Di sản gốm cổ Quảng Đức ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gốm cổ Quảng Đức là một trong những di sản văn hóa không chỉ riêng của tỉnh Phú Yên mà còn lan tỏa, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên. Di sản ấy đã góp phần làm cho văn hóa Tây Nguyên thêm phong phú và đa dạng.

Các DTTS ở Tây Nguyên chưa phát triển kỹ thuật làm gốm, các sản phẩm từ gốm phần lớn được đưa từ nhiều nơi đến thông qua các hình thức trao đổi, mua bán. Trong đó, dòng gốm Quảng Đức với sự đa dạng về sản phẩm với những đặc trưng riêng chiếm giữ một số lượng khá lớn và trở thành di sản không thể thiếu trong đời sống của con người trên vùng đất này.

Bầu đựng rượu gốm Quảng Đức đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: X.T

Bầu đựng rượu gốm Quảng Đức đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: X.T

Gốm Quảng Đức là một làng nghề truyền thống được hình thành khá sớm, khoảng cuối thế kỷ XVII-đầu thế kỷ XVIII, nay thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là sự tiếp nối của dòng gốm Gò Sành trong lịch sử. Trải qua một thời gian dài phát triển rực rỡ, “vào thập niên 60 thế kỷ XX, gốm Quảng Đức chấm dứt việc chế tác theo lối truyền thống, do nhiều gia đình trong làng phải tản cư bởi chiến tranh” (theo “Gốm Nam Trung Bộ” của tác giả Nguyễn Đình Chúc, Trần Thanh Hưng, Nhà xuất bản Đà Nẵng).

Sản phẩm gốm cổ Quảng Đức khá đa dạng về chủng loại từ nhỏ đến lớn như: nậm rượu, bình vôi, hũ, thống, chậu hoa, và đặc biệt là các loại ché lớn-nhỏ có mặt với số lượng khá lớn. Nét đặc trưng của gốm cổ Quảng Đức là dấu vết vỏ sò bám dính trên sản phẩm tạo nên sự khác biệt. Việc cho sò huyết đầm Ô Loan vào trong quá trình nung nhằm vừa tăng thêm sức nóng vừa như một thứ phụ gia đã cho ra nhiều sản phẩm mang màu sắc đặc trưng. Men của các sản phẩm từ dòng gốm này có nhiều màu như: màu đỏ, màu tro, xanh đồng, xanh dương, trắng đục… nhưng cơ bản và nổi trội hơn cả là màu đen và da lươn.

Tây Nguyên là vùng đất còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống gắn với diễn trình lịch sử từ bao đời mà ít nơi nào có được. Bên cạnh các đặc trưng văn hóa mang tính bản địa, nhiều yếu tố văn hóa khác du nhập và tiếp biến, trở thành những thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Việc lưu giữ và sử dụng với số lượng lớn sản phẩm gốm cổ Quảng Đức trong đời sống cộng đồng của các DTTS ở Tây Nguyên là minh chứng cho quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Mối giao thương giữa 2 miền được thiết lập trên một mạng lưới kinh tế đặc thù, các nhà nghiên cứu gọi là “mạng lưới trao đổi ven sông” (theo “Nghệ thuật Chăm Pa nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đền-tháp” của tác giả Trần Kỳ Phương, Nhà xuất bản Thế giới).

Người miền ngược đưa các sản phẩm như lâm sản, thổ sản, trầm hương, súc vật… để trao đổi những nguồn hàng thiết yếu như muối, cá khô, nước mắm và đặc biệt là các sản phẩm được làm từ gốm sứ tại các lò gốm ở vùng Nam Trung Bộ, trong đó có gốm Quảng Đức. Hiện gốm Quảng Đức vẫn còn là một ẩn số trên thị trường giao thương quốc tế, nhưng ở trong nước sản phẩm của dòng gốm này luôn được người dân các vùng lân cận ưa chuộng, nhất là ở Tây Nguyên.

Gia Lai là vùng tiếp giáp, đồng thời có sông Ba là tuyến đường thủy nội địa quan trọng nối liền với Phú Yên, nên sản phẩm gốm cổ Quảng Đức hiện diện ở Gia Lai có số lượng phong phú hơn so với các vùng khác ở Tây Nguyên. Sản phẩm gốm cổ Quảng Đức có mặt ở Gia Lai gồm nhiều loại hình như: nậm rượu, bình vôi, hũ thủy trì, chum, ché, mỗi một sản phẩm đều có những chức năng và giá trị khác nhau. Với các DTTS ở Tây Nguyên, ngoài chức năng sử dụng các sản phẩm gốm sứ mang những giá trị khác quan trọng hơn, được xem là vật gia bảo dùng để chia của, là vật lưu truyền đời thế hệ này sang thế hệ khác, là vật gắn liền với những nghi lễ tâm linh. Đặc biệt, đối với ché-đồ vật luôn được người tại chỗ quý trọng không chỉ bởi trị giá mà còn là niềm tin vào sức mạnh của thần linh trú ngụ ở ché. Họ quan niệm rằng, ché có sự trú ngụ của thần linh, ché càng cổ sức mạnh của thần linh càng mạnh.

Ché Quảng Đức với đặc trưng dấu vế vỏ sò bám dính trên sản phẩm đang lưu giữ tại sưu tập tư nhân Lê Tấn Khoang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Xuân Toản

Ché Quảng Đức với đặc trưng dấu vế vỏ sò bám dính trên sản phẩm đang lưu giữ tại sưu tập tư nhân Lê Tấn Khoang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Xuân Toản

Sự có mặt với số lượng khá lớn trên vùng đất Tây Nguyên chứng tỏ nhu cầu sử dụng của người dân đối với sản phẩm làm từ gốm tương đối lớn. Vì vậy, thị trường Tây Nguyên luôn được các lò gốm vùng duyên hải Nam Trung Bộ quan tâm. Cùng với việc thể hiện mối giao lưu, ảnh hưởng về văn hóa, xét trên một khía cạnh nhất định, việc giao lưu trao đổi các sản phẩm gốm cổ Quảng Đức với người Tây Nguyên cũng được xem là quá trình giao lưu trao đổi về kinh tế. Bởi, người Tây Nguyên luôn xem các sản phẩm làm từ gốm như những mặt hàng tiêu biểu, có giá trị cao. Bên cạnh mua về để sử dụng (số lượng ít), mục đích chính là cất trữ, lưu giữ như là một tài sản quý hoặc làm của hồi môn cho con cái khi lập gia đình. Sự có mặt của gốm cổ Quảng Đức ở Tây Nguyên còn thể hiện tư duy thẩm mỹ của cộng đồng nơi đây phát triển và đạt đến một trình độ nhất định bởi những giá trị về mỹ thuật cũng như kỹ thuật chế tác mang tính đặc trưng của dòng gốm cổ vang bóng một thời trong lịch sử.

Ông bình vôi gốm Quảng Đức đang lưu giữ tại sưu tập tư nhân Lê Tấn Khoang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Xuân Toản

Ông bình vôi gốm Quảng Đức đang lưu giữ tại sưu tập tư nhân Lê Tấn Khoang, huyện Đak Đoa. Ảnh: Xuân Toản

Có thể khẳng định, các sản phẩm gốm cổ Quảng Đức trên mảnh đất Tây Nguyên không những minh chứng cho mối quan hệ giao thương, trao đổi giữa người miền ngược với miền xuôi mà nó còn biểu hiện các giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống của cộng đồng các DTTS nơi đây. Và, chính những phong tục, tập quán của người Tây Nguyên đã góp phần gìn giữ và lưu truyền giá trị di sản gốm cổ Quảng Đức đến hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.