Dòng sông lớn Sêrêpôk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sêrêpôk-dòng sông lớn trên địa bàn tỉnh Đak Lak được hợp thành bởi 2 phụ lưu Krông Ana và Krông Knô đưa nước từ thượng nguồn dãy núi Chư Yang Sin có đỉnh cao 2.442 mét.

Krông Knô xuôi dòng dọc theo phía Đông và Krông Ana dọc theo phía Tây chân núi lớn cùng mang tên Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, đến địa phận xã Quỳnh Ngọc (huyện Krông Ana) hợp lưu thành sông lớn Sêrêpôk; từ đó tiếp tục ngược dòng về phía Tây, chảy qua các huyện Cư Jút, Buôn Đôn trước khi chảy qua bên kia địa phận tỉnh Mondunkiri và Stung Treng của nước bạn Campuchia, trở thành phụ lưu đầy đặn hòa vào dòng sông lớn Mê Kông. Dòng Sêrêpôk dài 406 km trên địa bàn Việt Nam và Campuchia, quanh năm tưới tắm ruộng đồng, vườn cây, thêm nguồn sống tốt tươi lành lặn, góp phần làm nên ý nghĩa đẹp đẽ lâu dài trong quan hệ 2 nước anh em...

Nghĩ về dòng sông lớn Sêrêpôk trên địa bàn rừng rộng núi cao tỉnh Đak Lak, không thể nào quên 2 phụ lưu Krông Knô và Krông Ana từng tháng ngày qua cùng đẩy đưa nguồn nước cho cuộc sống phát triển ở một tỉnh miền núi cao nguyên. Hiện nay có đến hơn 45.000 ha lúa nước chủ động đón nguồn nước vào ruộng đồng, cho cả 2 vụ Hè Thu và Đông Xuân đều nhờ hệ thống thủy lợi từ những dòng sông. Có sông và có hồ, hồ tự nhiên và hồ nhân tạo, lại làm nên kỳ công phát triển cây cà phê Đak Lak với hơn 170.000 ha từ vườn nhà đồng bào các dân tộc anh em cho đến các trang trại tư nhân cùng nông trường quốc doanh đó đây trong tỉnh...

 

Cưỡi voi trên sông Sêrêpôk. Ảnh: K.N.B
Cưỡi voi trên sông Sêrêpôk. Ảnh: K.N.B

Hơn 20 năm trước, tôi đã có dịp đi thuyền trên sông Krông Ana, từ bến bờ thị trấn Buôn Trấp đến Eo Đờn vũng nước rộng đẹp thơ mộng sắc màu, rồi tiếp tục ngược dòng Krông Ana mùa nắng nước trong xanh, đến địa bàn huyện Lak một đoạn sông dài, rẽ qua phải, thuyền đi vào mênh mông hồ Lak rộng gần 600 ha nằm êm đềm giữa bốn bề núi liền núi vây quanh kề cạnh thị trấn Liên Sơn của huyện Lak cùng mang tên hồ. Đầu năm này, thêm một lần tôi có dịp ngồi thuyền máy đi trên dòng Sêrêpôk, đoạn sông dài hơn 40 km từ bến nước Bản Đôn-quê hương của những dũng sĩ người M’Nông-Lào chuyên săn bắt thuần dưỡng voi rừng..., đến tận cửa khẩu biên giới Việt Nam-Campuchia, gần Đồn Biên phòng Sêrêpôk tọa lạc bên sông. Dòng sông nào cũng đẹp giữa đôi bờ rừng cây xanh, đáng nhớ là vườn rẫy cà phê đang vào mùa nở đầy màu hoa trắng...

Chiếc thuyền nhỏ rẽ nước giữa đôi bờ cây xanh, qua khỏi xã Krông Na thuộc huyện Buôn Đôn nổi tiếng du lịch với thác Bảy Nhánh tráng lệ kỳ vĩ trên dòng Sêrêpôk, với thú vui mới lạ ngồi trên lưng voi rong chơi quanh vườn cây bến nước buôn làng lội qua sông cạn, với chiếc cầu treo lắc lư đong đưa qua từng bước chân người từ bến sông đến bờ đảo xanh xanh bóng cây rừng nguyên sinh, và khách tham quan còn thỏa lòng nhìn ngắm ngôi nhà sàn Lào mái gỗ hơn trăm năm của vua voi Khun Ju Nốp bên dòng nước trong rợp bóng cây dầu đồng cổ thụ vươn cao cành nhánh tươi xanh...

Không lâu, chiếc thuyền lượn vòng qua hướng Tây, bắt đầu xuôi theo dòng nước đưa tôi vào vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn đầy cây già bóng cả với các loại cây họ dầu rừng khộp, đó đây chen lẫn giáng hương, căm xe, cà te và cẩm lai; đó đây còn có những trảng cỏ cho các loài chim công, chim trĩ bay nhảy và thanh thản bước chân loài voi rừng lui tới giữa vườn rừng quốc gia rộng nhất nước có diện tích 118.000 ha. Ngồi trên sông giữa đôi bờ rừng cây xanh màu lá mới, không lâu, thuyền ghé vào bến nước Ea Phôk thăm làng dân tộc bản địa M’Nông ven sông có cây rừng tầng thấp tầng cao bạt ngàn cành lá, có nương rẫy lúa bắp, có vườn cây ăn quả và có cả những lô cà phê thơm hương đang nở rộ màu hoa trắng sau mùa vui thu hoạch quả đỏ...

Ngồi trên sông lớn Sêrêpôk khi thuyền sắp qua hết địa phận Việt Nam, tôi nhớ đến dòng Krông Ana từ thượng nguồn Chư Yang Sin với thác nước nhiều tầng trắng xóa bên triền núi cao. Làm sao quên được, lần đầu tiên 20 năm trước, chiếc thuyền nào đã đưa tôi đi trên sông..., từ bến nước Buôn Trấp huyện Krông Ana, ngược dòng đến Eo Đờn giữa đôi bờ lồng lộng rừng cây xanh chen lẫn từng ngôi nhà dân với vườn cây cà phê, ruộng đồng lúa nước, nương rẫy chuối, bắp sum suê cành lá; tất cả xanh màu xanh sự sống sinh động tốt tươi... Huyện Krông Ana lấy tên sông Krông Ana, là vựa lúa lớn đầu tiên của tỉnh Đak Lak, bên cạnh đó là vườn cây nông trường cà phê đạt năng suất cao, cũng từ nguồn nước sông hào phóng ban cho... Từ mặt nước Eo Đờn rộng phẳng lặng trong xanh lấn sâu vào bờ, một thời xưa xa nổi tiếng có nhiều cá sấu sinh sống nơi này, chiếc thuyền đưa tôi đi tiếp ngược dòng đến địa bàn huyện Lak, qua khỏi vòm cầu Giang Sơn, dòng sông lượn dài vòng cung về hướng đầu nguồn của huyện Krông Bông, có thác Krông Kma rộng dài tỏa nước trắng xóa qua nhiều tầng đá bên triền núi lớn Chư Yang Sin, có căn cứ lớn của tỉnh Đak Lak qua 2 thời kỳ kháng chiến đã qua...

Dòng sông lớn Sêrêpôk trên cao nguyên Đak Lak đầy sức sống hôm nay còn đem lại niềm vui thanh thản cho những ai yêu thiên nhiên sông nước thác ghềnh. Có đến 4 dòng thác lớn: Drây Sáp Thượng, Drây Sáp Hạ, Drây Nur và Trinh Nữ được hình thành, đẹp mơ màng kỳ vĩ nối tiếp nhau không xa trên sông Sêrêpôk khi chảy qua rừng sâu núi đá gập ghềnh. Những thác nước này, mấy mươi năm qua là điểm tham quan du lịch nổi tiếng, luôn được khách yêu thiên nhiên kỳ thú từ các nơi trong và ngoài nước tìm đến. Dòng sông lớn Sêrêpôk với nguồn nước đầy đặn thường xuyên, quanh năm còn đem lại nguồn điện hữu dụng lâu dài cho nhu cầu lao động vui sống của con người... từ những nhà máy thủy điện hoạt động bên sông, đêm ngày góp phần cung cấp dòng điện đến nơi nơi, từ đô thị rộn ràng đến vùng nông thôn gần xa yên lành...

Nguyễn Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.