"Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" ở Pleiku: Vì quyền lợi của phụ nữ yếu thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở TP. Pleiku đã tham gia tư vấn, giải quyết những mâu thuẫn thường gặp trong cuộc sống, đặc biệt là trợ giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP. Pleiku, mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” nhằm trợ giúp pháp lý cho chị em phụ nữ; tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực; bảo đảm an toàn, bí mật đối với nạn nhân và người báo tin… Đây cũng là nơi để các hội viên phụ nữ gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa trong cuộc sống gia đình. Ban Chủ nhiệm các địa chỉ là đại diện các đoàn thể chính trị-xã hội. Các “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” thường được chọn đặt ở nhà riêng của chi hội trưởng, nhà văn hóa thôn hay trạm y tế phường, xã…
“Hàng năm, Hội LHPN thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên tiến hành củng cố, kiện toàn mô hình; đồng thời rà soát, nắm tình hình để kịp thời phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai phương án hỗ trợ. Trong đó, Hội LHPN cơ sở chịu trách nhiệm chính trong việc tuyên truyền, vận động. Hiện nay, toàn thành phố có 264 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”-bà Vân thông tin.
Từ khi thành lập (năm 2015) đến nay, mỗi năm, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” của Hội LHPN phường Thắng Lợi đã tham gia hòa giải khoảng 3-5 vụ liên quan đến bạo lực, mâu thuẫn trong gia đình; tư vấn, trợ giúp chị em gặp khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, năm 2020, mô hình đã tiếp nhận và chăm sóc 1 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Cùng với việc đưa trẻ về Trạm Y tế phường khám sức khỏe và thay phiên nhau chăm bé, các thành viên đã kêu gọi tổ chức, cá nhân hỗ trợ về nhu yếu phẩm. Sau 1 tháng, bé được một gia đình nhận nuôi.
Ngoài ra, trong 2 năm (2020-2021), “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” của Hội LHPN phường Thắng Lợi cũng tiếp nhận và hòa giải thành công 2 trường hợp hội viên bị chồng bạo hành. Bà Đoàn Thị Lệ Thủy-Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi-cho biết: “Từ khi mô hình đi vào hoạt động, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã hàn gắn, thuận hòa. Từ đó, chị em ngày càng tin tưởng và tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động của Hội; đồng thời chăm lo lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc... Riêng đối tượng bạo lực gia đình, sau khi được tuyên truyền, giải thích thì hầu hết đã thay đổi hành vi, ít tái phạm”.
Các thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” của Hội LHPN phường Thắng Lợi tiếp nhận, chăm sóc 1 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Ảnh: Mai Ka
Các thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” của Hội LHPN phường Thắng Lợi tiếp nhận, chăm sóc 1 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Ảnh: Mai Ka
Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ mà nhận thức của hội viên phụ nữ nói riêng, của cộng đồng nói chung đã được nâng lên rõ rệt, các nạn nhân đã mạnh dạn tố cáo hoặc nhờ các cơ quan, ngành chức năng can thiệp, xử lý khi có vụ việc xảy ra. Hội LHPN phường Trà Bá hiện có 2 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Bà Nguyễn Thị Phương Thu-Chủ tịch Hội LHPN phường Trà Bá-cho hay: “Với tinh thần tham gia tự nguyện của các thành viên, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” đã kịp thời đại diện, bênh vực cho nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em đối tượng yếu thế bị bạo hành, xâm hại; tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn, bất hòa trong hôn nhân gia đình. Các thành viên của “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” còn phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho phụ nữ”.
Trao đổi cùng P.V, Chủ tịch Hội LHPN TP. Pleiku nhấn mạnh: Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” đã khẳng định được sự cần thiết và hữu ích, mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động nhân rộng mô hình nhằm giúp cho hội viên phụ nữ dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu tư vấn về hôn nhân, bạo lực gia đình hoặc các vấn đề thường gặp trong cuộc sống.
MAI KA
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.