Đi tìm 'thần dược' sâm cau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lâu nay người ta vẫn đồn thổi về bài thuốc bào chế từ sâm cau của đồng bào Ca Dong ở H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) như một loại thần dược giúp quý ông thăng hoa chuyện chăn gối. Thế nhưng khi tìm hiểu thì lại khác.
 
Bà Đinh Thị Dưa xem một đoạn rễ được cho là sâm cau. Ảnh: K.TRẦN
Thủ phủ "một người uống, hai người vui"
Nhiều năm công tác ở tỉnh Kon Tum, chúng tôi không lạ gì sâm cau. Thế nhưng khi về tỉnh Quảng Ngãi, lại nghe nói sâm này còn "xịn" hơn cả Kon Tum, thấy lạ quá. Vậy là theo lời đồn đại, chúng tôi đến H.Sơn Tây (Quảng Ngãi), nơi giáp ranh với các xã phía đông bắc H.Kon Plông (Kon Tum) để tìm.
Dạo một vòng trung tâm huyện và các xã như Sơn Mùa, Sơn Bua, Sơn Liên… của H.Sơn Tây, nơi nào chúng tôi cũng chứng kiến người bán sâm cau, đủ loại và ai cũng nói chắc nịch đây là sâm cau đỏ, sâm cau trắng, sâm cau dây. Ghé vào một quán bán hàng ở xã Sơn Liên, chỉ trỏ như muốn mua sâm cau đang bày bán, chúng tôi được anh chủ quán người Kinh giới thiệu: "Củ này là sâm một người uống, hai người vui".
Hỏi hiệu quả có thật như lời đồn đại không thì anh chủ quán chỉ mấy đứa nhỏ đang chơi trước sân, bảo đó là bầy con trai của mình. “Nhờ mấy cái củ này mà chỉ cần rờ đầu giường là ra khoai, ra ngô hết”, anh chủ quán nói rồi vui miệng cho biết, dân Ca Dong đào sâm cau về bán tại nhà là 35.000 đồng/kg, còn đi mua lại thì 60.000 đồng/kg.
Đi về các xã vùng cao H.Sơn Tây, chúng tôi thấy nhiều quán hàng, đại lý tạp hóa, mua bán hàng nông sản còn ngâm rượu với sâm cau bán với giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/bình trên dưới 10 lít. Khách, không chỉ là các đấng mày râu mà các chị em ở dưới xuôi cũng thi nhau vào hỏi mua.
 
Rượu sâm cau bày bán tại các đại lý, quán hàng ở H.Sơn Tây
Nghe theo lời khuyên của một số cán bộ công tác lâu năm ở đất này, chúng tôi đi hẳn vào trong làng, tìm gặp người chuyên đi đào sâm cau để xem đây có phải đúng là thần dược như lời đồn.
Đến thôn Huy Măng, xã Sơn Mùa, chúng tôi tìm được anh Đinh Văn Hua, được giới thiệu là chuyên gia vạch rừng tìm sâm cau. Anh chàng này khoảng hơn 20 tuổi, nghe hỏi mua sâm cau, vội chạy về nhà lấy ra 2 đoạn ngắn, gọi củ cũng được mà rễ cũng đúng, bẻ làm đôi thì rễ cây toàn xơ, nói là sâm cau trắng, khoe mới lấy từ rừng hôm qua.
“Ủa, sao sâm này không giống với sâm cau bán dưới kia. Anh có biết cây sâm cau hình dáng thế nào không?”, chúng tôi hỏi. Anh chàng trơ mắt: “Ơ, không biết đâu. Em ngửi mùi giống sâm cau thì chắc là... sâm cau. Sâm này là sâm cau trắng. Còn muốn biết sâm cau thế nào, thì qua nhà bác Lợi, bác ấy mới phân biệt được”.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi tìm gặp đội quân chuyên đào sâm cau ở xã Sơn Dung, H.Sơn Tây. Anh Đinh Văn Si nghe chúng tôi hỏi, ngáp dài đến sái quai hàm, rồi rỉ tai: “Sâm cau ở đâu mà có. Dạo này tụi tui đi nát cả rừng, vài ngày mới mò mẫm được có vài cái rễ. Mà nói thiệt, nghe mọi người nói cây này là sâm cau thì mình đi tìm đào về bán kiếm tiền chứ cũng không biết có phải nó hay không”. Nói xong, anh Si chốt hạ: “Đi tìm chuối hột dễ hơn”.
 
Sâm cau phơi khô
Thần dược dỏm
Một người quen tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm, xoay qua tập tành kinh doanh mua các loài dược liệu như sâm cau, ba kích, đinh lăng, chuối hột rừng, dâm dương hoắc… bán cho các tiệm thuốc bắc và qua mạng. Ủng hộ, chúng tôi lựa những củ to nhất to bằng cán rựa, màu đỏ au, thẳng đều, được cho là sâm cau đỏ, mua 2 kg với giá 50.000 đồng/kg, về ngâm với 5 lít rượu gạo để đãi khách.
Ngày qua ngày lại ngắm nghía hũ rượu thấy cũng thú vị lắm. Rượu quý để dành đãi khách, chứ không dám uống. Một hôm, có hai người khách ghé chơi nhà, lại là dược sĩ. Thấy chủ nhà cất hũ rượu sâm cau như bảo bối trong tủ kính, chị nhìn lâu rồi phán: “Củ này không phải sâm cau. Sâm cau thật bây giờ rất hiếm, củ không to, đều, màu sắc đẹp mắt như vầy. Củ nhà mình ngâm là rễ cây bồng bồng, cây này nếu không biết cách sử dụng sẽ trở thành độc dược”. Nói rồi, chị dược sĩ mở điện thoại tìm trên mạng, đưa cho chúng tôi xem sâm cau thật, sâm cau giả. Thế là hũ rượu quý kia đành phải cho về với đất kẻo mang họa.
Trở lại H.Sơn Tây tìm đến nhà vợ chồng ông Đinh Văn Lợi và bà Đinh Thị Dưa, người được coi là chuyên gia số một về sâm cau ở huyện miền núi này. Theo lời bà Dưa, hai vợ chồng bà đi đào sâm cau khoảng 5 năm nay. Ngày nào cũng 7 giờ sáng là rúc vào những cánh rừng già, leo núi từ 3 - 4 giờ mới đến nơi là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn để tìm đào sâm cau.
Chúng tôi mở điện thoại cho bà Dưa xem hình sâm cau lấy từ “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”, cao từ 20 - 30 cm, lá có hình giống lá cau, củ, rễ nhỏ, chia ra làm nhiều nốt. Bà Dưa lắc đầu, nói không phải sâm cau. Nhưng khi chuyển sang hình cây rễ bồng bồng, cây phất dụ, thì bà gật đầu. Rồi bà Dưa “thuyết trình”: Cây sâm cau thường cao tới ngực bà, nhiều cây cao tới vài mét, khi nhổ lên, củ và rễ chìa ra như củ mì. Trước đây, một ngày vợ chồng bà đào được hơn 10 kg, nay giỏi lắm được 1 - 2 kg, có hôm về tay không. Hóa ra, chuyên gia về sâm cau cũng không khớp với cả thông tin được phổ biến.
Một kỹ sư nông nghiệp gần 20 năm gắn bó với các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sơn Tây là thủ phủ của loại cây này nhưng với nạn phá rừng, khai thác rừng bừa bãi để chuyển sang trồng rừng keo nguyên liệu, khiến cây này gần như bị khai tử. Hiện nay nếu tìm được cũng rất khó khăn, không thể khai thác được với số lượng lớn. Vì thế, không thể nào sâm cau tìm được dễ dàng và bán đại trà với giá rẻ bèo như hiện nay. Vả lại, cây sâm cau rất thấp, rễ nhỏ và ít. Còn bồng bồng cây to, có thể cao đến 3 m, rễ to và nhiều. Anh khẳng định, “sâm cau” bày bán ở Sơn Tây là rễ cây bồng bồng, nhiều nơi còn gọi là cây phất dụ lá hẹp. Cây này được nhiều người trồng làm cây cảnh.
Có hai loại sâm cau
TS Lê Hoàng Duy, nguyên Trưởng khoa Hóa - Sinh, Trường đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), chủ nhiệm đề tài khoa học “Nghiên cứu thành phần hóa học rễ cây sâm cau mọc tại H.Sơn Tây, Quảng Ngãi”, cho biết theo nghiên cứu về thực vật học, loài sâm cau mọc tại H.Sơn Tây là cây tiểu mộc, khác hoàn toàn với cây sâm cau đã được công bố từ các tài liệu khoa học. Sâm cau H.Sơn Tây là loài Dracaena augustifolia Roxb, họ măng tây (Asparagaceae). Như vậy, có thể khẳng định mặc dù cùng tên là sâm cau nhưng loài sâm cau mọc tại H.Sơn Tây là thuộc chi Dracaena, còn có tên là phất dụ lá hẹp, phú quý, bánh tét…
Qua nghiên cứu, TS Lê Hoàng Duy không phát hiện trong sâm cau Sơn Tây có hoạt chất sinh học bổ thận, tráng dương. Từ y học cổ truyền cho đến nghiên cứu hiện đại, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào xác nhận hoạt tính sinh học bổ thận, tráng dương, tăng cường sức khỏe như dư luận thêu dệt.

“Người dân nên thận trọng khi sử dụng để tránh tác dụng không tốt cho sức khỏe”, TS Lê Hoàng Duy khuyến cáo.

Phạm Anh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.