Gấp rút phát triển sản phẩm du lịch thương hiệu quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Số liệu mới nhất của quý 1-2024 cho thấy, tổng doanh thu du lịch nước ta đạt khoảng 195.000 tỷ đồng; trước đó, cả năm 2023 tổng thu “ngành công nghiệp không khói” lên tới 672.000 tỷ đồng (chiếm hơn 6% GDP).

Mặc dù ngành du lịch đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nhưng các chuyên gia du lịch cho rằng, Việt Nam thiếu sản phẩm mang thương hiệu quốc gia để du khách chi tiêu nhiều hơn!

Trong khi đó, du khách Việt Nam khi đến những quốc gia lân cận có thể móc hầu bao đến cạn túi vì những sản phẩm hết sức độc đáo, có giá trị cao. Ví dụ, khi đến xứ sở Chùa vàng Thái Lan, du khách được đưa đi tham quan Trung tâm Sản xuất nệm Hoàng gia Thái Lan, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và bán cho du khách.

Hầu như du khách bị thuyết phục bằng những thí nghiệm cụ thể, chẳng hạn quả trứng gà không bị vỡ khi người nằm lăn trên đó, có người không chỉ mua một vài sản phẩm mà mua cả bộ gối nệm gần cả trăm triệu đồng. Tương tự, với Trung tâm Nghiên cứu rắn độc Hoàng gia Thái Lan, du khách được xem các tiết mục biểu diễn, các chuyên gia chiết xuất nọc độc… Sau màn biểu diễn là quảng cáo các loại thuốc, gần như du khách đều chi vài triệu đến hàng chục triệu đồng để mua những lọ thuốc được quảng cáo là chữa... bá bệnh. Hoặc sang Malaysia, du khách được đưa đi tham quan và giới thiệu đặc sản quốc gia, như gối, nệm (giống như Thái Lan), sản phẩm sâm quốc bảo Tongkat Ali… Tất nhiên không sản phẩm nào có giá rẻ!

Nhưng đỉnh cao công nghệ sản phẩm thương hiệu quốc gia phải nói đến Hàn Quốc. Du khách năm châu đến đây khó “thờ ơ” với các món hàng quốc bảo như sâm tươi, sâm đã qua chế biến, có mặt trong thức ăn hàng ngày nâng cao thể trạng cho người dân, phong phú chủng loại phù hợp cho người bệnh sử dụng. Bên cạnh đó, món dầu thông đỏ cũng được quảng cáo mãn nhãn! Du khách thật khó giữ chặt được đồng tiền cuối cùng trước khi rời khỏi quầy bán hàng.

Ở đây chúng ta thấy có một cách làm giống nhau. Các tour du lịch ở những quốc gia phát triển “bắt tay” nhau giảm giá, nhưng thực ra du khách chi tiêu vào sản phẩm thương hiệu quốc gia với số tiền có thể gấp nhiều lần so với giá tour!

Trong khi đó, ngành du lịch Việt Nam luôn kêu gọi làm thế nào để du khách chi tiêu nhiều hơn, thực chất đã có gì? So với nhiều quốc gia, chúng ta có phong cảnh quá đẹp, phong phú, có thể thám hiểm rừng sâu, hang động, tắm biển, ngao du miệt vườn. Nhưng ngoài dạo chơi non nước, khi về du khách sẽ mua món gì, giá trị được bao nhiêu để tự mình sử dụng hoặc làm quà cho người thân? Thống kê của ngành du lịch cho thấy, mỗi năm Việt Nam đón hơn chục triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, vui chơi, nhưng bao nhiêu khách trong số này chọn mua quà lưu niệm và thích mặt hàng nào?

Câu trả lời từ chính các doanh nghiệp lữ hành là khách mua không nhiều, trị giá món hàng không cao, như cà phê, trà, đồ thủ công mỹ nghệ, bánh kẹo… Thực ra, nước ta có sản phẩm sâm Ngọc Linh khá nổi tiếng, là dược liệu quý có 26 hợp chất mà những loại sâm khác trên thế giới không có; có chất MR2 với công dụng ngăn ngừa và ức chế các khối u… Thế nhưng, thời gian qua sản phẩm sâm Ngọc Linh bị trà trộn giả thiệt, vùng trồng bát nháo, ngay cả người tiêu dùng nội địa lo sợ mua trúng hàng kém chất lượng thì làm sao bán cho du khách?

Sau dịch Covid-19, sự nỗ lực vực dậy ngành du lịch nước ta được cả hệ thống chính trị vào cuộc, mà điển hình là sự ra đời của Nghị quyết 82/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ về “nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững”. Cho đến nay số lượng khách đến cũng như tổng mức doanh thu từ du lịch được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên để ngành du lịch phát triển bền vững chúng ta cần đầu tư bài bản, tập trung vào một hoặc hai sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia. Nhà nước xác định lĩnh vực mũi nhọn, bơm vốn ưu đãi, từ đó thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển; phạt mạnh tay nếu xảy ra trường hợp làm ăn bát nháo. Sản phẩm là niềm tự hào của quốc gia, không chỉ phục vụ cho người dân trong nước mà còn trở thành món quà không thể thiếu khi du khách rời Việt Nam!

Có thể bạn quan tâm

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.