Đột phá mới trong công nghệ tế bào tái tạo da chữa lành vết thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học đã thực hiện thành công biến đổi tế bào mô thành tế bào da, giúp chữa lành các vết thương nghiêm trọng. Kỹ thuật này được kỳ vọng sẽ mở ra một cuộc cách mạng trong điều trị cho các nạn nhân bỏng hoặc các vết thương nghiêm trọng khác.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Pinterest)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Pinterest)


Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature số ra ngày 6/9. Các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ được gọi là "lập trình lại tế bào," theo đó đưa các gene vào tế bào để biến đổi từ loại tế bào này sang một loại tế bào khác.

Tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia phẫu thuật đồng thời là giáo sư giảng dạy tại trường Đại học Tokyo Masakazu Kurita cho biết ông đã bắt đầu nghiên cứu về kỹ thuật này từ 10 năm trước với hàng loạt thí nghiệm và nhiều lần thất bại.

Giai đoạn đầu là xác định các gene có trong tế bào da nhưng không có trong tế bào thuộc mô, sau đó tách riêng các gene này và đưa vào các tế bào mô để biến đổi những tế bào này thành tế bào da.

Khi thực hiện nghiên cứu, nhà khoa học đã tách 80 gene có trong tế bào da sau đó thử nghiệm kết hợp các gien. Lần đầu tiên nghiên cứu của ông đạt được kết quả đột phá là vào năm 2014 khi biến đổi thành công các tế bào mô thành các tế bào da qua thí nghiêm kết hợp 28 gene.

Năm 2015, giáo sư Kurrita đã mang công trình của mình sang viện nghiên cứu sinh học Salk ở California để phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trên toàn thế giới.

Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khoảng 2.000 thí nghiệm với các nhóm gene kết hợp khác nhau để tìm ra cách biến đổi tế bào hiệu quả nhất.

Cuối cùng họ tìm ra một công thức kết hợp 4 loại gene và thử nghiệm điều trị vết thương trên chuột. Nhóm nghiên cứu đã khoanh vùng các vết thương tách biệt với vùng da xung quanh để tập trung những điều kiện khắc nghiệt nhất ở trung tâm vết bỏng hoặc vết thương nghiêm trọng, theo đó vùng da xung vết thương không tác động làm lành vết thương.

Sau đó họ áp dụng kỹ thuật biến đổi tế bào kể trên kết hợp với những loại thuốc trị liệu hiện có. Kết quả là, trong khoảng 2 tuần, một vết thương có đường kính khoảng 1cm đã được chữa lành.

Giáo sư Kurita khẳng định phương pháp này hoàn toàn có thể trở thành một cách trị liệu mới đối với các vết thương khác nhau, trong đó một ứng dụng rõ rệt nhất là với những vết bỏng lớn trên cơ thể.

Thông thường, các vết bỏng thường được điều trị bằng phương pháp cấy ghép da nhưng nếu vết bỏng quá lớn và không có da để cấy ghép thì phương pháp mới này sẽ thật sự là lựa chọn tối ưu.

Tuy nhiên, Giáo sư Kurita cũng thận trọng lưu ý sẽ phải mất khoảng thời gian nghiên cứu khá lâu nữa, có thể là 10 năm, để hoàn thiện kỹ thuật này đưa ra chữa trị cho con người.

Ông muốn tìm ra một phương thức đặc thù hơn để vận chuyển nhóm 4 gene kết hợp vào tế bào mô để biến đổi thành tế bào da.

Hiện trong thí nghiệm, các nhà khoa học sử dụng một loại virus từng được dùng trong các thí nghiệm biến đổi tế bào khác để thực hiện việc vận chuyển này. Ngoài ra, ông cũng mong muốn tìm ra một toa thuốc hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn để đạt được kết quả tốt hơn nữa, nhằm rút ngắn thời gian trị liệu.

Cuối cùng, điều mà Giáo sư Kurita lo lắng là nguy cơ đột biến trong quy trình biến đổi tế bào, trong đó không loại trừ nguy cơ tạo tế bào ung thư. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những con chuột thí nghiệm được áp dụng công nghệ này trong suốt 8 tháng sau đó nhưng chưa thấy dấu hiệu đột biến hay bất thường nào.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng khoảng thời gian này chưa đủ lâu để khẳng định và cần phải làm việc cẩn trọng nhất có thể để loại bỏ những tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng công nghệ này.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm