Gánh hàng rong gây thương nhớ một thuở Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong muôn mặt của Sài Gòn trước 1975, hình ảnh những người lao động lam lũ trên đường phố luôn là để tài sống động. Không đến nỗi phải "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" nhưng họ cũng đã đổ biết bao mồ hôi công sức để có được bát cơm.

Lảnh lót tiếng rao

"Ai... bánh canh không?, Ai... cháo lòng không?". Tiếng rao thật lớn nhưng êm tai. Người Sài Gòn không thể quên được một dạo những người bán hàng rong được ví như chiếc đồng hồ chính xác nhất. 9 giờ sáng là "Ai tàu hủ không?", đến 10 giờ là "Ai chè đậu xanh bột bán nước dừa đường cát không?".

 

Gánh bánh canh giữa phố Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Gánh bánh canh giữa phố Sài Gòn (Ảnh tư liệu)

Cứ thế, suốt ngày mỗi người một giờ, mỗi món ăn một thời điểm chính xác đến độ người dân không cần xem đồng hồ. Không ai cảm thấy khó chịu mà ngược lại, hôm nào vắng họ là cảm thấy nhớ nhung.

Trong bức ảnh "Gánh bánh canh giữa phố Sài Gòn", chị bán hàng có gương mặt phúc hậu, đang nghiêng vành nón, một tay cầm tô, mắt nhìn vào nồi bánh canh đang tỏa hơi nóng bốc lên. Đôi quang gánh của chị đơn sơ, giản dị. Một đầu là nồi bánh canh khá lớn. Đầu còn lại, trên tấm nia là thùng nước rửa tô, một vài chiếc tô sạch.

Khách hàng của chị là một chàng trai mới lớn. Kẹp đôi đũa trong tay, cậu cầm muỗng múc nước lèo húp một cách ngon lành. Tất cả hoạt cảnh êm đềm đó diễn ra trên đường phố.

 

Mía lạnh, món ăn vặt một thời (Ảnh tư liệu)
Mía lạnh, món ăn vặt một thời (Ảnh tư liệu)

Một bức ảnh khác, cũng đôi quang gánh nhưng người phụ nữ này bán mía ướp lạnh. Chị là một cô gái còn trẻ. Chiếc nón lá chị móc vào đầu sau của gánh. Ở đầu trước, một tủ kính nhỏ trong đó có một mảng nước đá, xung quanh chất đầy những khúc mía đã róc sạch vỏ.

Một ngày với chị không phải chỉ bấy nhiêu mía trong tủ kính mà "hàng dự trữ" còn đầy ở đầu gánh phía sau. Bởi thế không lạ gì khi thấy chị oằn lưng với đôi quang gánh.

Đường phố Sài Gòn trước 1975 không đông đúc như bây giờ nên sự xuất hiện của những người bán hàng rong không gây trở ngại nào mà ngược lại còn điểm tô thêm cho sắc thái của Sài Gòn.

 

Bánh tráng kẹo trên đường Tự Do (Quận 1, TP.HCM) nay là Đồng Khởi (Ảnh tư liệu)
Bánh tráng kẹo trên đường Tự Do (Quận 1, TP.HCM) nay là Đồng Khởi (Ảnh tư liệu)

Một người đàn bà đứng tuổi với gánh bánh tráng kẹo rong ruổi trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), một trong những con đường lớn ngay giữa lòng trung tâm thành phố. Chị người Quảng Ngãi, nơi có món ăn dân dã độc đáo này. Một chiếc bánh tráng nướng và kẹo mạch nha được kéo thành từng mảng phủ kín lên trên, rất ngon và đậm chất quê hương.

Ngày nay có khác hơn. Cách bán buôn không nhọc nhằn như trước nhờ vào những công cụ trợ giúp. Tuy nhiên đồng tiền họ kiếm được cũng không kém phần cay đắng.

 

Xe mì một thuở xa xưa (Ảnh tư liệu)
Xe mì một thuở xa xưa (Ảnh tư liệu)

Chỉ còn là kỷ niệm

Xe mì trong ảnh nếu còn đến nay cũng phải gần 100 năm. Chiếc xe cũ kỹ. Trong thân xe là lò nấu nước, thùng nước lèo cùng củi than dự trữ. Mì được chứa trong những ngăn kéo.

Nghề nấu mì và xe mì là sản phẩm của người Hoa du nhập vào Việt Nam, sống với người Việt cùng với bao vui buồn đã trở nên quen thuộc.

Trước 1975, những chiếc xe mì này thường cố định ở một vị trí nào đó. Nó là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Từ người lao động đến anh thương gia, ai cũng cần một bát mì khi đói lòng.

 

Xe khô mực nướng bây giờ rất khó tìm thấy (Ảnh tư liệu)
Xe khô mực nướng bây giờ rất khó tìm thấy (Ảnh tư liệu)

Ngoài phục vụ khách tại chỗ, nhiều xe mì còn có người đi vào tận các hẻm đông dân cư trên tay cầm hai thanh tre gõ vào nhau tạo thành tiếng kêu thay cho lời rao chào hàng. Dần dần tiếng gõ ấy trở nên quen thuộc và tên gọi "mì gõ" có từ dạo ấy.

Ở một chiếc xe đẩy tay khác, những con mực khô được treo ở trên cao thành hàng dài. Người bán hàng đang ngồi chờ khách. Xe bán mực khô này xuất hiện khá nhiều ở Sài Gòn vào những năm 1960 - 1970 và vắng dần, đến hôm nay rất khó tìm thấy.

 

Nước mía (Ảnh tư liệu)
Nước mía (Ảnh tư liệu)

Khách đến tự do chọn cho mình con mực ưng ý rồi đưa cho người bán nướng. Qua bếp than hồng, mùi thơm của mực bốc lên. Mực chín được cho vào chiếc cối quay vài vòng. Con mực tơi ra và chỉ cần xé chấm với tương thì không còn gì bằng.

Trước sự phát triển của công nghệ hiện đại, ít người còn nhớ đến xe nước mía quay bằng tay. Xe nước mía xưa được đóng bằng gỗ, không đẹp như bây giờ.

Ép mía bằng 2 trục nối với tay quay cũng bằng gỗ. Người bán nước mía thời bấy giờ thường là đàn ông mới có sức để quay bởi phải dùng 2 tay và thêm một chân mới quay được vòng tua ép mía.

Hàng rong bây giờ vẫn còn nhưng không như xưa. Đôi quang gánh và tiếng rao lảnh lót gần như đã vào dĩ vãng. Tiếng gõ "lốc cốc" của mì gõ cũng im ắng. Mì vẫn còn bán, mực vẫn còn nướng và nước mía vẫn ngọt như xưa nhưng những chiếc xe ấy trở thành huyền thoại. Với bây giờ, tất cả đều là kỷ niệm trong ký ức người dân Sài Gòn.

Trần Chánh Nghĩa/vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ cuối: Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân

Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ cuối: Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân

(GLO)- Quá trình điều tra vụ án “Phan Thị Thảo cùng đồng phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, mỗi điều tra viên đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, mưu trí, sắc bén. Chiến công ấy góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.