Đường đi của nông sản Trung Quốc 'đội lốt' Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cấm cửa nông sản Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt từ ngày 15.9 được xem là một trong những biện pháp mạnh để xóa tình trạng rau củ Trung Quốc “đội lốt” hàng Đà Lạt.
Đưa khoai tây Trung Quốc “đội lốt” hàng Đà Lạt lên xe tải để chở đi TP.HCM và các tỉnh miền Tây tiêu thụ ẢNH: ĐỨC TIẾN
Đưa khoai tây Trung Quốc “đội lốt” hàng Đà Lạt lên xe tải để chở đi TP.HCM và các tỉnh miền Tây tiêu thụ ẢNH: ĐỨC TIẾN
Thế nhưng, khi lệnh cấm còn chưa được ban ra thì giới tiểu thương đã có những “chiêu” khiến quy định này có nguy cơ giảm hiệu lực!
Sau gần 1 tuần theo xe tải vận chuyển hàng ở chợ nông sản Đà Lạt (P.11, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), PV Thanh Niên không khó để chứng kiến khoai tây Trung Quốc (TQ) được đưa về “quá cảnh” ở đây, rồi được “hóa kiếp” bằng việc trộn đất Đà Lạt cũng ngay tại chợ, sau đó chở đi bỏ mối ở TP.HCM, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và các tỉnh miền Tây.
“Tôi chở toàn rau củ TQ”
Đầu tháng 9.2018, PV Thanh Niên theo một tài xế xe tải tên L. (42 tuổi, ngụ Lâm Đồng) từ TP.HCM lên Đà Lạt. Anh L. lái xe tải loại 25 tấn, chuyên vận chuyển rau củ từ các vựa lớn bậc nhất ở Lâm Đồng đi cung cấp cho TP.HCM, các tỉnh miền Tây và cả nước bạn Campuchia. “Mình chỉ nhận chở hàng rồi lấy cước nhưng nhiều lúc thấy tội người nông dân. Họ làm ra sản phẩm trên chính vùng đất của mình nhưng lại bán không được bao nhiêu. Ngày trước, trồng khoai tây, cà rốt, bắp cải sau 3 tháng thì còn kiếm được kha khá. Giờ rau củ TQ đổ về nhiều quá nên nông dân bị thương lái ép giá, rất khốn khổ”, anh L. chia sẻ.
Cũng theo anh L., rau củ TQ được các thương lái lớn nhập về qua cửa khẩu phía bắc rồi đưa lên Lâm Đồng “hóa kiếp” thành hàng thương hiệu Đà Lạt. Cuối cùng là đưa đi bỏ mối ở các tỉnh. “Chủ vựa nhập công (container - PV) về, sau đó thuê nhân công tháo bao bì ra trộn đất Đà Lạt rồi bán lại cho đầu mối ở các tỉnh. Loại bao TQ hay xài đựng khoai tây là bao lưới 2 vạch đỏ ở ngoài, vạch vàng ở giữa. Sau đó, họ đổ khoai ra rửa, để ráo rồi trộn đất đỏ, đưa vào bao ni lông trắng loại lớn đóng nhãn mác Đà Lạt để chuyển đi các tỉnh. Anh đi bất cứ nơi nào ở Đà Lạt mà thấy xe container thì hầu như là xe chở rau củ TQ. Giờ ở Đà Lạt khoai tây người ta chỉ mới xuống giống nên cả tháng nay tôi chở toàn hàng TQ, cứ 2 ngày/chuyến”.
Để “hóa kiếp” khoai tây vàng Trung Quốc thành hàng Đà Lạt, các tiểu thương luôn “thủ sẵn” xô đất đỏ
Để “hóa kiếp” khoai tây vàng Trung Quốc thành hàng Đà Lạt, các tiểu thương luôn “thủ sẵn” xô đất đỏ
Nông dân bỏ nghề đi chạy xe ôm !
4 giờ 30 sáng, anh L. bỏ tôi xuống ngã ba Phi Nôm (H.Đức Trọng, Lâm Đồng) để đi giao hàng cho khách. Tôi bắt xe ôm tiến về chợ nông sản Đà Lạt (P.11, TP.Đà Lạt) cách đó chừng 20 km.
Chở tôi là ông Yên (52 tuổi, ngụ H.Đức Trọng, Lâm Đồng). Trong suốt hành trình tới chợ nông sản, ông Yên kể nhiều câu chuyện về Đà Lạt, trong đó có chuyện rau củ ở xứ này đang bị “thua trắng trên sân nhà”.
Theo lời kể, ông Yên di cư cùng gia đình từ Quảng Nam vào Lâm Đồng sống sau năm 1975. Ngày đó, gia đình ông bắt đầu lập nghiệp từ việc trồng rau củ. “Ở đây ai cũng sống bằng nghề la ghim. Như trồng cà rốt, khoai tây, cà chua, bắp cải… Cứ 3 tháng thì thu một lần. Hồi đó đất tốt, giá cả cũng được nên chỉ cần trồng xuống là có ăn”, ông Yên nói.
Nhưng khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, ông Yên bỏ nghề trồng rau củ đi chạy xe ôm kiếm sống, do việc trồng rau không còn hấp dẫn như trước. “Bây giờ, rau củ TQ giá rẻ tràn ngập ở Đà Lạt. Muốn loại nào có loại đó. Xe container chở rau củ từ TQ về xếp hàng dài ở các vựa. Thương lái thấy thế ép giá. Người nông dân ở đây không cạnh tranh nổi. Thời tiết khí hậu thì thay đổi, chi phí trồng đội lên, giá bán ra lại thấp thì sao bám trụ được”, ông Yên nói và dẫn chứng: “Ví như, khi vào vụ khoai tây chính gốc Đà Lạt bán 15.000 - 18.000 đồng/kg, trong khi người ta lấy khoai TQ về có vài ngàn đồng/kg, trộn với đất Đà Lạt rồi bán chừng 10.000 đồng/kg thì sao nông dân cạnh tranh được. Vậy nên tôi bỏ nghề, chạy xe ôm sống qua ngày”, ông Yên kể với giọng bùi ngùi.
Khoai tây Trung Quốc được đổ vào máy trộn
Khoai tây Trung Quốc được đổ vào máy trộn
Cận cảnh “đội lốt” cho hàng TQ
Chợ nông sản Đà Lạt (P.11, TP.Đà Lạt) là nơi chính quyền địa phương xây dựng nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ, buôn bán nông sản được làm ra trên chính vùng đất của mình. Thế nhưng vài năm trở lại đây, nơi này lại trở thành nơi trung chuyển, thậm chí là công trường biến rau củ TQ thành hàng Đà Lạt.
Ngày 7.9, có mặt ở ngôi chợ này, ngay từ sáng sớm PV Thanh Niên ghi nhận các loại xe tải, xe container đậu thành hàng dài bên trong chợ. Ngoài xe container biển số miền Bắc thì còn có nhiều xe tải lớn nhỏ của các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Cần Thơ, TP.HCM… Chợ chia làm 3 dãy với hàng chục ki ốt. Hầu hết các ki ốt đều kinh doanh mặt hàng khoai tây và cà rốt. Tiếng máy trộn khoai, cà rốt xoành xoạch, ầm ĩ cả khu chợ.
Nhiều tiểu thương ở chợ nói thẳng Đà Lạt đang vào mùa mưa nên người dân bản địa không trồng các loại củ như khoai tây, cà rốt, hành tây, bởi dễ bị úng. Nếu có trồng trái mùa, trồng nhà lồng thì củ nhỏ nên năng suất thấp, sẽ không có lời. “Bây giờ người nào làm sớm thì cùng lắm là mới xuống giống thôi. Phải 3 - 4 tháng nữa mới có khoai tây, hành tây Đà Lạt”, một chủ vựa khẳng định.
Đổ đất đỏ vào máy đang trộn khoai tây vàng
Đổ đất đỏ vào máy đang trộn khoai tây vàng
Trong vai một thương lái muốn mua số lượng lớn khoai tây Đà Lạt để bán ở Campuchia và các tỉnh, chúng tôi đến một ki ốt ở cuối chợ tìm hàng. Chủ vựa sau khi hỏi số lượng, loại hàng, nói thẳng: “Giờ em mua số lượng lớn thì không có hàng Đà Lạt đâu. Muốn có phải chờ mấy ngày. Chỗ chị chỉ có khoai TQ thôi”. Sau đó, bà này dẫn chúng tôi đi gặp chủ vựa lớn nhất ở chợ nông sản Đà Lạt là bà T. (khoảng 60 tuổi). Bà T. cũng không giấu giếm, nói hiện ở chợ hầu hết là khoai tây TQ. “Có hai loại khoai tây hồng và vàng. Trong đó, khoai vàng thì mẫu mã đẹp và dễ…“ăn đất” hơn khoai hồng”, bà T. giải thích rồi dẫn khách vào một sạp đối diện, cũng là của bà, để làm mẫu. “Củ khoai vàng như thế này đúng không? Sau khi rửa sạch phơi ráo nước thì mình vò đất đỏ lên là thành hàng Đà Lạt”, bà T. vừa nói vừa thao tác, chỉ sau vài giây củ khoai tây vàng óng chuyển sang màu đỏ sẫm. “Trộn như vầy là chuyển đi luôn chứ không cần làm gì thêm. Tại vì khoai này mới nên rất “ăn đất”. Em lấy tay vò vò đất đều lên khoai thì không ai biết là hàng TQ. Như thật luôn. Còn muốn làm nhanh thì bỏ khoai vào bịch 5 - 10 kg gì đó tùy em rồi rưới đất đỏ lên. Sau đó, cầm 2 vai của túi xóc qua xóc lại là được”, bà T. hướng dẫn.
Mẻ khoai tây vàng chuyển sang màu đỏ mang “thương hiệu” Đà Lạt
Mẻ khoai tây vàng chuyển sang màu đỏ mang “thương hiệu” Đà Lạt
Theo tìm hiểu của PV, ngoài thủ thuật trên thì các chủ vựa còn có chiêu trộn trực tiếp đất đỏ ướt vào khoai tây.
Trưa 9.9, tại một sạp lớn bên trong chợ, hai người một nam một nữ hì hục đổ khoai tây TQ vào máy trộn. Khoai chưa trộn màu vàng ươm, bên ngoài dính một ít đất màu đen. Sau khi người nam đổ chừng 100 kg vào máy trộn vài vòng thì người phụ nữ đứng cầm sẵn vòi xịt nước đều trên bề mặt khoai. Ngay sau đó, người này bốc đất đỏ ướt trong thau rưới lên khoai tây đang được xoay vòng trong máy trộn. Chừng 1 phút sau, mẻ khoai tây TQ vàng ươm được nhuộm đỏ au “ra lò” và đựng trong các khay nhựa lớn. Chưa dừng lại, người phụ nữ tiếp tục lấy một bụm đất “hồng phiến” khô để sẵn trước vựa rưới đều lên khoai tây vừa được nhuộm đỏ trước đó. Lúc này, khoai tây TQ chuyển sang màu đỏ bạc giống y khoai tây Đà Lạt. Tất cả được đóng vào bao ni lông trắng loại lớn đưa lên xe tải vận chuyển đi khắp các tỉnh. (còn tiếp)
Đức Tiến (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.