năm 1979, ở Hà Nội) về việc có cửa “chạy dự án.”

Thấy vậy, anh N. đã nhờ bị cáo Thùy xin cho Công ty Thành An (của chị họ anh N) trúng thầu dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và dự án sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà.

Bị cáo yêu cầu anh N. đưa hồ sơ năng lực công ty và nộp chi phí xin dự án là 20.000 USD/dự án. Do tin tưởng, anh N đã đưa cho Thùy 40.000 USD.

Sau đó, Thùy đã đưa hết cho Tiến. Nhận tiền, Tiến hứa hẹn sẽ dẫn doanh nghiệp đến gặp lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin dự án. Tuy nhiên, sau đó Tiến không thực hiện lời hứa.

Quá thời hạn cam kết, doanh nghiệp vẫn không được nhận dự án, anh N đòi tiền không được nên đã gửi đơn tố cáo ra cơ quan công an.

Theo Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống của BHXH Việt Nam để phòng tránh lừa đảo. Ảnh nguồn baohiemxahoi.gov.vn

Cảnh báo yêu cầu cung cấp thông tin bảo hiểm y tế để lừa đảo

(GLO)- Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, thời gian gần đây, đơn vị nhận được phản ánh của một số cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc một số đối tượng mạo danh gửi giấy mời đến phụ huynh yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để thay đổi, bổ sung thông tin thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID.

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện việc đối tượng lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân để nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền.