Độc và lạ ở Khe Nước Trong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 20.000ha rừng ở vùng Tây Nam tỉnh Quảng Bình thuộc 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh được ví như “vườn thượng uyển” độc nhất vô nhị với kiểu rừng có độ cao từ 700m trở xuống. Nơi đây, ngoài người bản địa Vân Kiều, các nhà khoa học thì người ngoài ít biết đến.
 
Voọc chà vá chân nâu tại Khe Nước Trong thuộc bộ ảnh của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt
Hơn cả một khu bảo tồn
Khu rừng ấy có tên là Động Châu - Khe Nước Trong. Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, giới thiệu với tôi trong một lần đến nơi đây: “Bạn hãy hiểu thế này, trên thế giới, những kiểu rừng mưa nhiệt đới dưới 700m thường bị con người phá vỡ vì dễ tiếp cận. Nhưng ở Khe Nước Trong, rừng nguyên sinh còn dày đặc, đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn bên trong chưa thể khám phá hết. Đó là bí mật đáng mơ ước của không ít nhà bảo tồn trên thế giới muốn tìm đến nghiên cứu”.
Một ngày đầu hè, trên những cành cây thân gỗ to lớn, tiếng chim hót vang, tiếng vượn hú gọi bầy, từng đàn khỉ chuyền cành trước mặt chúng tôi thật tự nhiên. Ngôi nhà của các loài động vật đẹp lộng lẫy, nhiều người ví đấy là “vườn thượng uyển”. Khi các khu rừng bị vơi đi bởi sự khai thác cạn kiệt thì Khe Nước Trong lộ ra là một vùng rừng mưa xanh tươi. Ông Phạm Hồng Thái nói: “Nơi đây hiện là rừng phòng hộ, nhưng nó đang được xem còn hơn một khu bảo tồn vì sự đa dạng các loài động thực vật quý hiếm trong nước và cả quốc tế. Nó thật sự làm cho các nhà bảo tồn đến nghiên cứu rất kinh ngạc vì bắt gặp những loài đặc hữu hẹp trên toàn cầu có mặt nơi đây. Nhiều loài thế giới không có thì ở đây có, nhiều loài các khu bảo tồn khác không có thì nơi đây lại là nhà của chúng”. 
Người bản địa sinh sống trong khu vực Khe Nước Trong là đồng bào Vân Kiều. Họ kể, bò tót vẫn lởn vởn quanh bản. Những thế hệ trước đây chạm trán với hổ, voi, báo, mèo rừng, sói lửa rất nhiều. Thân gỗ quý hiếm như lim, táu, trầm hương… hiện diện khá dày đặc. Đặc biệt, bà con còn tiết lộ, nơi đây có một số loài sâm bản địa có tác dụng trị bệnh rất tốt mà các nhà khoa học đang nghiên cứu vi lượng của nó nhằm nhân giống, cải thiện cuộc sống của bà con. Chuyên gia bảo tồn Lê Trọng Trãi, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi có bẫy ảnh thu nhận hình ảnh mới nhất cá thể bò tót trưởng thành. Điều tra theo dấu chân có cá thể bò tót ở trong vùng, có con non dấu chân nhỏ hơn. Còn người dân quan sát thấy chúng về gần nguồn Khe Bang”.
Viên ngọc quý của Việt Nam
Bà Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt, thốt lên rằng: “Nói về đa dạng sinh học khu vực Khe Nước Trong, tôi nói cả ngày. Bởi vì khu này không chỉ còn một, hai loài mà theo khảo sát những năm gần đây của Thiên nhiên Việt và Bird Life (Tổ chức bảo tồn chim quốc tế), khu này cực kỳ quan trọng cho 3 nhóm loài: móng guốc, tiêu biểu là sao la; linh trưởng; khu hệ chim. Năm 2002, Bird Life ghi nhận có Sao La ở Khe Nước Trong, đáng tiếc là ghi nhận hộp sọ một con Sao La bị bẫy trước đấy 2 tuần. Tức là khi bọn tôi đến, sọ ấy còn máu đỏ. Loài tiêu biểu thứ 2 là loài mang lớn, tình trạng bảo tồn của nó rất nguy cấp theo sách đỏ của IUCN, tương đương với Sao La. Mang lớn đã ghi nhận gần 10 cảnh ảnh với nhiều cá thể, đây là quần thể bền vững, có thể phát triển được. Ngoài ra, còn mang Trường Sơn mới được phát hiện trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Khe Nước Trong có đến 9 loài linh trưởng với 8 loài trong sách đỏ thế giới, trong đó có 3 loài ở mức bảo tồn nguy cấp gồm: vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, voọc gáy trắng. Chúng có quần thể đông đúc đáng ngạc nhiên với giới bảo tồn”.
Bà Tuấn Anh đánh giá: “Phải nói Khe Nước Trong là viên ngọc quý của Việt Nam. Thiên nhiên Việt và các tổ chức bảo tồn khác với các kết quả khảo sát đều khẳng định, Khe Nước Trong cực kỳ xứng đáng trở thành một khu bảo tồn. Trong khi tỉnh và các cơ quan chức năng vẫn còn những khó khăn nhất định, nguồn lực còn hạn chế, chưa thành lập Khe Nước Trong thành khu bảo tồn thì chúng tôi đã và đang huy động nguồn lực từ trong nước, ngoài nước để quản lý bảo vệ khu vực này như một khu bảo tồn. Nhưng việc này không thể thay thế được việc cần thành lập khu bảo tồn để bảo vệ về mặt pháp lý cao hơn cho viên ngọc quý này của Việt Nam. Khu này có hàng chục loài nằm trong sách đỏ thế giới như vậy nhưng vẫn chưa được là một khu bảo tồn thiên nhiên, mới chỉ là rừng phòng hộ đầu nguồn. Mà rừng phòng hộ thì vấn đề bảo tồn loài không có trong chức năng, nhiệm vụ. Cho nên đây là một vấn đề cấp bách để giữ lại di sản thiên nhiên có một không hai ở Việt Nam cho con cháu chúng ta”. 
Cần cấp bách bảo vệ
Khe Nước Trong đẹp trong mắt các nhà khoa học và những ai thích khám phá. Năm 2017, khi tôi đưa một đoàn cứu trợ người Hàn Quốc về phát quà cho đồng bào Vân Kiều trong khu vực này, họ nhìn rừng Khe Nước Trong với vô số thân gỗ cao vút, ánh xanh tươi mắt sau cơn bão càn và thật sự ngạc nhiên. Vị trưởng đoàn nói với tôi: “Dọc đường cây đổ ngã do bão, ở rừng này, cây cối bề thế không bị bão tấn công, các bạn đang sở hữu một di sản xanh mà hiếm nước nào có được. Khu rừng này nếu ở đất nước chúng tôi, nó sẽ là mỏ vàng cho du khách khắp thế giới đổ về ngắm cảnh hùng vĩ, cảnh hoàng hôn, xem suối, ngắm động vật nơi đây. Các bạn bảo vệ tốt, thế giới sẽ ngưỡng mộ. Thật hiếm gặp một nơi như thế”. 
Qua điều tra khu hệ thực vật tại Động Châu, nhóm chuyên gia thực vật của Viện Điều tra quy hoạch rừng đã thống kê được 987 loài, 539 chi thuộc 141 họ trong 5 ngành thực vật bậc cao. Trong số các loài được ghi nhận, có 54 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Sách đỏ thế giới (IUCN 2009). Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã thống kê được 241 loài động vật có xương sống thuộc 77 họ và 21 bộ trong khu vực nghiên cứu… Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên 
Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị chức năng ở tỉnh Quảng Bình thực hiện 30 đợt đặt bẫy ảnh ở khu rừng Động Châu - Khe Nước Trong trên phạm vi hơn 130km2. Với 33.500 ngày đêm hoạt động của máy bẫy ảnh, thu được trên 36.000 ảnh động vật, ghi nhận 71 loài động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có 32 loài thú, 37 loài chim và 2 loài bò sát. Các nhà khoa học lý giải, Động Châu - Khe Nước Trong là một trong số ít khu vực ở miền Trung nói chung hiện còn lưu giữ được một diện tích rừng ẩm thường xanh trên đất thấp, ít bị tác động. Chính Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xác định, đây là vùng đa dạng sinh học trọng điểm nối giữa Việt Nam và Lào.
Quý hiếm là vậy, nhưng hiện nay Khe Nước Trong đang bị nạn săn trộm tấn công khiến các loài động thực vật, hệ chim, linh trưởng bị áp lực rất lớn. Dọc đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây ở 2 xã Ngân Thủy, Kim Thủy, lâu lâu người ta bán thịt loài mang mắc bẫy, một loài quý hiếm, bị cấm săn bắt. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Địa phương rất quyết tâm bảo vệ rừng Khe Nước Trong, đây là nơi có nhiều động thực vật hoang dã quý hiếm. Chúng tôi đang xây dựng kỹ khung bảo vệ để thành lập khu bảo tồn vì Khe Nước Trong xứng đáng điều đó”.
Minh Phong (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.