Du lịch có thể phục hồi ngay từ đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chùa Tam Chúc, chùa Hương, chùa Yên Tử, đền Bà Chúa Kho… được mở cửa và áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch. Nhu cầu tín ngưỡng của người dân được bảo đảm và có thể  thấy dấu hiệu phục hồi du lịch đã và đang hiện diện.

Du khách đến dự khai xuân chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam). Ảnh: Hải Nguyễn
Du khách đến dự khai xuân chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam). Ảnh: Hải Nguyễn
Thực hành tín ngưỡng an toàn
Hôm 12.2, chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đã tổ chức lễ khai Xuân, cầu quốc thái dân an, và không tổ chức lễ hội. Nhiều nghi thức tâm linh diễn ra trang nghiêm. Theo ghi nhận của phóng viên, hàng nghìn du khách thập phương và người dân đã dự lễ khai Xuân chùa Tam Chúc. Các đại biểu, tăng ni, Phật tử và du khách thập phương tham dự lễ khai hội đều đảm bảo nghiêm các quy định về phòng dịch COVID-19.
Theo đại diện Ban quản lý Khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc, trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, có khoảng trên 1,5 vạn du khách, người dân từ nhiều nơi đã đến tham quan, vãn cảnh du xuân tại đây.
Khác so với mọi năm, các nghi thức tâm linh năm nay được tổ chức ngắn gọn, đảm bảo an toàn dịch bệnh nhưng vẫn trang trọng và giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống Phật giáo. Lễ rước nước là một trong những điểm mới của lễ khai Xuân chùa Tam Chúc, mang ý nghĩa cầu nguyện cuộc sống bình an, trường tồn. Đoàn rước nước đi thuyền ra giữa hồ Tam Chúc, tại vị trí linh thiêng, có cắm trước một cây nêu, lấy nước mang về các điện Quan âm, Pháp chủ, Tam thế và chùa Ngọc.
Mặc dù lượng du khách đến tham quan, chiêm bái chùa đông dần, nhưng công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đây được thực hiện nghiêm túc, quy củ. Từ Tam quan ngoại vào các khu, điểm tâm linh của chùa, du khách đều được hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy tắc 5K của Bộ Y tế. Vì thế, không khí lễ chùa đầu năm tại đây diễn ra trật tự, an toàn.
Ông Nguyễn Trọng Tú, một du khách từ TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) về dự lễ khai Xuân chùa Tam Chúc cho biết, ông  hài lòng về công tác phòng chống dịch tại đây. Từ công tác chuẩn bị lễ hội cho đến chỉ dẫn người dân tại đây đều được thực hiện nghiêm túc. “Hiện nay, người dân đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine trở lên và tự nâng cao ý thức phòng dịch cho bản thân và gia đình, vì thế, khi đi dự những lễ hội lớn đầu năm, chúng tôi hoàn toàn yên tâm” ông Tú cho biết.
Đền Bà Chúa Kho cũng bắt đầu được mở cửa trở lại đón du khách từ ngày 9.2 với quy định thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế; đồng thời, mỗi lượt vào lễ không quá 30 người. Tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội), lượng khách đổ về bắt đầu tăng dần trước khi địa điểm này được chính thức mở cửa đón khách trở lại từ 16.2. Theo quan sát, người dân và du khách thập phương về tham quan, lễ Phật đều tự ý thức bảo vệ bản thân. Cùng với đó, Ban quản lý Khu di tích và UBND huyện Mỹ Đức cũng đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho du khách chi tiết trong bối cảnh dịch COVID-19.
Tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch
Cơ sở tôn giáo, địa chỉ du lịch dần mở cửa đón khách cho thấy dấu hiệu đã và đang phục hồi du lịch, các địa phương cũng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Dịp đầu năm, nhiều tour du lịch tâm linh được các công ty du lịch mở bán rộng rãi và thu hút đông đảo khách du lịch. Với giá cả phù hợp dao động từ 400.000-1.000.000 đồng/ người, các tour du lịch như Tây Thiên - Tam Đảo (Vĩnh Phúc), chùa Hương (Hà Nội), Cửa Ông - Cô Bé cửa Suốt - chùa Cái Bầu (Quảng Ninh), đền Bảo Hà - đền Mẫu (Lào Cai), chùa Tam Chúc (Hà Nam)… nhận được sự quan tâm của nhiều du khách.
Tại nhiều địa phương trên cả nước, thời tiết khô ráo thuận lợi cho đi lễ chùa đầu năm. Khu di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) mở cửa đón du khách từ ngày 27.1. Theo thông tin từ Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, ngay từ mùng 1 Tết, Yên Tử đã đón gần 1.500 khách và tiếp tục gấp đôi vào những ngày tiếp theo. Cao điểm là ngày mùng 4 và 5 Tết, đơn vị đã đón trên 36.000 lượt khách. Đây là con số vô cùng đáng mừng, cho thấy sức hút của Khu di tích danh thắng Yên Tử và sự phục hồi nhanh chóng của du lịch tâm linh.
Tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), Ban Quản lý đã tìm tòi, sáng tạo những phương pháp nhằm tạo nên sự văn minh trong hoạt động đi lễ đền chùa đầu năm của người dân. Trong đó, việc hiện đại hoá và chuyên nghiệp hoá các dịch vụ bên lề như ở chùa Hương Tích, tăng cường sự tham gia của người dân bản địa trong việc giúp lễ đã tạo nên những hiệu ứng tốt.
Trao đổi với Lao Động, Thượng toạ Thích Minh Quang - Phó Trụ trì chùa Tam Chúc - cho biết, hiện nay, người dân đã được tiêm vaccine từ 2 mũi trở nên với tỉ lệ rất cao. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải thích nghi với tình hình mới. “Được sự chấp nhận của UBND tỉnh Hà Nam, chùa Tam Chúc đã mở cửa đón khách, để du khách nhân dịp năm mới đi tham quan, chiêm bái, lễ Phật, để cầu bình an. Theo ghi nhận của chúng tôi, du khách, Phật tử thập phương xa gần về đây, mọi người đều hoan hỉ và nâng cao ý thức phòng chống dịch. Hầu như tất cả mọi người đều đeo khẩu trang, sát khuẩn, khai báo y tế khi vào chùa” Thượng toạ Thích Minh Quang chia sẻ.
Thượng toạ Thích Minh Quang cũng cho biết thêm, chúng ta cần phải từng bước, có suy nghĩ tích cực, lạc quan hơn để chúng ta có thể học tập,  lao động, tham quan, du lịch, chiêm bái. Về lâu dài, chúng ta không thể đóng cửa các khu di tích, đền chùa, hoạt động tín ngưỡng mãi được. Mong rằng, người dân đến những nơi đông người luôn thực hiện tốt khuyến cáo 5K của bộ Y tế, giữ sức khỏe cho mình, giữ sức khỏe cho người.
HẢI NGUYỄN - MAI HƯƠNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.