(GLO)- Về các huyện phía Đông Trường Sơn mùa này, đi đâu cũng có thể bắt gặp nụ cười rạng rỡ của những nông dân-những chủ vườn bắp lai bạt ngàn và trĩu quả. Đây là thành công trong việc mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng của chính quyền và nông dân nơi đây.
Ngút ngàn bắp lai
Không có cái “duyên” trồng được các loại cây “danh giá” như cà phê, hồ tiêu, cao su như ở các địa phương thuộc Tây Trường Sơn, nhưng Kông Chro lại được thiên nhiên ưu đãi cho một loại khí hậu và thổ những hết sức thích hợp với cây bắp lai, vì vậy, đây là huyện đang dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích loại cây này.
Vườn bắp của ông Nguyễn Biên Thùy (áo phông sọc) đủ nuôi 3 con học đại học. Ảnh: T.Đ.L |
Chính thức có mặt ở vùng đất này khoảng năm 2000, có những năm, cây bắp lai đã lên đến 20.000 ha trong vụ mùa của huyện này. Cũng như các loại cây trồng khác, cây bắp lai cũng không tránh khỏi sự “truân chuyên” khi có những thời điểm, cây mía và cây mì chiếm ưu thế. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, bắp lai đã lấy lại được vị thế bởi bên cạnh việc phù hợp với điều kiện thiên nhiên, loại cây này còn rất gần gũi với nông dân do khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch đơn giản, đặc biệt là đầu ra luôn được ổn định với giá bán cao.
Báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho thấy: Tính đến giữa tháng 8-2012, toàn huyện đã gieo trồng được khoảng 27 ngàn ha cây trồng vụ mùa, riêng cây bắp đã chiếm đến gần nửa diện tích này, với hơn 10 ngàn ha.
Ông Nguyễn Tấn Tùng-Giám đốc Vùng 6 (Công ty TNHH Hạt giống CP.Việt Nam), cho biết: Năm 1995, khi CP. đưa giống bắp CP.888 vào Gia Lai, diện tích bắp lai toàn tỉnh này lúc bấy giờ chưa đến 1.000 ha. Với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và ngành chuyên môn, thêm vào đó là nông dân thấy được hiệu quả thực sự của việc sản xuất bắp lai nên đến năm 2010, diện tích bắp lai toàn tỉnh lên đến trên 50 ngàn ha.
Nông dân-đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số không thể bỏ giống bắp địa phương bởi đây là giống bắp nếp, luộc lên ăn dẻo và thơm, có nhiều chất dinh dưỡng. Hơn thế, nhu cầu ủ rượu bằng nguyên liệu bắp (chỉ là bắp địa phương) cũng rất cao trong các bản buôn đồng bào. Tuy nhiên cũng chỉ cần trên 600 ha là đủ cho nhu cầu này của cả huyện.
Còn lại, đồng bào vẫn hướng về cây bắp lai và trên thực tế, diện tích loại cây này được tăng lên hàng năm. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-ông Võ Văn Hưng, cho biết: Có thời điểm, cây mía đã “lấn” diện tích bắp lai trong cơ cấu cây trồng của huyện. Tuy nhiên do nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi từ sản phẩm bắp lai rất lớn, trong khi loại cây này không kén đất, dễ trồng, đặc biệt là đầu ra và giá cả ổn định nên bắp lai đã nhanh chóng chiếm lại ưu thế. “Cho đến thời điểm này, bắp lai là loại cây trồng số một của huyện Kông Chro”- ông Hưng nói.
Những năm gần đây, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã triển khai nhiều chương trình khảo nghiệm, trình diễn một số giống bắp lai trên địa bàn. Đến thời điểm này-cũng theo ông Hưng thì một số giống bắp lai như CP.888, CP.333… đã chiếm ưu thế tuyệt đối, rất được nông dân ưa chuộng.
Cây làm giàu cho… người nghèo
Trong cái bạt ngàn của bắp lai ấy, không khó nhận ra những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt nông dân nơi đây. Họ vui vì đã đầu tư đúng hướng, vui vì một vụ bắp được mùa, được giá. Nông dân Nguyễn Văn Lệ (thôn 9, xã Yang Trung), cho biết: Trước kia, gia đình ông trồng mì và bí trên diện tích 1,5 sào đất. Tuy nhiên qua nhiều năm không đạt hiệu quả, năm 2010, được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và PTNT và sự hỗ trợ một phần giống, kỹ thuật của Công ty TNHH Hạt giống CP. Việt Nam, gia đình ông đã trồng thử giống bắp CP.333 và đến nay, ông đã chuyển toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình sang trồng loại cây này.
Cả nước hiện có khoảng 1 triệu ha bắp lai, cho sản lượng 5 triệu tấn bắp thương phẩm/năm. Trong khi nhu cầu thực tế để chế biến thức ăn chăn nuôi lại cần khoảng trên 6 tấn bắp thương phẩm/năm. Có nghĩa là mỗi năm, nước ta còn thiếu khoảng 1 triệu tấn bắp thương phẩm để chế biến thức ăn chăn nuôi. |
Gia đình ông Nguyễn Biên Thùy, bà Đàm Thị Lý từ Hải Dương chuyển vào Đak Lak từ năm 1986. Làm ăn khó khăn nên năm 2003, ông bà lại dắt díu con cái chuyển về thôn Cà Ná (xã Chơ Long, huyện Kông Chro). Khai khẩn được 4 ha đất nông nghiệp, ông bà chuyển đổi từ bí sang ớt, rồi đến nhiều loại cây trồng khác, tuy nhiên vẫn không đủ ăn vì liên tục bị mất mùa. Qua khảo nghiệm, 3 năm nay, gia đình ông đã chuyển sang trồng một số giống bắp lai như CP.555, CP.333…
Ông cho biết: Giống CP.555 là loại giống chịu dày, trồng 20 kg giống/ha, thu được 90 ngàn trái/ha-thu nhập cao hơn trên cùng diện tích. Còn giống CP.333 chỉ trồng được 16 kg giống/ha, thu hoạch 65 ngàn trái/ha nhưng lại là giống cùi nhỏ, hạt to, chịu hạn tốt, phù hợp với đồng đất Kông Chro. Năm 2011, ông trồng 3,2 ha bắp lai CP.333, hiện đang cho thu hoạch với năng suất 14 tấn hạt tươi/ha. Với giá thu mua hiện tại là 4.200 đồng/kg hạt tươi, gia đình ông thu được gần 200 triệu đồng từ diện tích trên. Trừ giống, phân bón (khoảng 15 triệu đồng/ha) và công lao động gia đình, mỗi ha bắp lai gia đình ông lãi được khoảng 40 triệu đồng/vụ. Một năm làm 2 vụ, lãi ròng 80 triệu đồng/ha!
Khi được hỏi với hiệu quả cao như vậy, sao ông không trồng bắp lai hết diện tích đất gia đình có, ông cười: “Như vậy là đủ rồi. Diện tích còn lại để dành trồng rau ăn, trồng ít đậu, bắp nếp để con cái đi học xa về, có cái ăn và làm quà cho bạn bè mỗi khi trở lại trường học”. Hóa ra, ông Thùy, bà Lý có 3 người con đang học đại học. Quả thật, cây bắp lai đã thực sự trở thành loại cây làm giàu cho người nghèo, làm giàu cho những vùng đất vốn hết sức khó khăn như Kông Chro.
Trần Đăng Lâm