Đức Cơ: Người dân dọc quốc lộ 19 khổ vì mưa lớn, nước tràn vào nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trong những ngày qua, nhiều hộ dân tại thôn Ia Lâm (xã Ia Krêl), tổ dân phố 7 (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) lâm vào cảnh khổ sở mỗi khi trời mưa vì nước, bùn đất từ công trình nâng cấp quốc lộ 19 tràn vào nhà, vườn tược.

Theo phản ánh của các hộ dân, trong quá trình thi công dự án nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua khu vực thôn Ia Lâm (xã Ia Krêl) mặt đường đã được đôn cao hơn nền cũ, cao hơn nền nhà dân hai bên đường nên mỗi khi trời mưa lớn, nước từ quốc lộ 19 đổ vào nhà dân, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bà con. Một số gia đình đã phải đặt máy bơm để hút nước ra mỗi khi trời mưa. Có gia đình thì xây gờ xi măng ở trước sân để ngăn nước nhưng vẫn không thể tránh khỏi nước tràn vào nhà.

Mặt đường được đôn cao hơn nền nhà trong khi mương thoát nước dọc hai bên đường lại quá nhỏ nên mỗi khi mưa lớn nước không thoát kịp đã tràn vào nhà dân. Người dân đã kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng này.

Mỗi khi mưa to là bùn đất tràn vào nhà dân. Ảnh: P.S
Mỗi khi mưa to là bùn đất tràn vào nhà dân. Ảnh: P.S

Ông Lê Hùng Lâm (thôn Ia Lâm, xã Ia Krêl) bức xúc: Trước đây, khi chưa nâng cấp tuyến đường này, mương nước dọc bên đường rộng và sâu nên mỗi khi mưa đến là nước thoát kịp. Còn bây giờ thì mương nước hẹp và cạn, do đó, sau mỗi cơn mưa lớn thì nước đổ dồn về, tràn qua mương rồi chảy vào nhà dân. "Từ đầu mùa mưa đến nay đã xảy ra hàng chục đợt nước tràn vào nhà dân sống dọc hai bên đường. Mỗi khi mưa xuống là bà con chúng tôi phải chuẩn bị bao cát, chắn cổng nhà lại như kiểu... chạy lũ. Đợt mưa to vừa rồi, ngay trước nhà tôi có người đi xe máy bị nước xô ngã ra đường, may là người dân cứu kịp"-ông Lâm nói.

Người dân sống hai bên quốc lộ 19 rất lo lắng khi mưa đến. Ảnh: P.S

Người dân sống hai bên quốc lộ 19 rất lo lắng khi mưa đến. Ảnh: P.S

Hàng chục hộ dân sống tại tổ dân phố 7 (thị trấn Chư Ty, đoạn gần trụ sở Công an huyện) cũng chịu chung cảnh ngộ. Người dân ở đây cho biết, khu vực này là vùng trũng thấp, trước đây đã từng xảy ra ngập lụt vào mùa mưa. Hiện nay, mương thoát nước của quốc lộ 19 đang được thi công nhưng thiết kế hệ thống thoát nước hai bên đường quá nhỏ. Vì vậy, từ đầu mùa mưa đến nay, người dân ở đây phải đối diện với tình trạng ngập lụt kéo dài. Nước và bùn đất từ ngoài đường tràn vào nhà làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của bà con.

Nguyễn Thị Sáng (tổ dân phố 7, thị trấn Chư Ty) phải dùng những bao cát để che chắn không cho nước chảy vào nhà. Ảnh: Hà Phương
Nguyễn Thị Sáng (tổ dân phố 7, thị trấn Chư Ty) phải dùng những bao cát để che chắn không cho nước chảy vào nhà. Ảnh: Hà Phương

Chị Nguyễn Thị Sáng (tổ dân phố 7, thị trấn Chư Ty) buồn bã nói: "Khi mưa lớn lượng nước chảy tràn vào nhà, làm xói lở tường nhà tắm của nhà tôi. Do nhà tôi nằm ở nơi trũng thấp, nên khi trời mưa to là nước từ phía trên cao đổ tràn vào nhà. Tôi sống ở đây đã hơn 20 năm, chưa thấy tình trạng này xảy ra bao giờ, nhưng từ khi thi công nâng cấp quốc lộ 19 thì hễ mưa to là ngập. Không riêng gì nhà tôi mà các hộ dân tại khu vực này cũng rất khổ sở khi trời mưa. Chúng tôi rất mong các cấp quyền sớm vào cuộc yêu cầu đơn vị thi công có giải pháp xử lý tình trạng này".

Bà con tổ dân phố 7 (thị trấn Chư Ty) rất khổ sở mỗi khi mưa đến, nước và bùn đất tràn vào nhà. Ảnh: P.S
Bà con tổ dân phố 7 (thị trấn Chư Ty) rất khổ sở mỗi khi mưa đến, nước và bùn đất tràn vào nhà. Ảnh: P.S

Căn nhà của anh Huỳnh Tấn Đạt (tổ dân phố 7, thị trấn Chư Ty) nằm ngay vị trí trũng nhất của khu vực này nên chịu ảnh hưởng rất lớn. Mỗi khi trời mưa to, lượng nước đổ về nhiều tràn vào nhà lên đến nửa mét. Vợ chồng anh thường xuyên mất ăn, mất ngủ vì phải đắp bờ bao, tát nước. Theo anh Đạt, đơn vị thi công quốc lộ 19 làm hệ thống mương thoát nước dọc bên đường quá nhỏ nên khi mưa lớn nước không thể thoát kịp dẫn đến tình trạng này.

Người dân nơi đây dùng bao cát, đắp kè chắn trước cổng nhà để ngăn nước. Ảnh: Hà Phương
Người dân nơi đây dùng bao cát, đắp kè chắn trước cổng nhà để ngăn nước. Ảnh: Hà Phương

Trao đổi với P.V, ông Vũ Văn Toàn-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Ty-cho biết: Sau những đợt mưa vừa rồi, một số hộ dân đã phản ánh về tình trạng nước, đất đá tràn vào nhà, vườn tược. Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra thực tế và chỉ đạo lực lượng chức năng đến hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả trước mắt.

Người dân hai bên quốc lộ 19 khổ sở vì mưa và đi lại bị ảnh hưởng.

Qua ghi nhận thực tế, trong quá trình thi công nâng cấp quốc lộ 19, có đoạn không làm mương thoát nước bên đường và thiết kế mương nhỏ nên không đảm bảo việc thoát nước vào mùa mưa. Do vậy, khi trời mưa lớn bùn đất tràn vào nhà dân, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và gây thiệt hại tài sản, đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. "Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng này. Ủy ban nhân dân thị trấn đã báo cáo UBND huyện để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có ý kiến với đơn vị thi công quốc lộ 19 sớm triển khai xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp, khắc phục tình trạng trên, nhưng đến nay đơn vị thi công vẫn chưa thực hiện"-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Ty cho hay.

PHƯƠNG SANG

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.