Đi tìm "Chàng Lía"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một ngày cuối hạ, tôi cùng cháu rể quê ở huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) lặn lội đi tìm “Chàng Lía” và căn cứ Truông Mây.
Nhiều người dân ở huyện này, kể cả cháu tôi chưa từng biết di tích “Chàng Lía và Truông Mây” mặc dù ai cũng thuộc làu câu ca: “Chiều chiều én liệng Truông Mây/Cảm thương Chàng Lía bị vây trong thành”. Tôi thắc mắc trong lòng, vì sao di tích này chưa hấp dẫn mọi người? Điều đó đã khiến tôi quyết tâm tìm đến căn cứ Truông Mây.
Không mấy khó khăn, chúng tôi dò đường về thôn Phú Thuận (xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) để lần đến di tích cần tìm. Trên con đường làng khá phẳng phiu, chạy hết đoạn qua Truông Ổi, chúng tôi đến được nhà ông Trần Văn Trường (tên thường gọi là Mười Trường) theo chỉ dẫn của người dân: “Muốn biết Ông Lía thì tìm đến nhà chú Mười. Mộ ổng ở trên đồi sau nhà chú ấy”.
Ngôi nhà cấp 4 của ông Mười Trường ở cách mặt đường không xa, cửa nhìn về hướng Đông, trước mặt là sông Kim Sơn, sau lưng là Hòn Một. Sau đôi câu xã giao, biết ý định của những vị khách, ông Trường-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ân Đức-nhiệt tình đưa chúng tôi ra phía sau nhà mình, rồi len lỏi trong cánh rừng bạch đàn trồng đã vài ba năm.
Vừa đi ông kể, dòng họ ông ngụ cư tại đây đã 4 thế hệ. Từ nhỏ, ông đã được nghe ông bà nhắc nhiều về chuyện Chàng Lía và Truông Mây-căn cứ của cuộc khởi nghĩa nông dân vào thế kỷ XVIII ở chính mảnh đất mà gia đình ông đang sinh sống hiện nay. 
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Chúng tôi đi được chừng 200 m thì thấy xuất hiện một tấm bia lẩn khuất trong đám cỏ cây. Tấm bia được dựng lên cách nay 8 năm, bề mặt chính ghi trang trọng tóm tắt lịch sử Truông Mây-Chàng Lía: “Nơi đây là căn cứ của cuộc khởi nghĩa nông dân do Chàng Lía lãnh đạo chống lại cường hào, áp bức bất công dưới chế độ phong kiến vào đầu thế kỷ XVIII. Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp phủ Quy Nhơn hưởng ứng mạnh mẽ. Di tích hiện còn ngôi mộ Chàng Lía được nhân dân tạo lập và gìn giữ qua nhiều thế hệ”.
Cách tấm bia chừng 10 m là ngôi mộ đất nằm chơ vơ, xung quanh là những hòn đá ong sẫm màu thời gian nằm lăn lóc và dấu tích bờ tường thành lăng mộ vỡ ra từng mảng bên cạnh. Phía trên đầu lăng mộ còn nhô ra những đoạn giống bờ thành bằng đá núi khá rõ. Có thể thấy, qua năm tháng, con người đã làm thay đổi địa mạo của vùng đồi dưới chân Hòn Một này do việc khai phá làm vườn, trồng bạch đàn…
Ngôi mộ được cho là của Chàng Lía cũng có dấu hiệu bị đập phá, khiến nơi đây trở thành phế tích. Ông Trường cho hay: Những năm 90 của thế kỷ trước, kẻ trộm đã xới tung ngôi mộ này và đập vỡ tấm bia cổ. Sau này, người dân đã sửa sang và đắp lại ngôi mộ như hiện nay. Hàng năm, cứ vào ngày 7 tháng Giêng (Âm lịch), nhân dân trong vùng lại đóng góp để giỗ Chàng Lía.
Dù trong chính sử của nước ta không nhắc đến cuộc khởi nghĩa này, nhiều chi tiết lịch sử về nhân vật Chàng Lía và cuộc khởi nghĩa ở Truông Mây cũng chưa được các nhà nghiên cứu lịch sử làm sáng tỏ, nhưng đa phần những tác phẩm được truyền tụng trong dân gian xoay quanh sự kiện cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía đã được sưu tầm và giới thiệu. Có thể kể đến bài vè về Chàng Lía, thơ tuồng “Văn Doan diễn ca” (gồm 1.350 câu, bản Nôm năm 1896) do GS. Nguyễn Văn Sâm sưu tầm. Trong kho tàng truyện cổ tích của Nguyễn Đổng Chi cũng có truyện “Chàng Lía”…
Đối với người dân Bình Định từ sau thế kỷ XVIII, nhân vật Chàng Lía và cuộc khởi nghĩa Truông Mây đã trở nên nổi tiếng, thành một hình mẫu “hiệp sĩ” cứu khốn phò nguy được ca ngợi trong dân gian dưới nhiều hình thức từ thơ ca, hò vè đến sân khấu tuồng…
Sinh thời, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Liễn kể rằng: Ngày xưa ở Bình Định quê ông có ông Trùm Vạn chuyên sống với nghề “kể vè Chàng Lía”. Nhờ vậy mà ông ấy sống khá đầy đủ. Người ta thường rước ông về để kể vè Chàng Lía bởi ông kể rất hấp dẫn, lôi cuốn, khiến người nghe không biết chán. Khi ông Trùm Vạn qua đời thì nghệ thuật “kể vè Chàng Lía” cũng mất dần.
Ngày nay, nhiều người Bình Định vẫn còn nhớ đôi câu vè về Chàng Lía như sau: “Lía ta nổi tiếng anh hào/Sơn hà một góc thiếu nào người hay/Bạc tiền thừa đủ một hai/Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông…”.
Tham khảo các tài liệu địa phương cũng như cuốn “Nước non Bình Định” của Quách Tấn thì thấy tất cả đều có dành một phần khá trang trọng nói về “Truông Mây và Chàng Lía” như một sự thật lịch sử. Họ cho rằng, Chàng Lía tên thật là Võ Văn Doan (nên mới có “Văn Doan diễn ca”) quê nội ở Phù Ly (huyện Phù Mỹ bây giờ), quê ngoại ở Phú Lạc,Tây Sơn, Bình Định (cùng quê ngoại với 3 anh em nhà Tây Sơn).
Chàng Lía sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm. Vì quá nghèo nên ông đi ở cho 1 phú hộ. Lớn lên, chứng kiến nhiều chuyện bất công, xã hội nhiễu nhương, quan quân hiếp đáp dân lành, ông nổi lên chống lại quan nha, cướp của nhà giàu chia cho người nghèo, được dân chúng ủng hộ.
Vốn là người khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, nhất là thuật “khinh công” (dân gian gọi là “cú nhảy cá lóc”), ông cùng nghĩa quân chọn Truông Mây dưới chân núi Một-vùng hẻo lánh phía Tây Hoài Ân làm căn cứ địa. Cuộc khởi nghĩa Truông Mây của Chàng Lía đã làm cho Chúa Nguyễn Đàng Trong mất ăn mất ngủ, nhiều lần đem quân đánh dẹp nhưng bất thành.
Sau họ dùng mưu kế mới dẹp tan được nghĩa quân ở Truông Mây. Riêng Chàng Lía trốn thoát và sau đó tự vẫn vì uất hận. Nhân dân trong vùng thương tiếc người anh hùng lỡ vận nên đã đưa thi hài ông về chôn cất, xây lăng mộ trên chính căn cứ Truông Mây.
Chúng tôi chia tay Truông Mây và ông Mười Trường khi mặt trời đã gần đứng bóng trên đỉnh Hòn Một. Ông Trường nhắn gửi một lời hết sức tâm huyết, đó là mong di tích này sớm được Nhà nước đầu tư, quy hoạch, xây dựng lại nhằm vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương, vừa làm điểm du lịch để du khách tìm về nguồn cội với những câu chuyện ly kì, hấp dẫn về Chàng Lía.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

(GLO)- Khi tôi và nhà thơ Hương Đình “mở tiệc” chia tay Đỗ Tiến Thụy ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh là Thượng úy, công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Ấy là năm 2002. Tháng 11 năm nay, khi trở “về nhà”, anh đã mang hàm Đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

(GLO)- Ngày 16-12, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định Phê duyệt kết quả cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.