Doanh nghiệp xuất khẩu khó tiếp cận vốn ưu đãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cho vay xuất khẩu có những chính sách ưu đãi, cả về vốn lẫn lãi suất. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh của mình…
Khó về điều kiện
Mặt bằng lãi suất cho vay xuất khẩu được các ngân hàng thương mại áp dụng hiện nay khá cao, nhưng so với lãi suất cho vay thông thường mức này thấp hơn từ 2-4%/năm. Song, để được hưởng chính sách ưu đãi, doanh nghiệp cần nhiều điều kiện từ phía các ngân hàng. Vay xuất khẩu được các ngân hàng chấp nhận khi có tài sản thế chấp hoặc chiết khấu bộ chứng từ, hoặc được bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển. Đối với những dự án khả thi phải có vốn đối ứng 15%. Những điều kiện này có những doanh nghiệp đáp ứng được, số không đáp ứng buộc phải vay bằng tài sản thế chấp với lãi suất cao hơn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ông Thái Như Hiệp -Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: Mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao đối với các doanh nghiệp đi vay; việc tiếp cận tín dụng xuất khẩu cũng rất khó khăn, trong khi nhu cầu vốn quay vòng xuất khẩu lớn. Đây chính là cái khó nhất trong hoạt động xuất khẩu hiện nay của hầu hết doanh nghiệp. Doanh nghiệp không được vay theo hợp đồng tín dụng xuất khẩu, chủ yếu là vay thế chấp tài sản.
Hiện lãi suất vay vốn bằng USD chỉ khoảng 4-5%/năm, trong khi vay VND lên đến 14-17%/năm. Ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu sẽ bán lại cho ngân hàng, thế nhưng việc tiếp cận vốn lại rất khó”-ông Thái Như Hiệp cho biết thêm.
Cùng quan điểm đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng trong các điều kiện tín dụng mà ngân hàng đưa ra, tài sản đảm bảo là yếu tố đầu tiên, trong khi tài sản thế chấp lại không nhiều, gần như doanh nghiệp nào cũng đã dùng tài sản để thế chấp ngân hàng trước đó. Điều kiện được Ngân hàng Phát triển bảo lãnh cũng rất khó khăn, rất ít doanh nghiệp đáp ứng được. Do đó, số được bảo lãnh rất ít so với nhu cầu thực tế, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ có vốn hoạt động và sử dụng lao động ít.
Gần như các doanh nghiệp này đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn tín dụng phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của mình. Với mức lãi suất thỏa thuận từ 14% đến 17%/năm không phải doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng mạnh dạn tiếp cận. Nhìn chung, với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mức lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn cao so với hiệu suất sinh lời.
Đầu tư hạn hẹp
Ông Lý Anh Đào- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội tại Gia Lai cho biết: Ngân hàng bắt đầu đi vào lĩnh vực cho vay xuất khẩu, tập trung vốn tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ ký hợp đồng tín dụng để xuất ngay, không đầu tư cho doanh nghiệp trữ hàng nhằm tránh rủi ro về tín dụng. Ngân hàng cho khách hàng vay xuất khẩu bằng tài sản thế chấp, hoặc thế chấp bằng hàng hóa tồn kho của doanh nghiệp, hoặc chứng thư bảo lãnh của ngân hàng bạn.
Tuy nhiên, hầu hết tài sản của doanh nghiệp là máy móc thiết bị gần như đã thế chấp ngân hàng trước đó. Ngân hàng căn cứ lượng hàng tồn kho và các hợp đồng đã ký từ đó có tương ứng vốn tín dụng hay không. Ngoài ra, căn cứ vào độ tín nhiệm của khách hàng như nhà nhập khẩu và ngân hàng bảo lãnh của nước bạn mà xác định tỷ lệ cho vay.
Hiện nay, các ngân hàng lớn như BIDV, VCB, Vietinbank đã nỗ lực dành ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, tập trung cho vay xuất khẩu cao su, cà phê, đá granite và các loại hàng nông sản khác. Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ xuất khẩu chiếm khá khiêm tốn trong tổng dư nợ toàn ngành. Năm 2010, doanh số cho vay xuất khẩu đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, và đang dư nợ gần 900 tỷ đồng, chiếm 3,6% trong tổng dư nợ. Tỷ trọng và mức tăng trưởng trong năm được đánh giá là không cao so với nhu cầu thực tế xuất khẩu trên địa bàn.
Theo nhiều ngân hàng, ngoại trừ các doanh nghiệp có uy tín và truyền thống tham gia trong lĩnh vực xuất khẩu, đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó đáp ứng các điều kiện cho vay như tài sản thế chấp không lớn, nợ thuế, nợ quá hạn các tổ chức tín dụng, trình độ quản lý không cao, rồi vấn đề về đối tác…
Trước thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa tìm kiếm, mở rộng được thị trường xuất khẩu nên khi một số đối tác thu hẹp hoạt động đã làm giảm đáng kể kim ngạch, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Hoặc biến động về giá cả, tỷ giá cũng đã khiến xảy ra nhiều vụ đổ bể trong thời gian qua. Vì vậy, việc mở rộng quy mô tín dụng trong lĩnh vực này nhiều ngân hàng cũng khá khó khăn, sợ rủi ro. 
Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

(GLO)- Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15-7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD). Trong đó, có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.