Dìu nhau qua khó khăn mùa dịch (kỳ 1): "Cho em xin phần quà với"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại TP.HCM, người lao động nghèo, sinh viên ở trọ trong các khu vực bị cách ly, phong tỏa vì dịch Covid-19 đang gặp muôn vàn khó khăn, nhất là nhu cầu về đồ ăn, nước uống. Với tinh thần sẻ chia, nhiều cá nhâm, tập thể đã đứng ra vận động hàng nghìn suất quà và trao tận tay cho người dân.
Phóng viên Báo NTNN đã theo chân một số nhà hảo tâm trong những hành trình đầy yêu thương và ý nghĩa này.
Khu vực nhà ở, phòng trọ bị phong tỏa. Không thể đi làm, không có thu nhập. Nhu yếu phẩm hàng ngày cạn dần và không thể tiếp cận... Đó là thực trạng của hàng nghìn sinh viên, lao động nghèo ở các khu bị phong tỏa tại TP.HCM.
Những tin nhắn lúc nửa đêm
Khuya một ngày cuối tháng 7, qua mạng xã hội Facebook, chúng tôi nhận được tin cần giúp đỡ của em Trần Nh. L: "Em tên Trần Nh. L, là sinh viên quê Quảng Ngãi đang học tại TP.HCM. Hiện nhà trọ em trong khu vực phong tỏa nên rất khó tiếp cận nguồn lương thực. Em rất mong nhận được sự giúp đỡ từ anh ạ". Cuối tin là số điện thoại và địa chỉ nhà trọ nơi L ở tại đường số 2, phường Tăng Nhơn Phú B (TP.Thủ Đức).

Sinh viên L cùng các sinh viên nhận hàng cứu trợ tại chốt phong tỏa đường số 2, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú B (TP.Thủ Đức), chiều 1/8. Ảnh: Q.P
Sinh viên L cùng các sinh viên nhận hàng cứu trợ tại chốt phong tỏa đường số 2, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú B (TP.Thủ Đức), chiều 1/8. Ảnh: Q.P
Những ngày qua, chúng tôi đã đi thực tế tại nhiều khu trọ, chứng kiến cảnh người ở trọ sống "tạm bợ" qua ngày. Họ băn khoăn không biết sắp tới cuộc sống sẽ ra sao, lấy gì mà sống nếu tình hình dịch cứ kéo dài, họ không thể đi làm để mưu sinh.
Ngay lập tức, chúng tôi liên lạc với L, em cho biết: "Khu trọ hiện có 18 phòng trọ. Người ở trọ tại các phòng đều là sinh viên và người lao động tự do. Khi bị phong tỏa, mọi người chỉ biết loanh quanh trong khu trọ. Nên cần lắm sự hỗ trợ".
Nắm được thông tin, chiều 1/8, anh Võ Văn Môn-chủ một doanh nghiệp xây dựng tại quận 12 mang đến 18 phần quà gồm: Rau muống, gạo, hũ mắm muối dưa cà, hũ thịt heo ngâm mắm đến khu vực mà L cùng mọi người ở trọ. Tuy nhiên, do đang bị phong tỏa nên chúng tôi đành chuyển đồ qua hàng rào, L và các bạn ra nhận rồi vẫy tay chào thay cho lời cảm ơn. Đến khi chúng tôi quay trở về thì nhận được dòng tin cảm ơn của L.
Khuya 30/7, chúng tôi nhận được tin nhắn của anh H. Đ. Anh đang ở khu trọ dưới chân cầu sắt Bình Lợi cũ (phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức): "Khu em ở vừa bị phong tỏa, các lối đi ra vào hẻm đều bị chặn. Người dân không ai kịp chuẩn bị gì cả. Mai anh đi được thì mua giúp em rau, và các gia vị, gạo với".
Sáng 1/8, chúng tôi đã tìm đường và tiếp tế các nhu yếu phẩm cho D.
Không chỉ có L và anh Đ, mỗi đêm, chúng tôi nhận được hàng trăm tin nhắn như vậy. Chị Kim Anh tại số 1271 khu phố 2, Tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu nhắn: "Chỗ em đang bị phong tỏa, nay đã là 20 ngày rồi. Giờ lại có cả F0 nên bị phong tỏa tiếp, không ra ngoài được. Em đi làm công nhân thất nghiệp cả tháng nay. Cho em xin phần quà với ạ". Còn anh Đặng Tấn Hùng ở phường Bình Chiểu nhắn "Thật sự khó khăn mới mở lời xin. Khu trọ của em 12 phòng, toàn dân lao động, bị cách ly gần 10 ngày không có hỗ trợ".
Từ quận Bình Tân, chị Mỹ Luyến nhắn: "Cho em xin 2 phần. Em mới đẻ con được 3 tháng, thuê nhà, 2 vợ chồng thất nghiệp". Tương tự chị Huỳnh Trang thông báo: "Hiện em đang làm công nhân. Hai vợ chồng thất nghiệp 2 tháng nay rồi. Cũng cố gắng hết sức nhưng giờ gạo và đồ ăn trong phòng trọ cũng đã hết. Rất mong nhận được sự giúp đỡ". Chị Thanh Hằng thì nhắn: "Khu em có 15 phòng trọ. Dân ở đây là công nhân phụ hồ và những người bán hàng rong, thất nghiệp 3 tháng nay, rất mong nhận được sự giúp đỡ".
Nếu không được giúp đỡ, biết sống sao đây?
Những ngày qua, chúng tôi đã đi thực tế tại nhiều khu trọ, chứng kiến cảnh người ở trọ sống "tạm bợ" qua ngày. Họ băn khoăn không biết sắp tới cuộc sống sẽ ra sao nếu tình hình dịch cứ kéo dài...
Ngồi dưới tán cây trên đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8) để trốn cái nóng hầm hập trong phòng trọ, khi thấy chúng tôi, bà Bùi Thị Nhơn (54 tuổi, quê Quảng Ngãi) bối rối sợ bị phạt vì "ra ngoài không cần thiết". Sau một hồi trấn tĩnh, bà cho biết lý do: "Ở trong phòng trọ nóng quá chịu không nổi. Ngày nào cứ sắp trưa là tôi cũng ra ngồi dưới bóng cây này để tránh nóng. Ngủ trưa ở đây luôn, chiều mát mới về phòng trọ".
"Tôi đăng ký xin về Quảng Ngãi tránh dịch nhưng mà không được nên đành ở lại vậy. Tuần trước có người cho gạo và trứng gà nên cứ nấu cơm, luộc quả trứng dầm với nước tương ăn qua bữa thôi. Không biết chừng nào hết dịch, tôi đi nhặt ve chai còn có đồng ra đồng vào sống qua ngày, chứ cứ như mấy tuần nay thì lấy gì mà sống"- bà Nhơn lo lắng.
Nằm ngủ trên tấm xốp tại một quán cóc ở lề đường Cao Lỗ, nghe tiếng động, nam thanh niên thức dậy rồi vội nói: "Em ngủ ở đây coi quán luôn chứ em không có chỗ trọ. Chủ quán nhờ em ngủ trông coi quán đó!". Nam thanh niên đó tên Trần Thanh Tùng (27 tuổi). Tùng chia sẻ: Trước đây làm thợ phụ sơn nhưng dịch nên thất nghiệp, chủ quán biết và thuê em trông quán.
"Không có tiền trả phòng trọ nên dọn ra quán ở luôn, khỏi tốn tiền phòng trọ. Ở đây, hàng ngày người ta cho cơm hộp thì ăn cơm hộp, cho mì gói thì ăn mì. Chắc ở đây đến khi nào hết dịch thì đi kiếm việc làm, chứ giờ đâu biết phải làm sao?"- Tùng nói.
Tại dãy trọ hẻm 354/41 Phan Văn Trị, phường 25, quận Bình Thạnh, chị Việt Quỳnh (35 tuổi) chia sẻ: "Tôi thuê trọ ở đây đã được hơn 1 năm, với chi phí 1 tháng 3 triệu đồng tiền thuê, ngoài ra chưa kể phí điện, nước, sinh hoạt khác".
Tương tự, tại quận 7, tại dãy trọ lụp xụp bằng tôn địa chỉ số 994A/39 Huỳnh Tấn Phát, nơi đây chủ yếu là công nhân làm ở Khu chế xuất Tân Thuận. Gần 1 tháng qua, họ phải sống thiếu thốn, vô cùng vất vả và khó khăn.
Chị Cẩm Nhung kể: "Đã nhiều ngày qua, cuộc sống của gia đình chị chỉ chờ vào sự cứu trợ của các đoàn từ thiện. Chồng của chị làm phụ hồ với mức lương 1 tháng 4 triệu đồng chỉ tạm đủ duy trì cuộc sống từng tháng, nhưng nay cũng đã mất việc gần 2 tháng qua do dịch bệnh, nên bị mất nguồn thu nhập chính. Nếu không có hỗ trợ rau, củ, gạo… từ các đoàn thiện nguyện, chúng tôi không biết sống sao". 
Theo Quang Phương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.