DOVECO: Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 18 tháng đầu tư xây dựng, hôm nay (9-9), trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất Việt Nam của Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) tại huyện Mang Yang, Gia Lai chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mà còn tạo bước đột phá đưa Gia Lai trở thành một trong những trung tâm chế biến rau quả hiện đại, chất lượng cao của cả nước.
Trung tâm chế biến nông sản chất lượng cao
Ngành trồng trọt, chế biến rau quả được đánh giá là một trong những ngành hứa hẹn nhất của nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp chế biến rau quả chỉ chiếm 2,19% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ chế biến thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tất cả những điều đó mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có DOVECO. Với nền tảng vững chắc trải dài 63 năm của Nông trường Quốc doanh Đồng Giao trước đây, DOVECO đã đoàn kết, thống nhất, kịp thời đổi mới cơ cấu tổ chức, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững.
Khởi công Trung tâm chế biến rau quả DOVECO tại Gia Lai. Ảnh: Đ.G.N
Khởi công Trung tâm chế biến rau quả DOVECO tại Gia Lai. Ảnh: Đ.G.N
Một trong những nhiệm vụ chiến lược của DOVECO trong giai đoạn hiện nay là tập trung phát triển trung tâm chế biến rau quả lớn nhất ở khu vực Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo hướng hiện đại, sản xuất đa dạng các sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở nguồn nguyên liệu phong phú ở địa phương và vùng lân cận. Sau nhiều năm khảo sát, tích lũy, chuẩn bị các nguồn lực, được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp-PTNT và tỉnh Gia Lai, ngày 21-1-2018, DOVECO đã khởi công xây dựng trung tâm chế biến rau quả có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam tại Gia Lai, nằm trong Cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang, có diện tích gần 6 ha. Dự án gồm tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại nhất hiện nay gồm: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 10.000 tấn/năm, công nghệ và thiết bị Italia; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; Nhà máy chế biến rau quả, rau đồ hộp, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Italia, Đức, Nhật Bản. Với các tổ hợp sản xuất này, mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua hàng trăm ngàn tấn rau quả và nông sản các loại để chế biến và xuất tươi nhiều dòng sản phẩm rau củ quả như: chuối, dứa, thanh long, chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng, rau chân vịt, đậu tương rau, bắp ngọt, khoai lang Nhật, bí Nhật của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Sau thời gian nỗ lực xây dựng, cuối năm 2018, dây chuyền chế biến nước quả cô đặc hiện đại bậc nhất với công nghệ và thiết bị của Italia đã được hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Dây chuyền có khả năng sản xuất 10 tấn dứa cô đặc 60 Brix/giờ hoặc 5 tấn chanh dây cô đặc 50 Brix/giờ, mỗi ngày có thể tiêu thụ hàng trăm tấn quả chanh dây, dứa. Đầu năm 2019, dây chuyền chế biến rau quả đồ hộp được đưa vào hoạt động với công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm, toàn bộ máy móc được nhập khẩu từ châu Âu, có thể sản xuất các sản phẩm như bắp ngọt đóng hộp, dứa đóng hộp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, EU và Mỹ. Cùng với đó, dây chuyền đông lạnh cũng đã được hoàn thành với công suất 2 tấn sản phẩm/giờ. Nhà máy được trang bị hệ thống đông lạnh kết hợp giữa hệ thống máy nén của Mayekawa (Nhật Bản) và dàn IQF của Octofost (Thụy Điển) tạo ra sản phẩm đông lạnh đạt tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe của các nước trên thế giới.
Hôm nay (9-9), toàn bộ tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến mỗi năm, Trung tâm sẽ xuất khẩu từ 50.000 tấn đến 52.000 tấn sản phẩm rau quả các loại, doanh thu đạt 50-60 triệu USD. Đây là công trình vô cùng ý nghĩa, tạo bước đột phá để đưa Gia Lai trở thành một trong những trung tâm chế biến rau quả hiện đại, chất lượng cao của cả nước.   
Thúc đẩy nông nghiệp Tây Nguyên phát triển
DOVECO là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu rau quả không chỉ ở thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế. Hiện nay, sản phẩm của DOVECO xuất khẩu đến 50 quốc gia, tập trung chủ yếu vào thị trường các nước như: Nhật Bản (10%), Mỹ (13%), Israel (27%), EU (33%)... Các sản phẩm xuất khẩu chiến lược của DOVECO chủ yếu là: dứa lạnh 14,6%, dứa hộp 13,8%, nước dứa cô đặc 25%, nước chanh dây cô đặc 24%, vải lạnh 8,5%, mơ lạnh 3,8%, rau chân vịt 3,1%, các loại khác 7,2%. Còn với thị trường trong nước, sản phẩm của DOVECO đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn nhỏ và đang chiếm một thị phần lớn.
Các loại rau quả tạo ra những sản phẩm mang tính chiến lược của DOVECO rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Chính vì vậy, trong thời gian qua, song song với việc xây dựng trung tâm chế biến, DOVECO đã có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh khu vực Tây Nguyên. 
Công nhân lựa chọn sản phẩm nước chanh dây cô đặc. Ảnh: Đ.G.N
Công nhân lựa chọn sản phẩm nước chanh dây cô đặc. Ảnh: Đ.G.N
Theo đó, để có được vùng nguyên liệu ổn định, DOVECO đang chú trọng hợp tác xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu dựa trên các đặc điểm về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng khác nhau. Để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, DOVECO đã triển khai thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học, trong đó áp dụng mô hình tổ liên kết hợp tác sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, an toàn, bền vững cho các bên. Đối với những vùng nguyên liệu DOVECO thuê đất sản xuất, chính quyền địa phương nơi đó đứng ra ký hợp đồng thuê đất của dân, sau đó DOVECO ký hợp đồng với chính quyền địa phương và chủ động trong việc tổ chức sản xuất. Về phía người dân, sau khi cho thuê đất, DOVECO sẽ tạo điều kiện thuê làm nhân công lao động ngay tại vùng nguyên liệu. Còn với vùng nguyên liệu liên kết sản xuất, DOVECO sẽ thực hiện đầu tư ban đầu cho bà con nông dân như: cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng (không tính lãi suất), chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, theo dõi, giám sát, hướng dẫn quá trình sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn từ khâu sản xuất cho đến chế biến và xuất khẩu. 
Đặc biệt, DOVECO có chính sách hỗ trợ trong trường hợp rủi ro, thiên tai và cam kết bao tiêu sản phẩm. Nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sẽ được DOVECO thu dần với định mức 20%/tháng khi bà con đã có sản phẩm giao bán. Bên cạnh đó, DOVECO cũng cam kết và ký hợp đồng bao tiêu các loại rau quả, nông sản có sẵn như: bơ, xoài, mãng cầu, chanh dây...
Với phương châm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, nhất là lợi ích của người nông dân, đến nay, DOVECO đã phát triển vùng nguyên liệu dứa tại các địa phương như: Phú Thiện, Kông Chro, Ia Pa với diện tích 2.000 ha; phát triển vùng chuối nguyên liệu tại thị xã An Khê, huyện Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Mang Yang và tỉnh Đak Lak, Kon Tum với diện tích 1.000 ha; phát triển vùng nguyên liệu chanh dây tại các địa phương của tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum với diện tích 2.000 ha. Theo kế hoạch đến năm 2020, vùng nguyên liệu của Công ty sẽ đạt từ 22.000 ha đến 25.000 ha. Việc hợp tác, liên kết giữa DOVECO với nông dân sản xuất nguyên liệu bước đầu đã có kết quả tốt đẹp, hứa hẹn sự kết nối bền vững, chặt chẽ và hiệu quả giữa các bên, tạo tiền đề cho việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao ở tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung. Ngoài việc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, DOVECO cũng góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.500 lao động địa phương (5.000 lao động khối nông nghiệp, 500 lao động khối công nghiệp) với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.
 ĐINH GIA NGHĨA
Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc DOVECO Gia Lai

Có thể bạn quan tâm

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Với 29 ha, được sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã giúp gia đình chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) (ở giữa), thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.