Đối thoại để nâng cao nhận thức về bảo hiểm xã hội cho người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên (thôn Mỹ Yang, xã Đak Yă, huyện Mang Yang), Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai vừa tổ chức chương trình truyền thông, đối thoại và tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) cho đoàn viên, người lao động.

Chương trình có sự phối hợp của BHXH tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng sự tham gia của gần 100 đoàn viên, người lao động của Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên. Ông Nguyễn Văn Vinh-Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: “Đây là một trong những hoạt động quan trọng được chúng tôi triển khai nhân Tháng Công nhân nhằm góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp”.

Các đoàn viên, người lao động của Công ty cổ phần Chăn nuôi Bò thịt-Bò sữa Cao Nguyên đọc các thông tin về BHXH, BHYT thông qua các tờ rơi. Ảnh: Hà Duy

Các đoàn viên, người lao động của Công ty cổ phần Chăn nuôi Bò thịt-Bò sữa Cao Nguyên đọc các thông tin về BHXH, BHYT thông qua các tờ rơi. Ảnh: Hà Duy

Tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đã được giải đáp rõ ràng, thỏa đáng. Anh Nguyễn Thanh Bình (công nhân thuộc bộ phận chế biến) hỏi: “Khi người lao động làm việc tại một doanh nghiệp, có đóng BHXH bắt buộc, tuy nhiên mức đóng thấp. Vậy người lao động muốn tham gia BHXH tự nguyện đóng thêm để sau này về hưu có mức lương hưu ổn định thì có được không? Nếu được thì quy định như thế nào?”. Đối với câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Tân-Trưởng phòng Chế độ (BHXH tỉnh) cho biết: “Nếu người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc thì không được tham gia BHXH tự nguyện, vì cùng thời gian, cùng đơn vị công tác, mỗi người chỉ được tham gia 1 sổ BHXH”.

Còn chị Nguyễn Thị Hoàng (bộ phận kế toán của Công ty) đặt câu hỏi: “Trên thẻ BHYT, tôi thấy có ghi nội dung “Người tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục”. Vậy, đủ 5 năm liên tục được hưởng quyền lợi gì, cách tính thời điểm đóng BHYT đủ 5 năm liên tục như thế nào?”. Với nội dung này, ông Nguyễn Công Danh-Trưởng phòng Quản lý thu-sổ, thẻ (BHXH tỉnh) thông tin: “Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014 thì người tham gia BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi đã đóng BHYT đủ 5 năm liên tục và có “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”. Và, để được cấp giấy chứng nhận này cần phải đủ 2 điều kiện là đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám-chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Còn cách tính thời điểm đóng BHYT 5 năm liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng. Để đảm bảo lợi ích của mình khi đã tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, hồ sơ phải đầy đủ thẻ BHYT; giấy tờ tùy thân có ảnh (bản sao); hóa đơn, chứng từ thanh toán viện phí”.

Một câu hỏi nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động có mặt tại buổi đối thoại là: “Người lao động cần đóng BHXH bao nhiêu năm để có thể hưởng lương hưu tối đa 75%?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Tân thông tin: “Đối với lao động nam, người nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi, tỷ lệ lương hưu hàng tháng được xác định bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2%, tối đa bằng 75%. Như vậy, lao động nam cần đóng 35 năm BHXH mới được hưởng lương hưu tối đa. Đối với lao động nữ, người nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 2%, tối đa là 75%. Như vậy, lao động nữ sẽ cần đóng 30 năm BHXH để được hưởng lương hưu tối đa”.

Những câu hỏi của đoàn viên, người lao động được cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời cụ thể, rõ ràng ngay tại buổi đối thoại. Ảnh H.D

Những câu hỏi của đoàn viên, người lao động được cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời cụ thể, rõ ràng ngay tại buổi đối thoại. Ảnh H.D

Còn khá nhiều câu hỏi thú vị được đưa ra tại buổi đối thoại và cũng nhận được trả lời thỏa đáng như: Có quy định mức hưởng BHYT đúng tuyến và không đúng tuyến không? Có thể làm thủ tục chuyển đổi để nối tiếp từ BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc được không? Nếu có 2 sổ BHXH khác nhau, một sổ có 10 tháng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2017 và một sổ có 6 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2022 thì có được gộp 2 sổ BHXH để hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Người lao động muốn nghỉ hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu thuộc những trường hợp nào? Chị Lê Thị Hiền-Công nhân Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên-bày tỏ: “Tôi thấy buổi truyền thông, đối thoại và tư vấn rất có ích. Tôi mong sẽ có thêm những buổi truyền thông, tư vấn về các lĩnh vực khác nhau liên quan đến quyền lợi của người lao động được tổ chức để mọi người có thêm hiểu biết cũng như an tâm làm việc”.

Được biết, đây là lần đầu tiên Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức truyền thông, tư vấn về chính sách BHXH cho người lao động nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong đoàn viên, người lao động; tạo sự đồng thuận của người lao động đối với quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp để chính sách BHXH, BHYT mở rộng độ bao phủ và bền vững hơn nữa, bảo vệ tốt nhất cuộc sống người dân.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.