Du lịch Chư Sê: chưa xứng tầm với tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng ngành “công nghiệp không khói” của huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) vẫn chưa có sự đột phá mạnh mẽ. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, trong khi việc kêu gọi xã hội hóa phát triển lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.  

Chư Sê có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như: thác Đá, thác Bà (xã Ia Hlốp), đập Ia Ring (xã Chư Pơng)… Đặc biệt, thác Phú Cường (xã Ia Pal) sở hữu vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ giữa núi rừng thu hút nhiều du khách tìm đến tham quan, thưởng ngoạn. Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ kết hợp Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Plei Ring (xã Hbông) cũng là điểm du lịch nhiều tiềm năng. Với diện tích mặt nước lớn, khu vực lòng hồ có phong cảnh đẹp rất thích hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, dã ngoại. Mặt khác, huyện Chư Sê còn lưu giữ 176 bộ cồng chiêng, trong đó có nhiều bộ chiêng quý. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp huyện khai thác phát triển du lịch sinh thái, canh nông kết hợp tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
 

Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Plei Ring (xã Hbông) sẽ là điểm kết nối với Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ hấp dẫn du khách nếu được quan tâm đầu tư đồng bộ. Ảnh: Quang Tấn
Khi được quan tâm đầu tư đồng bộ, Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Plei Ring (xã Hbông) sẽ là điểm kết nối với Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ thu hút du khách. Ảnh: Quang Tấn



Bà Lê Thị Hồng-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Sê-cho biết: Thời gian qua, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trồng cây xanh tại 2 công viên Kpă Klơng và Phạm Văn Đồng nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan của người dân và du khách. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên rà soát, kiểm kê và duy trì hoạt động của các đội cồng chiêng ở buôn làng; tuyên truyền người dân duy trì và bảo tồn các lễ hội truyền thống cũng như có phương án hỗ trợ, phục dựng. Huyện cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về du lịch bằng nhiều hình thức như: pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, hệ thống đài truyền thanh, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, hội thảo và trên các ấn phẩm báo chí...

Tuy nhiên, hầu hết điểm du lịch của huyện chưa phát triển tương xứng, tất cả chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng và chưa đóng góp nhiều vào ngân sách địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Ia Pal Nguyễn Hữu Thiện cho hay: Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có chính sách xúc tiến, quảng bá đậm nét những điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn. Cùng với đó, việc đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là đường sá, hạ tầng du lịch chưa đồng bộ. Đặc biệt, việc phát triển còn thiếu bền vững, chưa liên kết thành chuỗi. Chẳng hạn, khách đến thác Phú Cường chỉ để tham quan, ngắm cảnh chứ không có các dịch vụ kèm theo như ăn uống, vui chơi, giải trí khác.

 Tuy được doanh nghiệp đầu tư, tôn tạo nhưng điểm du lịch thác Phú Cường (huyện Chư Sê) chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Quang Tấn
Tuy được doanh nghiệp đầu tư, tôn tạo nhưng điểm du lịch thác Phú Cường (huyện Chư Sê) chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Quang Tấn


Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kpui H'Blê, trở ngại lớn nhất hiện nay là hạ tầng các điểm du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối các điểm hầu như chưa được đầu tư, trong khi công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, huyện chưa xây dựng được sản phẩm du lịch chất lượng mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút du khách lưu lại dài ngày. Nguồn nhân lực đầu tư cho du lịch còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, cán bộ, công chức làm công tác này chủ yếu kiêm nhiệm, các hộ kinh doanh dịch vụ hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp về du lịch nên chất lượng phục vụ khách chưa cao. Huyện cũng chưa có quy hoạch tổng thể kết nối du lịch toàn khu vực và chi tiết cho từng khu.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình giao thông, thiết chế văn hóa, thể thao, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư tại các khu, điểm du lịch; xây dựng cơ chế ưu đãi, mời gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, vốn tín dụng nhà nước để đầu tư nâng cấp, mở rộng dự án du lịch; khuyến khích góp vốn đầu tư các mô hình du lịch cộng đồng (homestay), khai thác giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Cùng với đó, thường xuyên gặp gỡ, tích cực xử lý, giải quyết thấu đáo, kịp thời những kiến nghị của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh phát triển”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nhấn mạnh.

 

 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.