Doanh nghiệp nông nghiệp tại Gia Lai gặp nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chưa bao giờ 12 doanh nghiệp thuộc Khối thi đua sản xuất nông nghiệp tỉnh Gia Lai lại đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Nguyên nhân là do nông sản liên tục mất mùa, rớt giá, lao động bỏ việc, lơ là nhận khoán vì thu nhập thấp. Song với việc phát huy nội lực, đề ra giải pháp thiết thực, các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống người lao động.
Khó khăn chồng chất
Ông Phạm Văn Nghi-Giám đốc Công ty Cà phê 706-cho biết: “Hiện nay, giá cà phê vẫn ở mức thấp, dao động từ 31.000 đến 31.500 đồng/kg nhân, trong khi giá thành đã là 32.000-33.000 đồng/kg. Biết là lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn phải cầm cự để chăm sóc gần 500 ha cà phê kinh doanh cho niên vụ mới trên tổng diện tích hơn 700 ha”. Cũng theo ông Nghi, liên tục 3 năm qua, giá cà phê giảm sâu khiến doanh nghiệp thua lỗ, kéo theo nhiều hệ lụy. Đời sống người lao động khó khăn do thu nhập không đảm bảo, nhiều lao động nhận khoán đã bỏ vườn cây đi nơi khác làm ăn. Hiện đơn vị có gần 50 ha cà phê giao khoán bị công nhân bỏ bê. Diện tích này chăm sóc kém dẫn đến sản lượng đạt thấp. Nhiều hộ nhận khoán không đảm bảo sản lượng, nợ dồn năm này qua năm khác không trả được. “Doanh nghiệp không những cõng gánh nợ sản lượng của công nhân mà còn phải gánh thêm khoản đóng bảo hiểm xã hội, rồi áp lực trả lãi vay ngân hàng. Thật sự chưa giai đoạn nào khốn khó như lúc này”-ông Nghi cảm thán.
 Lãnh đạo các doanh nghiệp của Khối thi đua sản xuất nông nghiệp tỉnh thể hiện tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn. Ảnh: Đ.Y
Lãnh đạo các doanh nghiệp của Khối thi đua sản xuất nông nghiệp tỉnh thể hiện tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn. Ảnh: Đ.Y
Công ty Cà phê Ia Sao 1 cũng đang trong tình cảnh tương tự. Doanh nghiệp có tổng cộng hơn 600 ha cà phê, trong số này phải tái canh hơn 200 ha. Dù rất cố gắng nhưng đơn vị không sao bố trí được vốn để thực hiện tái canh. Ông Trần Chí Kiên-Giám đốc Công ty-cho biết: Nguyên nhân là do nông sản mất giá. Ngân hàng theo đó cũng thắt chặt vốn vay khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn. “Hiện tại, doanh nghiệp có khoảng 30 ha vườn cây giao khoán bị công nhân bỏ bê. Phương án của doanh nghiệp là để vậy, tìm người thực sự có nhu cầu mới giao khoán lại”-ông Kiên chia sẻ.
Tình cảnh này cũng xảy ra ở các doanh nghiệp trồng cao su. Thời tiết biến đổi phức tạp, cao su mở cạo muộn và phát sinh dịch bệnh; giá cả vật tư, hàng hóa đầu vào tăng cao, trong khi giá mủ cao su liên tục ở mức thấp khiến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị rất khó khăn. Trong 4 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, khó nhất là Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Ông Hoàng Trung Hưng-Phó Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: Công ty đang quản lý 7.830 ha cao su, trong đó có 3.400 ha trong giai đoạn khai thác, còn lại là vườn cây kiến thiết cơ bản. Sản lượng vườn cây khai thác của Công ty so với các đơn vị khác đạt thấp: 8 đến 9 tạ mủ/ha; giá bán bình quân chỉ đạt 30,8 triệu đồng/tấn, trong khi giá thành là 41 triệu đồng/tấn. “Sản lượng mủ tồn kho của đơn vị không nhiều nhưng với giá cả như hiện nay, cộng với năng suất vườn cây thấp đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất”-ông Hưng bày tỏ.
Nỗ lực vượt khó

Các doanh nghiệp thuộc Khối thi đua sản xuất nông nghiệp tỉnh đang quản lý hơn 34.575 ha cao su, hơn 4.227 ha cà phê, 300 ha chè. Năm 2019, tổng doanh thu toàn khối đạt trên 1.391 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hơn 86 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 55,9 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của 11.616 lao động đang làm việc trong khối đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Tại hội nghị tổng kết Khối thi đua sản xuất nông nghiệp tỉnh (gồm 14 công ty cao su trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, 7 công ty cà phê trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Công ty Chè Biển Hồ) tổ chức mới đây, bên cạnh báo cáo thực trạng tình hình, các doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, bàn bạc, tìm giải pháp cụ thể để vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực được các doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao, nhất là khả năng vận dụng phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của các đơn vị. Điển hình như Công ty Cà phê 706 tổ chức kết nghĩa giữa công nhân người Kinh với người dân tộc thiểu số để hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc vườn cây. Bộ máy lãnh đạo Công ty cũng như các bộ phận, người sản xuất thực hiện sắp xếp công việc hợp lý, khoa học, tiết giảm chi phí để hoàn thành tốt công việc. Phát động thi đua chăm sóc, tạo hình, vệ sinh vườn cây, tiết kiệm nước tưới. Huy động kinh phí để đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho công nhân. Những công nhân hoàn thành xuất sắc, nộp sản lượng đầy đủ thì Công ty khuyến khích cho mượn vốn mua thêm phân bón đầu tư vào vườn cây. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi lúc này là các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất, mở rộng hạn mức vay để có thêm điều kiện sản xuất, tái canh vườn cây. Hơn nữa, đơn vị cũng cần đầu tư đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất vườn cây”-ông Nghi chia sẻ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do chịu tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu song bằng kinh nghiệm và sự đoàn kết nội bộ, các công ty cao su đã nỗ lực hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Tiêu biểu như Công ty Cao su Mang Yang năm 2019 đã hạch toán có lãi, hoàn thành kế hoạch trước 30 ngày; Công ty Cao su Chư Prông hoàn thành sớm 20 ngày; Công ty Cao su Chư Pah hoàn thành sớm 10 ngày.
Công ty Cao sư Chư Prông là đơn vị có nhiều giải pháp hiệu quả trong việc thâm canh tăng năng suất, chất lượng vườn cây, sản phẩm mủ xuất khẩu ổn định. Ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty-chia sẻ: Công ty đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Rà soát những công nhân có thu nhập thấp, nếu chưa ổn định đời sống thì tạo điều kiện cho nhận khoán những vườn cao su tái canh để trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày nhằm tăng thu nhập. Mặt khác, đơn vị cũng thực hiện hiệu quả các phong trào quản lý bảo vệ sản phẩm, tận thu mủ, nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến; thi đua trong chiến dịch trồng mới đảm bảo tỷ lệ cây sống 100%; trồng xen trên vườn cây tái canh để tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.