Gặp lại chị Hồng “Bình dị” ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuần trước, tôi ra Sân bay Nội Bài để về Gia Lai. Tới giờ ra cửa, đứng dậy thì thấy ở ghế phía sau trong phòng chờ là chị Phạm Thị Hà-vợ chú Sanh, thủ trưởng cũ của tôi và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng-tác giả 2 bài thơ “Bình dị” và “Lời tượng nhà mồ” nổi tiếng. Chị Hà bảo: “Chị nhắn tin cho em mà chưa thấy trả lời, là chị Hồng rất muốn vào Gia Lai thăm lại nơi mấy chục năm trước chị tới”.

Vụt trong tôi ký ức về một ngày mùa khô năm 1983. Lúc tôi đang thơ thẩn trong khuôn viên Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum thì trưởng phòng bảo: “Có đoàn nhà văn của Nhà xuất bản Phụ nữ từ Hà Nội vào để đi thực tế sáng tác, muốn có người của Ty đi cùng. Trưởng ty giao cho phòng, phòng giao cho cậu. Ý cậu thế nào?”. Nghe chuyện, tôi mừng hết sức. Hồi ấy, cứ được đi xuống làng là thích, mà lại được đi với các nhà văn, làm chân “điếu đóm” cũng tự hào rồi. Đoàn do nhà văn Nguyễn Sinh-tác giả cuốn sách được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam “Ký sự miền đất lửa”, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ làm trưởng đoàn và các nhà văn Vũ Thị Hồng-vợ nhà văn Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Thị Hồng.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng trong lần trở lại Gia Lai. Ảnh: Văn Công Hùng

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng trong lần trở lại Gia Lai. Ảnh: Văn Công Hùng

Khi ấy, đường sá về huyện chưa như bây giờ. Cuồn cuộn bụi đỏ chui vào xe, vào người. Dằng dặc hoa dã quỳ và miên man đất đỏ. Mùa khô, rét như cắt ruột, cả đoàn ngủ tại một ngôi làng thông thống gió. Đêm khuya, lạnh đến quắt tai, lộng óc, không ngủ được, mọi người ngồi dậy đốt lửa rì rầm trò chuyện. Trong bất tận những câu chuyện ấy, chị cán bộ Hội Phụ nữ huyện Chư Prông đã kể chuyện về chị Hơ Noanh-Trung đội trưởng du kích rất nổi tiếng thời chống Mỹ và có số phận cực kỳ éo le. Chồng là đội viên du kích của chị, trong một trận chống càn đã hy sinh. Nén đau thương, chị tiếp tục chỉ huy du kích chiến đấu. Theo phong tục, chị nối dây với người em chồng, cũng là du kích trong đội. Và người em chồng này sau đó hy sinh trong một trận chặn xe, để lại cho chị những đứa con và người mẹ chồng già yếu. Sau ngày đất nước hòa bình, chị lặng lẽ trở về làm rẫy nuôi con. Chị làm một ngôi nhà ở ngay bên cạnh nhà mẹ chồng, nhường toàn bộ tiêu chuẩn của cả 2 liệt sĩ cho mẹ, còn mình sống bằng làm rẫy nuôi heo.

Câu chuyện đã làm xúc động tất cả mọi người có mặt hôm ấy. Hôm sau, cả đoàn thay đổi lịch trình để đến thăm chị. Nhá nhem tối hôm sau thì chúng tôi gặp chị sau khi ngồi đợi khá lâu vì rẫy nhà chị ở rất xa. Gần như sau chuyến đi, ai cũng viết về chị Hơ Noanh. Riêng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, khi đến Ayun Pa thì chị hoàn thành bài thơ, ban đầu có tên là “Hơ Noanh”. Nghe chị đọc, ai cũng xúc động và thấy rằng nó hay, nhưng hình như tên bài chưa ổn. Sau một hồi, có người đề xuất lấy tên là “Màu xanh bình dị”, câu cuối của bài thơ. Nhưng đến sáng hôm sau thì nhà thơ Nguyễn Thị Hồng tuyên bố với mọi người: Tên chính thức của bài thơ là “Bình dị”. Khai thác cuộc đời một nhân vật có thật đưa vào một bài thơ, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã vượt qua những chi tiết cụ thể để đạt đến tầm khái quát rất cao: “Em nguyên sơ như đất/em nguyên sơ như cây/em nguyên sơ như nắng/như gió cao nguyên này/Một màu da của đất/một cái nhìn của cây/một tâm hồn của nắng/của gió cao nguyên này”. Bài thơ vừa trữ tình cụ thể mà lại đạt đến độ hào sảng và bay bổng. Nói những điều tầm vóc mà lại thủ thỉ, nhẹ nhàng; kiệm lời mà sâu xa; hóa thân mà tách bạch. Khoảng 1 tháng sau thì Tạp chí Văn nghệ Quân đội in bài thơ này với lời đề “Tặng chị Hơ Noanh” và vài tháng sau nữa thì bài thơ đoạt giải (tôi không nhớ là giải mấy) cuộc thi thơ trên tạp chí này.

Trong chuyến đi này, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng còn viết một bài nữa, mà theo chị và nhiều người là nó hay hơn, sâu sắc hơn, Tây Nguyên hơn, bài “Lời tượng nhà mồ”. Vừa rồi, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng in tuyển tập thơ, trong đó có 2 bài thơ này.

Sau 40 năm, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng trở lại Gia Lai. Tôi rủ nhà thơ Phạm Đức Long đưa chị tới một vài, chỉ một vài thôi, nơi chị đã qua. Khỏi nói chị đã xúc động và vui tới như nào. 75 tuổi, chị hăm hở đi bộ như thanh niên. Tiếc là, tôi lại có một cuộc đi mới nên đã không đưa chị xuống lại Chư Prông-nơi chị đã gặp nguyên mẫu để làm bài thơ “Bình dị”.

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.