Độc đáo men rượu ghè làng Dơ Ngol

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lo sợ các công đoạn làm men rượu truyền thống sẽ bị mai một, vài năm trở lại đây, chi hội Phụ nữ làng Dơ Ngol (xã Ia Bang, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã cùng nhau tìm kiếm nguyên liệu và tổ chức làm men rượu. Mới đây, chi hội còn quyết định đem sản phẩm men rượu truyền thống đến phiên chợ nông sản do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Prông tổ chức để quảng bá tới đông đảo người tiêu dùng.
 Vỏ cây h'dam là nguyên liệu không thể thiếu để làm men rượu. Ảnh: A.H
Vỏ cây h'dam là nguyên liệu không thể thiếu để làm men rượu. Ảnh: A.H
“Rượu ghè muốn thơm ngon và khi uống say không bị đau đầu thì nhất định phải ủ bằng loại men được làm bằng các nguyên liệu tự nhiên, trong đó không thể thiếu vỏ cây h'dam và rễ cây phóc”-bà Siu Uông-người có thâm niên trong việc làm men rượu tại làng khẳng định. Cũng theo bà Siu Uông, sở dĩ người dân trong làng ngày một sao nhãng công việc làm men vì 2 nguyên liệu chính là vỏ cây h'dam và rễ cây phóc ngày càng hiếm, số người biết về loại cây này không nhiều. Hơn nữa, men công nghiệp bán sẵn ngoài thị trường, người dân chỉ việc bỏ tiền là có thể mua được ngay mà không phải tốn nhiều công sức.
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, hội viên phụ nữ trong làng đã quyết định cùng nhau khôi phục lại từng công đoạn làm men, bắt đầu từ việc theo chân người già vào rừng tìm kiếm nguyên liệu. “Chúng tôi muốn giữ gìn loại men rượu đã được lưu truyền từ thời ông cha để ủ ra những ghè rượu thơm ngon, an toàn. Ngoại trừ vỏ cây h'dam, rễ cây phóc phải lấy từ rừng về, các nguyên liệu còn lại gồm: cây sương sâm lông, thân cây mía, quả ớt, củ riềng, gạo tẻ đều rất thông dụng”-bà Kpuih Jer-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Dơ Ngol-chia sẻ. Để rút ngắn thời gian làm men, một số hộ dân trong làng đã thử đưa cây h'dam, cây phóc về trồng, nhưng sau đó đành bỏ cuộc vì men được làm từ cây trồng trong vườn nhà khi ủ rượu lại cho ra vị chua không thể uống được. Từ đó, người dân trong làng càng thêm tin rằng, cây h'dam, cây phóc là cây của Yàng, chỉ mọc trong rừng mới cho ra loại men ủ rượu ngon ngọt. Bà Kpuih Jer cho biết, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, việc tiếp theo là lựa chọn thời gian, địa điểm để làm men. Muốn men ngon, ngọt rượu, tuyệt đối không được giã men dưới gốc cây me, cây xoài mà phải chọn những gốc cây không có quả hoặc cho quả ngọt... Dân trong làng cũng cho rằng nếu phụ nữ có thai mà tham gia giã men thì men sẽ bị chua. 
Trao đổi về quy trình làm men, chị Kpuih Xíu cho hay: “Vỏ cây h'dam khô được đập dập, đem ngâm trong nước chừng 3-4 giờ; các nguyên liệu còn lại cho hết vào cối giã nhuyễn. Sau đó chắt lấy nước vỏ cây h'dam trộn đều với các nguyên liệu đã giã nhuyễn và làm thành từng miếng men bằng lòng bàn tay. Các miếng men ướt sẽ lần lượt được đặt trên một lớp trấu và phủ kín bên trên bằng những lá riềng tươi trong thời gian 2 ngày, 1 đêm; men phải để khô tự nhiên chứ không được đem phơi nắng”. Theo Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Dơ Ngol, mỗi ghè rượu chỉ cần 2-3 miếng men là đủ và nếu là rượu nếp thì ủ khoảng 5-6 ngày là có thể uống được; còn rượu bắp, rượu mì thì ủ khoảng 2-3 tuần và càng ủ lâu, rượu càng thơm ngon.
Không chỉ làm men để sử dụng trong gia đình và biếu những người thân xung quanh, chị em phụ nữ làng Dơ Ngol còn sẵn sàng chia sẻ bí quyết về quy trình làm men cho hội viên phụ nữ các làng lân cận. Bà Kpuih Uôn (làng Dơ Mút, xã Ia Bang) nhận xét: “Nhờ có loại men tốt mà rượu của làng Dơ Ngol rất thơm ngon, uống nhiều một chút cũng không bị đau đầu, đau bụng. Mỗi khi chi hội Phụ nữ tổ chức làm men, mình đều xin qua làm cùng để học hỏi và bây giờ mình cũng đã có thể tự làm men để ủ rượu cho gia đình”.
Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.