Đời mục đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày mưa gió bời bời này, hàng chục mục đồng nơi đèo Chư Sê (xã Hbông, huyện Chư Sê) vẫn ngày ngày rong ruổi cùng đàn bò trên đồng cỏ, đơn giản chỉ để viết tiếp giấc mơ về cuộc sống đủ đầy hơn. Sẽ là động lực lớn nếu những mục đồng biết rằng, trong số những chủ trại bò nơi đây có nhiều người cũng đi lên từ phận chăn bò thuê. Nhờ chăm chỉ tích góp, nhiều người đã trở thành chủ trại bò với giá trị hàng tỷ đồng.
Mục đồng chăn thuê
Từ trên đỉnh đèo Chư Sê (làng Ring, xã Hbông) ngược về hướng thị trấn, dọc 2 bên quốc lộ 25 có hàng chục trại nuôi bò. Qua lại đây vào lúc xế chiều, các phương tiện giao thông buộc phải nhường đường cho những đàn bò bụng căng tròn, óc ách cỏ đủng đỉnh về chuồng. Thấp thoáng trong hàng ngàn con bò “diễu hành” trên đường là những đứa trẻ đen nhẻm, roi cầm trên tay. Ngày lại ngày, có đến hàng chục mục đồng ở các làng Kte, Đek, Ring rong ruổi cùng đàn bò chăn thuê cho các chủ trại ở đây.
Từ quốc lộ 25 (trung tâm làng Ring), theo lời chỉ dẫn, chúng tôi men theo con đường đất nhão nhoẹt, dày đặc dấu chân bò về hướng lòng hồ Ayun, nơi còn những đồng cỏ và nhiều rẫy hoa màu của người dân sau vụ thu hoạch. Từng đàn bò đang nhẩn nha tìm thức ăn và nhóm trẻ chăn bò hóng mát dưới tán cây cạnh bờ hồ. Thấy người lạ, những đôi mắt to tròn ngạc nhiên, có phần cảnh giác. Một cậu bé mình gầy, da đen nhẻm, tỏ ra lanh lợi nhất nhóm là Ksor Tinh (16 tuổi, làng Đek, xã Hbông) có “thâm niên” chăn bò nhất trong nhóm. Tinh nhanh nhảu kể: “Học hết lớp 6, em không còn yêu chữ nữa nên đi chăn bò thuê phụ giúp gia đình”. Cậu bé người Jrai đang chăn dắt thuê đàn bò khoảng 60 con, được chủ bao cơm ăn ngày 2 bữa, trả công 2,4 triệu đồng/tháng. Mỗi sáng, tầm 9 giờ, Tinh đến nhà chủ ăn bữa sáng rồi lùa đàn bò đi ăn cách đó khoảng 6 km, cho đến tầm hơn 3 giờ chiều thì cho bò rời bãi chăn về lại chuồng.
 Mỗi sáng mục đồng phải lùa đàn bò đến điểm chăn thả cách xa khoảng 6-10 km, chiều lại lùa về. Ảnh: M.N
Mỗi sáng mục đồng phải lùa đàn bò đến điểm chăn thả cách xa khoảng 6-10 km, chiều lại lùa về. Ảnh: M.N
Đang trò chuyện, Tinh bỗng đưa nắm tay lên miệng kêu lên mấy tiếng ọ ẹ. Nghe tín hiệu, một chú bê con tít đằng xa bỗng ngẩng đầu nhìn lên, giật mình quay lại nhập đàn. Thì ra, vì mải miết lần theo những bụi cỏ non mơn mởn mà chú ta tách đàn khá xa. Tinh mở nắp chai nước, tu một hơi dài rồi nhỏ giọng cho biết: Đám trẻ mục đồng ở đây thích chăn bò mùa khô, tuy lùa đi ăn hơi xa nhưng nhàn, bởi thời điểm này những rẫy bắp, mì hay đậu của người dân đã thu hoạch, đàn bò thoải mái rong ruổi tìm thức ăn. Mùa mưa, người dân ở khu vực này bắt đầu trồng vụ mới nên diện tích chăn thả bị thu hẹp, phải căng mắt canh chừng, chạy tới chạy lui liên tục vì bò thấy rẫy bắp non, lá mì xanh tơ thì cứ bổ nhào tới ăn. Chỉ cần lơ là đôi chút là sẽ bị chủ mắng, còn phải bỏ tiền ra đền bù hoa màu. Lúc này, việc kiểm soát đàn bò trở nên khó khăn, nhiều khi hét khàn giọng, chạy rã chân mà chúng đâu chịu nghe.
Thấy chúng tôi hỏi đến việc “chuyên môn”, Đinh Trung (15 tuổi, làng Ring) cũng chen lời: “Những lúc mưa dầm thì càng cực hơn, bọn em phải tìm chỗ chui rúc tránh mưa. Trú trong chòi rẫy khô ráo là may, còn không phải đi tìm hốc đá hoặc bụi cây to để nép mình. Vừa lạnh, vừa sợ bò mải ăn lạc bầy, mất bò không biết lấy gì đền cho chủ”. Cũng như đám bạn mục đồng, Đinh Trung và Đinh Than cùng chăn đàn bò 90 con cho một chủ trại cùng làng. Nhà có 4 anh em, Trung là con đầu, cả gia đình lâu nay chỉ sống dựa vào mấy sào rẫy mì nên Trung nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. Mỗi tháng, tiền công chăn bò em đều đưa cho cha mẹ, chỉ giữ lại phần nhỏ để chi tiêu. Tuy chỉ mới tham gia “đội quân” chăn bò gần nửa năm nay nhưng Trung đã trải qua bài học nhập môn đến thót tim. Trung kể, một chú bò trong đàn chỉ vì mải mê “tán tỉnh” cô bò xinh xắn ở đàn khác nên đã theo về “ở rể”. Lúc kiểm đếm thấy thiếu một con, Trung hốt hoảng tưởng bò bị lạc mất, không biết lấy tiền đâu mà đền cho chủ. Rất may ngày hôm sau khi nhập đàn đi ăn, “chàng bò” si tình mới bị phát hiện.
Đàn bò no cỏ trên đường về chuồng sau một ngày rong ruổi cùng đám trẻ mục đồng nơi thảo nguyên xa. Ảnh: Minh Nguyễn
Đàn bò no cỏ trên đường về chuồng sau một ngày rong ruổi cùng đám trẻ mục đồng nơi thảo nguyên xa. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo ông Đỗ Thế Hùng (55 tuổi, làng Ring, chủ đàn bò mà Trung và Than chăn thuê), trước đây, các chủ trại thường chọn những người lớn, có nhiều kinh nghiệm để chăm bẵm đàn bò tốt hơn. Nhưng ngày càng có nhiều người nuôi bò khiến nhân lực khan hiếm nên những đứa trẻ từ 13 đến 15 tuổi được chọn thuê. Ngoài tiền công, ăn uống, ông còn trang bị áo mưa, ủng, quần áo cho trẻ chăn bò. Điều ông Hùng lo ngại là “đội quân” này thường không ổn định về quân số, chăn vài ngày thì nghỉ đến mấy ngày. Chủ trại cũng thường phải đứng ra gánh phần đền bù cho chủ rẫy khi bị bò giẫm phá. “Tôi thường dọa bắt đền nếu để mất bò hoặc bò ăn hoa màu của người khác, nhưng chỉ nói thế chứ mình biết bọn trẻ chăn thuê thì lấy đâu ra tiền”-ông Hùng kể.
Đổi thay phận người
Hiểu và cảm thông với đám trẻ chăn bò, bởi cách đây 18 năm ông Hùng cũng từng dắt díu vợ con từ huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) lên vùng đất này với hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn. Không có nhiều đất canh tác, vợ chồng ông nhận nuôi 40 con bò thuê cho người khác, đổi lại mỗi tháng có một khoản “lương cứng” là tiền công chăn dắt, bên cạnh đó là phần “lương mềm” thu về từ tiền bán phân bò cho các chủ rẫy trồng hồ tiêu, cà phê. Từ số tiền tích góp, ông Hùng lần lượt mua bò dần gầy thành đàn, từ 5 đến 10 con, 30 rồi đến 70, có thời điểm đàn bò của gia đình lên đến 120 con, ông phải bán bớt đi vì chăm không xuể. Đến thời điểm này, đàn bò còn trên 90 con, được ông thuê 2 đứa trẻ trong làng chăn thả. Nhiều năm nay, ông thường xuyên ở nhà chăm sóc bò đẻ, thỉnh thoảng mới đi chăn khi có mục đồng bận việc, hoặc chưa thuê được người chăn. “Ngày xưa, đồng cỏ mênh mông, giờ nhiều người làm rẫy, nhiều người nuôi khiến chỗ chăn thả trở nên chật chội. Khu vực xung quanh có hơn 20 trại nuôi bò với số lượng hàng ngàn con, mỗi trại thuê tối thiểu 2 người chăn, đôi khi tìm được người chăn ổn định cũng khó”-ông Hùng tâm sự.
Lùa bò về chuồng. Ảnh: Minh Nguyễn
Lùa bò về chuồng. Ảnh: Minh Nguyễn
Bóng chiều nhạt nắng hắt xuống mặt hồ, soi bóng đàn bò gặm cỏ giữa thảo nguyên bao la làm cho không gian trở nên thật thơ mộng, yên bình. Những đứa trẻ sống đời mục đồng tuy phải sớm lao vào cuộc mưu sinh với nhiều vất vả nhưng cũng có nguồn thu nhập tương đối để nuôi sống mình và phụ giúp gia đình. Và nếu biết tích góp, nuôi dưỡng ước mơ thì biết đâu mai này trong số những mục đồng ấy có người sẽ trở thành ông chủ của những trang trại bò, thoát phận chăn thuê. Trong khi bao đứa trẻ khác nô nức bước vào năm học mới thì hình ảnh những mục đồng nơi đèo Chư Sê rong ruổi cùng đàn bò cũng làm xốn xang tâm trạng, dẫu biết rằng “ấm no” có cái giá của nó.

Không thâm niên như ông Hùng, cách đây 5 năm, khi đứa con trai út nghỉ học lúc vừa hết lớp 9, cả gia đình ông Võ Văn Binh (57 tuổi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cũng dắt díu nhau lên xã Hbông chăn bò thuê. Có thời điểm đàn bò lên đến 200 con, vợ chồng ông và 3 đứa con trai phải chia đàn ra chăn thả. Giờ 2 đứa con trai đầu nghỉ đi làm công nhân, vợ chồng ông và đứa con trai út đang chăn 70 con bò cho một chủ trại ở TP. Pleiku. Nơi ăn chốn ở thì đã có chủ lo, giá chăn mỗi năm là 500 ngàn đồng/con, mỗi ngày thu gần nửa khối phân bò. Với giá 450 ngàn đồng/khối, số tiền bán phân bò đôi khi nhiều hơn tiền công chăn. Tuy thu nhập ổn định nhưng chi phí cho mấy đứa con trai tuổi đang lớn, rồi đền bù thiệt hại hoa màu bị bò giẫm phá... cũng làm tiêu tốn phần lớn số tiền có được. Chính vì vậy, đến nay vợ chồng ông chỉ “dành dụm” được 7 con bò gửi người em vợ chăm giúp.
Theo ông Binh, em vợ ông là anh Trịnh Thanh Phương, ở đối diện trại nhà ông, cũng lên đây chăn bò thuê từ lúc 14 tuổi. Sau nhiều năm chăm chỉ làm việc, bước sang tuổi 33, anh Phương đã gầy được đàn bò gần 60 con. “Nếu không bán đi 20 con để lấy tiền mua hơn 1 ha đất trồng hồ tiêu thì đến nay chắc đàn bò của Phương đã lên gần 100 con. Cha vợ tôi cũng lên đây chăn thuê từ năm 2002, nay đã có cơ ngơi ổn định, đàn bò lên đến gần 80 con”-ông Binh chia sẻ.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…