Nghị quyết thứ hai của LHQ về dịch COVID-19 nêu bật "vai trò đi đầu then chốt" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan đang vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ và các nước phương Tây về cách giải quyết cuộc khủng hoảng y tế này.
|
Đồ họa: NGỌC THÀNH |
Ngày 21-4, thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết đã có 1 người tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP.HCM) được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh trong cả nước lên 216 (chiếm 81% tổng số bệnh nhân). Đây là bệnh nhân 248 (nam, 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 7-4. Đến nay TP.HCM đã có 52/54 trường hợp khỏi bệnh, hiện chỉ còn 2 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị, trong đó có trường hợp nặng là phi công người Anh (bệnh nhân 91) cũng đã ổn định, không sốt, mạch huyết áp bình thường, chức năng phổi có cải thiện khá hơn sau tập vật lý trị liệu hô hấp. Tính đến sáng 21-4, Việt Nam vẫn duy trì con số ghi nhận 268 trường hợp mắc COVID-19 trong cả nước. |
Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết thứ hai về dịch COVID-19
Ngày 20-4, 193 nước thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết, theo đó kêu gọi cách tiếp cận "công bằng, hiệu quả và kịp thời" đối với bất kỳ loại vaccine nào trong tương lai được phát triển để phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nghị quyết trên cũng nêu bật "vai trò đi đầu then chốt" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan đang vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ và các nước phương Tây về cách giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19 gây ra.
Đây là nghị quyết thứ hai của Đại hội đồng LHQ về dịch COVID-19. Nghị quyết đầu tiên được Đại hội đồng LHQ thông qua hồi đầu tháng này cũng kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
|
Tổng thống Indonesia Joko Widodo - Ảnh: REUTERS |
Indonesia cấm dân về quê sau Ramadan
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 21-4 thông báo nước này sẽ cấm người dân trở về quê sau tháng chay Ramadan của đạo Hồi để hạn chế dịch bệnh lây lan. Sau sự kiện diễn ra vào tháng 5 này, thông thường người dân tại các thành phố lớn tại Indonesia sẽ đổ về quê nhà để ăn mừng.
Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận 590 ca tử vong vì COVID-19, cao nhất tại khu vực Đông Á chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Widodo từng muốn thay việc áp lệnh cấm trước đó bằng cách kêu gọi người dân ở yên trong nhà.
Giới chuyên gia y tế đã cảnh báo việc cho phép hàng triệu người dân túa về quê nhà hậu Ramadan có thể tăng nguy cơ dịch COVID-19 lây lan. "Tôi đã quyết định chúng ta sẽ cấm ‘mudik’ (cách gọi truyền thống về quê của Indonesia). Vì thế cần phải thực hiện các khâu chuẩn bị liên quan", ông Widodo nói.
Tổng thống Indonesia cũng trích dẫn một khảo sát của Bộ Giao thông Vận tải nước này, cho biết 24% trong số hơn 260 triệu dân của họ nhất định muốn về quê sau Ramadan.
|
Đồ họa: NGỌC THÀNH |
Ý chuẩn bị công bố kế hoạch nới lỏng phong tỏa
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ngày 21-4 thông báo sẽ công bố kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong dịch COVID-19, trước khi tuần này kết thúc. Kế hoạch này dự tính sẽ được áp dụng từ ngày 4-5.
"Tôi ước rằng có thể nói: Hãy mở cửa tất cả mọi thứ. Ngay lập tức. Bắt đầu từ sáng mai... Nhưng quyết định như vậy sẽ rất vô trách nhiệm. Nó có thể khiến tình trạng lây nhiễm mở rộng theo hướng không thể kiểm soát được và xóa bỏ mọi nỗ lực của chúng ta.
Chúng ta phải hành động theo một kế hoạch toàn quốc, và kế hoạch này phải tính đến đặc thù của từng khu vực", ông Conte viết trên mạng xã hội Facebook. Ý hiện có 181.228 ca nhiễm và 24.114 ca tử vong vì COVID-19.
|
Đồ họa: NGỌC THÀNH |
Úc mất 780.000 đầu việc vì COVID-19
Theo thống kê từ chính phủ Úc, khoảng 780.000 công việc đã mất đi sau khi nước này tuyên bố các lệnh đóng cửa doanh nghiệp và phong tỏa để chống lại COVID-19. Số liệu do Cục Thống kê Úc (ABS) và Cục Thuế Úc cùng phối hợp thu thập cho thấp công việc trên toàn nước Úc đã giảm 6% từ 14-3 đến 4-4.
Vào ngày 20-2, quốc gia này có hơn 13 triệu lao động có việc làm, theo ABS. Như vậy, nếu giả định con số ấy vẫn giữ nguyên trong vài tuần sau đó, thì Úc đã mất khoảng 780.000 việc làm.
Trong đó, người lao động dưới 20 tuổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỉ lệ mất việc đến 9,9%. Về mặt địa lý, 2 bang Victoria và Tasmania là những khu vực có số lượng công việc giảm mạnh nhất.
|
Đồ họa: NGỌC THÀNH |
Theo NGUYÊN HẠNH (TTO)