Doanh nghiệp Gia Lai còn thờ ơ với thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, chỉ số thương mại điện tử (EBI) của Gia Lai đều rất thấp, luôn xếp gần chót bảng xếp hạng toàn quốc. Năm 2018, dù chỉ số này đã được cải thiện song tỉnh Gia Lai vẫn chỉ xếp thứ 43/54 tỉnh, thành được khảo sát. Điều này cho thấy, số đông doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chưa quan tâm đúng mức, nếu không muốn nói là còn thờ ơ với việc phát triển thương mại điện tử. 
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam về chỉ số EBI năm 2018, trong số 54 tỉnh, thành trên cả nước được khảo sát, Gia Lai xếp thứ 43 với 30,1 điểm. Xét riêng ở  khu vực Tây Nguyên, tỉnh ta chỉ đứng trên tỉnh Kon Tum (xếp thứ 50 với 29 điểm). Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, thương mại điện tử trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp trên thế giới và cả ở Việt Nam. Nhu cầu của người dân và doanh nghiệp về lựa chọn hàng hóa, thương thảo, đấu thầu, hợp đồng mua bán... qua mạng internet và nhận hàng tại nhà ngày càng cao. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chỉ số EBI của tỉnh đều rất thấp, luôn xếp gần chót bảng xếp hạng toàn quốc. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp trong tỉnh không theo kịp xu hướng thì sẽ bị các doanh nghiệp ở địa phương khác lấn áp và chiếm thị trường.
 Sản phẩm nông sản của Gia Lai có cơ hội tiếp cận với thị trường thế giới qua thương mại điện tử. Ảnh: ĐỨC THỤY
Sản phẩm nông sản của Gia Lai có cơ hội tiếp cận với thị trường thế giới qua thương mại điện tử. Ảnh: Đ.T
Cũng theo ông Hùng, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện chưa được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm đúng mức. Trước đây, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo về ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp. Nhưng đến nay, mức độ quan tâm ứng dụng CNTT của các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn rất chậm so với cả nước, chủ yếu chỉ ở mức độ sử dụng phần mềm kế toán, quản lý bán hàng. Việc giao tiếp trực tuyến giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền ở tỉnh ta cũng rất hạn chế mặc dù tất cả các website của tỉnh và các ngành, địa phương đều có mục để người dân, doanh nghiệp trao đổi ý kiến, kiến nghị. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2018 và đầu năm 2019, chỉ có 6 cơ quan trên địa bàn tỉnh nhận được kiến nghị và yêu cầu cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính, về cơ chế, chính sách... từ các doanh nghiệp và người dân, trong đó có 5 kiến nghị thông qua mạng xã hội Zalo.
Việc tuyên truyền, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất kinh doanh quả thực không hề dễ dàng, nhất là khi 90% doanh nghiệp tại tỉnh ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động mua bán chủ yếu theo kiểu truyền thống. Trong khi đó, với thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh, mua bán đều dựa trên niềm tin, nghĩa là doanh nghiệp phải xây dựng cho mình thương hiệu tốt trên mạng internet. Về điều này, đa số doanh nghiệp tại tỉnh ta chưa làm được. Ông Tạ Văn Hùng-Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Việt Tâm An Gia Lai (thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) cho hay: “Công ty tôi hoạt động kinh doanh, chế biến và bảo quản các loại củ quả như: chanh dây, mắc ca, măng khô, măng tươi và các loại đậu. Hoạt động giao dịch lâu nay của Công ty vẫn là gửi hàng cho các bạn hàng truyền thống ở các tỉnh hoặc nhiều khách hàng tới trực tiếp xem và đặt hàng. Công ty hiện vẫn chưa xây dựng được website riêng để quảng bá sản phẩm”.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: “Việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên internet đem lại rất nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp như: chi phí thấp, mức độ phổ biến trên toàn thế giới... Tuy nhiên, hiện chỉ mới có khoảng 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có website. Các website cũng còn rất sơ sài, thiếu thông tin, thiếu chức năng giao tiếp với khách hàng. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã làm tặng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh 1 website có địa chỉ: http://hiephoidoanhnghiep.gialai.org.vn nhưng các doanh nghiệp không chú ý quảng bá, đưa thông tin trên website này. Các website công cộng quảng bá của tỉnh như website về cồng chiêng có địa chỉ: http://festivalcongchieng.gialai.gov.vn cũng không thu thập được nhiều thông tin về doanh nghiệp để quảng bá, dù là miễn phí”.
Cách đây hơn 10 ngày, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp cùng Amazon Global Selling tổ chức hội thảo “Xuất khẩu thông qua thương mại điện tử: Cơ hội cùng Amazon Global Selling”. Tại hội thảo, ông Bernard Tay-Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á-cho biết: Bắt đầu từ tháng 4-2019, Amazon và Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp tổ chức chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí trên quy mô toàn quốc cho khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam mỗi đợt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thông qua nền tảng thương mại điện tử trên Amazon. Các doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo sẽ được trang bị những kiến thức về việc bán hàng trên thị trường quốc tế, bao gồm việc hướng dẫn từng bước để bắt đầu bán hàng trên Amazon, việc quảng bá marketing-tiếp thị, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng, kỹ năng quản lý…
Sự bùng nổ của internet đang tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Gia Lai trong việc tiếp cận khách hàng cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chú trọng phát triển thương mại điện tử. Làm được điều đó, các doanh nghiệp không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn góp phần tăng chỉ số thương mại điện tử của tỉnh trên bảng xếp hạng toàn quốc.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.