(GLO)- Hầu hết những bệnh nhân bị dương tính với SARS-CoV-2 đều cảm thấy bất ngờ, lo lắng và thậm chí là sợ hãi. Ổn định tâm lý là cách đầu tiên để đẩy lùi bệnh tật, quan trọng hơn bất kỳ loại thuốc nào. Chính vì thế, những F0 luôn cần sự cảm thông, chia sẻ của mọi người.
Xin đừng kỳ thị
Khi sức khỏe dần ổn định, quan sát nhịp sống xung quanh, tôi hỏi han, nói chuyện với các F0 cùng tầng điều trị. Lúc trò chuyện chúng tôi đều đứng cách xa 2 m, đeo khẩu trang nên chỉ quen dáng, quen tiếng của nhau. Người lạ hóa người quen trong trường hợp bất đắc dĩ, chia sẻ với nhau chuyện gia đình, dịch bệnh, động viên nhau vượt qua thời điểm khó khăn.
Các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 ở nhiều độ tuổi khác nhau, có bé gái chỉ mới 4 tháng tuổi. Ảnh: Thủy Bình |
Gia đình anh L.V.L. (tổ 4, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) có lẽ đông nhất ở khu điều trị với 3 thế hệ và 15 thành viên cùng mắc Covid-19. Người lớn nhất 80 tuổi và nhỏ nhất là bé trai hơn 1 tuổi. Gia đình anh L. không rõ nguồn lây từ đâu, chỉ khi ông nội có triệu chứng mệt mỏi, ho nhiều, gia đình test nhanh thì kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Khi thông báo với địa phương và được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho 15 thành viên trong gia đình, kết quả có tới 14 người dương tính! Riêng anh L. lần 1 xét nghiệm âm tính, nhưng dương tính vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm lại. Nhận kết quả, cả nhà không khỏi suy sụp tinh thần.
Đại gia đình vào khu cách ly, mọi người trấn an nhau để bước vào “trận chiến”. Người bị bệnh nhẹ làm chỗ dựa cho người nặng hơn. Mỗi người có những triệu chứng bệnh khác nhau: mất vị giác, khứu giác, ho, sốt, khó thở, ngạt mũi... Các triệu chứng này diễn tiến từng ngày theo chu kỳ bệnh. “Cơm ở bệnh viện thì không thể ngon như ở nhà, chúng tôi đều bị mất vị giác, khứu giác nên ăn không thấy ngon. Vào đây, ban đầu ai cũng lo, sau đó mọi người động viên nhau, yên tâm điều trị để sớm khỏi bệnh”-anh L. chia sẻ.
Do ông, bà nội đã lớn tuổi, lại có bệnh nền nên đến ngày thứ 13 mới được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, còn lại đều xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 9. Anh L. tâm sự: “May mắn là cả gia đình đều được điều trị ở cùng 1 bệnh viện, ở cùng 1 tầng nên có thể hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Chúng tôi kiên trì uống nhiều nước, bổ sung vitamin C, ăn đủ chất, cố gắng vận động, tập thể dục tại chỗ kết hợp xông mũi-họng… Và điều may mắn là các thành viên đều sớm hồi phục sức khỏe. Chúng tôi nhận kết quả âm tính SARS-CoV-2 trong niềm vui vỡ òa”.
Ngay cạnh phòng tôi ở là 3 bà cháu ở phường Thống Nhất (TP. Pleiku). Làm nghề bán vé số, tiếp xúc với nhiều người, bà M.T.G. bị dương tính với SARS-CoV-2. Vợ chồng con gái bỏ nhau, bà phải nuôi đứa cháu ngoại, 1 đứa cháu gọi bằng cô và mẹ già. Tết sắp đến, bà G. cố gắng đi sớm về khuya bán vé số, kiếm tiền lo cho cả gia đình nhưng không may bị nhiễm bệnh. Được sự động viên của mọi người, bà G. và các cháu đã cố gắng ăn uống và điều trị. Đến ngày thứ 13 thì 3 bà cháu đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Bà G. cho biết: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi rất cẩn thận khi đi bán vé số nhưng vẫn bị “dính” F0. Gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhưng vẫn còn may khi 3 bà cháu an toàn, trong khi 2 đứa nhỏ chưa tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 nào. Vậy cũng là hạnh phúc rồi”.
Các em nhỏ dành thời gian ôn bài trong thời gian điều trị Covid-19 tại bệnh viện. Ảnh: Thủy Bình |
Tình người trong khu điều trị
Hơn 100 F0 tại Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 2, mỗi người mỗi hoàn cảnh, công việc khác nhau. Bệnh nhân hầu hết là người các xã, phường của TP. Pleiku và một số huyện lân cận. Hầu hết họ đều đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trừ trẻ em dưới 12 tuổi. Nhiều người không rõ nguồn lây nhiễm và không biết tiếp xúc với F0 từ khi nào. Dẫu gặp nhiều khó khăn vì điều kiện sinh hoạt nhưng mọi người cố gắng thích nghi để “chiến đấu” với dịch bệnh.
Có trường hợp F0 chỉ vài tháng tuổi, người có bầu 8 tháng và cũng có người âm tính nhưng phải vào viện để chăm sóc người thân bị dương tính… F0 nói chuyện với F0, lúc đầu có chút lạ lẫm nhưng rồi dần quen, động viên nhau cố gắng. Người vào trước chia sẻ kinh nghiệm cho người vào sau cùng chuẩn bị trước tâm lý khi gặp các triệu chứng liên quan. “Khi một bệnh nhân đến ngày lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi đều mong họ có kết quả âm tính và chúc mừng được trở về nhà. Nhưng cũng có nhiều trường hợp xét nghiệm vẫn còn vi rút nên có cảm giác hụt hẫng, và chúng tôi lại động viên, an ủi bệnh nhân tiếp tục điều trị”-bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng-Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 2 tâm sự.
Tại mỗi tầng điều trị luôn có máy cung cấp nước nóng cho bệnh nhân. Ảnh: Thủy Bình |
Trong khu điều trị, nhiều người được gia đình tiếp tế đồ ăn, nhu yếu phẩm nhưng cũng không ít người có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn không có điều kiện bổ sung chất dinh dưỡng. Và mọi người trong khu điều trị lại chia sẻ cho nhau từng miếng gừng, cây sả, trái cam, lốc sữa... Tôi cũng hỗ trợ vài F0 là người dân tộc thiểu số chai nước muối, một ít cam và lọ vitamin C, dặn siêng vận động, cố gắng tập thở để không phải dùng đến máy thở.
Điều kiện sinh hoạt chung, nhiều thành phần, lứa tuổi nên thỉnh thoảng vẫn có những phiền toái không đáng có, nhưng tất cả đều thông cảm, bỏ qua. Bởi điều trị để sớm hết bệnh, trở về với gia đình, công việc mới là mục tiêu trên hết, trước hết. Trong hoạn nạn chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau chính là sức mạnh, là nguồn động viên to lớn để chiến thắng vượt qua bệnh tật.
Với tôi, những ngày ở khu điều trị F0 là những kỷ niệm không thể nào quên. Dù chỉ tiếp xúc với những F0 ở tầng 5, chỉ là góp nhặt qua những lời chia sẻ ngắn ngủi nhưng nhờ đó, tôi cũng hiểu hơn về những gì mà bệnh nhân Covid-19 đã và đang phải trải qua. Tận tình cứu chữa, yêu thương, động viên F0 là đề kháng tốt nhất cho họ lúc này.
THỦY BÌNH