Gặp cậu bé đạt giải ba Festival Piano

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 2 năm miệt mài rèn luyện, theo đuổi đam mê với cây đàn piano, em Trần Tuấn Kiệt (lớp 8.2, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) đã giành được giải ba tại Festival Piano lần thứ II-2023 do Học viện Âm nhạc Huế tổ chức hồi tháng 3 vừa qua.

Giúp con phát triển năng khiếu

Tôi tìm đến căn nhà khang trang, rộng rãi của gia đình em Trần Tuấn Kiệt ở thôn 5 (xã Ia Băng) vào một buổi chiều muộn. Nhà Kiệt ở ngay bên cạnh đường liên xã, phương tiện lưu thông nhiều, kèm theo đó là đủ thứ tạp âm; thế nhưng, điều đó dường như không ảnh hưởng đến quá trình em tập luyện mỗi ngày.

“Mỗi khi ngồi cạnh cây đàn, lướt nhẹ ngón tay trên từng phím một, Kiệt như nhập tâm hoàn toàn vào bản nhạc, không còn để ý đến mọi thứ xung quanh. Con từng nói với gia đình rằng không thể sống thiếu âm nhạc”-chị Nguyễn Thị Mai Tâm chia sẻ về đam mê của cậu con trai.

Em Trần Tuấn Kiệt say sưa bên phím đàn. Ảnh: P.D

Em Trần Tuấn Kiệt say sưa bên phím đàn. Ảnh: P.D

Năng khiếu âm nhạc của Kiệt được chị Tâm phát hiện vào năm 2021. Chị Tâm cho hay, bản thân chị đã có một khoảng thời gian ngắn theo học đàn organ. Vì vậy, khi thấy con tự nghe nhạc, rồi tập chơi trên cây đàn organ ông ngoại để lại, chị đã khuyến khích Kiệt theo học để phát triển năng khiếu, nuôi dưỡng đam mê.

“So với bạn bè cùng trang lứa, có lẽ, con là đứa trẻ sớm trưởng thành, biết lo nghĩ cho ba mẹ. Con sợ ba mẹ tốn tiền, mất thời gian đưa đón mỗi tuần, ảnh hưởng đến công việc nên không chịu đăng ký học. Vợ chồng tôi động viên con chỉ cần học thử 1 tháng, nếu không thấy phù hợp thì dừng. Và chưa đầy 1 tháng sau, con đã thay đổi hoàn toàn ý định, ngỏ lời xin ba mẹ được tiếp tục theo đuổi đam mê với bộ môn Piano”-chị Tâm bộc bạch.

Đều đặn, mỗi tuần 2 buổi, anh Trần Thế Chiến cùng con trai vượt chặng đường hơn 10 km từ nhà đến Trung tâm Âm nhạc và nhạc cụ Quốc Piano (phường Trà Bá, TP. Pleiku) để học. Thời gian học linh động với 2 khung giờ: 17 giờ đến 19 giờ thứ hai, thứ sáu hoặc 19 giờ đến 21 giờ thứ hai, thứ tư. “Đường xa, đưa con lên rồi quay trở về cũng bất tiện nên tôi ngồi bên ngoài đợi, khi nào Kiệt học xong thì 2 ba con cùng về. Mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa, trời tối, đi lại cũng vất vả. Tôi nhớ, có lần trên đường về nhà, trời mưa to, xe máy bị thủng xăm, tìm mãi không có chỗ sửa. Cứ thế, tôi dắt xe đi trước, Kiệt lẽo đẽo theo sau suốt chặng đường dài, lâu lâu tôi ngoái đầu nhìn lại mà thương”-anh Chiến chia sẻ.

Để giúp con học đàn một cách nghiêm túc, vợ chồng anh Chiến-chị Tâm quyết định mua lại cây đàn piano với giá trên 20 triệu đồng. Với thu nhập từ công việc làm nương rẫy của anh và lương giáo viên mầm non của chị (chị Tâm hiện là giáo viên Trường Mầm non xã Ia Băng) thì đây quả thực là sự đầu tư không hề nhỏ. “Thật khó để con tiến bộ nếu chỉ tập luyện trên cây đàn organ. Do đó, gia đình cũng chắt chiu, dành dụm, cố gắng để luôn đồng hành, giúp con theo đuổi đam mê, sống với ước mơ”-chị Tâm bày tỏ.

Trước khi có được sự linh hoạt, uyển chuyển trên từng phím đàn, Kiệt đã từng trải qua những tháng ngày làm quen và tập luyện miệt mài và hăng say đến mức các đầu ngón tay, cổ tay tê nhức, đau buốt. Dẫu vậy, chưa một lần em nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Lý giải với tôi về điều này, Kiệt nói lời của một chàng trai đã trưởng thành: “Ba mẹ luôn dạy em dù có khó khăn cũng phải luôn cố gắng. Với lại, sau khi theo học, em phát hiện bản thân rất thích piano. Vậy nên, ngoài thời gian học ở trung tâm, mỗi ngày, em đều dành 1-2 giờ để luyện tập thêm. Trong dịp hè thì thời gian nhiều hơn thế”.

Cảm phục trước sự kiên trì của 2 cha con Kiệt, anh Nguyễn Phú Quốc-giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, đồng thời là người thành lập và giảng dạy bộ môn Piano tại Trung tâm Âm nhạc và nhạc cụ Quốc Piano đã dành những lời ngợi khen: “Ban đầu, tôi cũng hơi ái ngại, sợ đường sá xa xôi, anh Chiến và Kiệt không thể kiên trì. Vậy mà, suốt mấy năm qua, Kiệt chưa vắng bất cứ buổi học nào. Em vừa có năng khiếu về piano, vừa đáp ứng được các yếu tố về tính tập trung, sự kiên trì và tinh thần tự giác. Do đó, thay vì cần đến 9-10 tháng để tiếp cận các bài học cơ bản, Kiệt chỉ mất 3 tháng đã có thể đáp ứng tốt yêu cầu của môn học”.

Theo đuổi đam mê âm nhạc

Nhận thấy cậu học trò có năng khiếu và đam mê, tháng 3-2023, anh Quốc đã cùng Kiệt tham gia Festival Piano lần thứ II-2023 do Học viện Âm nhạc Huế tổ chức. Đây là sự kiện có quy mô toàn quốc, thu hút hơn 200 thí sinh đến từ nhiều học viện, nhạc viện, các trường đào tạo nghệ thuật, trung tâm bồi dưỡng âm nhạc. Và tại bảng B dành cho những thí sinh 11-14 tuổi đến từ các trung tâm bồi dưỡng âm nhạc trên cả nước, Kiệt tham gia biểu diễn 2 tiết mục có tính chất, thể loại âm nhạc khác nhau và xuất sắc giành giải ba.

“Em đã tập luyện 2 bản nhạc Czardas và Étude số 3 trong khoảng 2 tháng trước khi tham gia Festival. Lần đầu được đứng trên sân khấu lớn, em có chút hồi hộp, lo lắng. Đến khi ngồi trước cây đàn, tâm trạng em mới ổn định, sau đó thì không còn nghĩ gì đến mọi thứ xung quanh, chỉ đắm mình vào từng nốt nhạc”-Kiệt chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của tôi: “Điều em nghĩ đến đầu tiên khi bước lên sân khấu nhận phần thưởng là gì?”, Kiệt đáp: “Đó là ba mẹ em! Nếu không có ba mẹ luôn bên cạnh động viên, đồng hành, em sẽ không có được phần thưởng này. Ba đã phải gác lại mọi việc, kiên nhẫn ngồi đợi em, sau đó lại lặng lẽ làm bù vào sáng sớm, đêm khuya. Em rất thương ba mẹ và muốn trao lại phần thưởng này cho cả hai”.

Em Trần Tuấn Kiệt (thứ 7 từ phải sang) tại lễ trao giải Festival Piano lần thứ II-2023 (ảnh gia đình nhân vật cung cấp).

Em Trần Tuấn Kiệt (thứ 7 từ phải sang) tại lễ trao giải Festival Piano lần thứ II-2023 (ảnh gia đình nhân vật cung cấp).

Theo chân 2 thầy trò cùng ra TP. Huế tham dự Festival, anh Chiến kể lại giây phút Kiệt được xướng tên lên nhận giải: “Không biết lúc đó con có run không chứ dưới hàng ghế khán giả, tôi run lắm! Gia đình chỉ nghĩ cho con tham gia để được học hỏi, trải nghiệm ở sân chơi lớn, giúp con thêm tự tin chứ không dám nghĩ đến giải thưởng”. Với tâm lý người mẹ, chị Tâm vừa vui, vừa tự hào với thành tích bước đầu của cậu con trai lớn, song cũng không giấu được nỗi băn khoăn, lo lắng. Chị tâm sự: “Sợ con mới có chút thành tích nho nhỏ đã tự mãn. Vậy nên, vợ chồng tôi luôn bên cạnh nhắc nhở con khiêm tốn, cần cố gắng học hỏi, vì xung quanh còn rất nhiều người giỏi và tài năng”.

Trao đổi với P.V về dự định trong tương lai của con trai, anh Trần Thế Chiến cho hay: “Gia đình tôi cũng chưa dám nói trước điều gì, vì chặng đường phía trước còn phụ thuộc vào khả năng cũng như sự kiên trì của con. Tuy nhiên, gia đình cũng định hướng, sau khi con tốt nghiệp THCS, sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để Kiệt thi vào Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh tiếp tục theo học văn hóa và bộ môn Piano. Chúng tôi cũng xác định, bộ môn Piano cần chặng đường dài cả về thời gian, công sức lẫn kinh tế, song chỉ cần Kiệt có quyết tâm, ba mẹ sẽ luôn bên cạnh con”.

Có lẽ, hiểu được nỗi lòng ba mẹ, nên suốt 7 năm học vừa qua, Kiệt luôn nỗ lực trong học tập và tích cực tham gia các phong trào văn nghệ do trường, lớp tổ chức. Năm học nào em cũng đạt học sinh giỏi. Năm học 2022, Kiệt đại diện cho Trường THCS Nguyễn Văn Cừ tham gia hội diễn văn nghệ nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoa tổ chức và đã đạt giải nhất cá nhân với tiết mục độc tấu đàn piano.

Trong năm học 2023-2024 này, Kiệt bày tỏ quyết tâm: “Em sẽ sắp xếp thời gian hợp lý để có thể song hành giữa việc học văn hóa và theo đuổi niềm đam mê âm nhạc. Ngoài thời gian học, em sẽ phụ ba mẹ việc nhà và cùng chơi với em”.

Theo anh Quốc, Festival Piano là sân chơi giúp các thí sinh giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ cảm thụ âm nhạc. Những bản nhạc tham gia Festival cũng mang tính học thuật, tính cổ điển rất cao, đòi hỏi người có năng khiếu và đam mê thực thụ. Giải ba của Kiệt tại Festival không chỉ là niềm tự hào của cá nhân, gia đình mà cũng là niềm tự hào của Trung tâm khi có một thí sinh vô cùng xuất sắc. Trước đó, Trung tâm cũng có 1 em học sinh lớp 5 đạt giải khuyến khích tại cuộc thi “Tài năng miền Trung” lần thứ I năm 2019 do Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

“Ở các thành phố lớn, việc gia đình đầu tư cho con theo học piano một cách nghiêm túc, bài bản là hết sức bình thường nhưng với Gia Lai thì chưa nhiều. Bởi đây đơn thuần là môn nghệ thuật hướng con người đến với các giá trị chân-thiện-mỹ chứ không phải môn học chính để nâng cao thành tích hay giải quyết vấn đề điểm số, học bạ. Vì vậy, Trung tâm có được những học viên vừa có năng khiếu, vừa có đam mê và được gia đình đầu tư nghiêm túc như thế này quả thật rất vui”-anh Quốc phấn khởi cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.