Đi qua nỗi đau bom mìn: Hồi sinh những vùng đất chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những vùng đất bị ô nhiễm nặng do bom mìn đang từng ngày "thay da đổi thịt", trả lại màu xanh cho quê hương
Khu Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi từng là "chiến trường đỏ lửa" bởi sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh. Chỉ riêng các xã Tịnh Sơn, Tịnh Bắc, Tịnh Giang, Tịnh Minh… (huyện Sơn Tịnh) đã hứng chịu hàng chục ngàn tấn bom mìn do quân đội Mỹ thả xuống.
Biết bao máu và nước mắt đã đổ
Kết thúc chiến tranh, thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn không khác gì một vùng đất chết. Ruộng, vườn, nhà dân ngổn ngang bom đạn hoặc mảnh vỡ bom đạn, thép gai.
Nơi đây thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô. Những năm bao cấp, cả vùng này không ai dám ở, đặc biệt vào mùa khô. "Có hôm nắng nóng, trâu bò đụng phải bom mìn nổ chết liên tục. Cứ mấy hôm lại đi lượm thịt bò về ăn một lần" - cụ Nguyễn Minh (77 tuổi, ngụ xã Tịnh Sơn) kể lại.
Gần 50 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, khắp thôn An Thọ, những căn nhà khang trang, mái ngói đỏ rực mọc lên gần những cánh đồng trù phú, lúa xanh mơn mởn.
Đứng trên cánh đồng dưới chân núi Nhàn, ông Trần Văn Minh, một cựu binh xã Tịnh Sơn, cho hay làng quê An Thọ có được như ngày hôm nay là nhờ rất nhiều vào nỗ lực của chính quyền địa phương, lực lượng công binh và cả máu, nước mắt cùng bao công sức cải tạo của người dân. Trong đó, có cả bản thân ông khi một quả bom phát nổ lúc đi rừng làm bị thương.
"Hồi đó cứ tưởng tượng vác cuốc ra làm ruộng là sợ vì biết đâu lưỡi cuốc bổ trúng quả bom thì coi như hết đời. Ở đây có hàng trăm người chết và bị thương như vậy. Vì thế mà ngay cả tên thôn cũng được đặt là An Thọ để cầu mong sự an lành, sống lâu, sống thọ thêm nữa" - ông Minh nói.
Nhờ lực lượng rà phá bom mìn và hệ thống dẫn nước từ công trình thủy lợi Thạch Nham về, màu xanh của ruộng đồng mới trở lại.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, cho biết mỗi năm, ở đây có hàng chục trường hợp người dân lúc đi rừng, cải tạo ruộng vườn phát hiện bom mìn nặng hàng trăm kg, còn nguyên ngòi nổ.
Theo ông Sơn, đa phần các cánh đồng, khu vực gần dân cư sinh sống đều đã tổ chức nhiều đợt rà phá, xử lý bom mìn tương đối sạch sẽ. Chỉ riêng tại một vài địa điểm như khu vực núi Nhàn, núi Khỉ (xã Tịnh Sơn) vẫn còn bị ô nhiễm bom mìn do chiến tranh để lại nặng nhất. Hằng năm, công binh, chính quyền địa phương đều cử lực lượng rà phá, xử lý bom mìn trên núi Khỉ, núi Nhàn nhưng do lượng ô nhiễm bom mìn quá lớn nên vẫn chưa "sạch" triệt để.
 
Lực lượng công binh rà phá bom mìn ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: TỬ TRỰC
Lực lượng công binh rà phá bom mìn ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: TỬ TRỰC
Hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã nỗ lực khắc phục hậu quả của bom mìn, vật nổ.
Từ năm 1978-2016, Bình Định tiếp tục dò tìm, xử lý được trên 8.000 ha đất bị ô nhiễm; thu gom và xử lý 288.199 bom mìn, vật nổ các loại.
Riêng với dự án "Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh", từ năm 2010 đến nay, Bình Định đã tiến hành khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ trên diện tích 15.200 ha. Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định, cho biết trong hợp phần 1 của dự án này đã khảo sát kỹ thuật gần 9.700 ha tại các địa phương trong tỉnh thì có gần 4.125 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ.
Đặc biệt, chỉ riêng rà phá trên diện tích 1.000 ha những khu vực trọng tâm, có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương đã thu được 12.325 bom mìn, vật nổ các loại. Điều đó cho thấy mức độ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh còn khá cao.
 
Bà Nguyễn Thị Sen (tỉnh Bình Định) trước đây ở trong khu vực bị ô nhiễm bom mìn, nay được hỗ trợ chuyển chỗ ở mới Ảnh: ĐỨC ANH
Bà Nguyễn Thị Sen (tỉnh Bình Định) trước đây ở trong khu vực bị ô nhiễm bom mìn, nay được hỗ trợ chuyển chỗ ở mới Ảnh: ĐỨC ANH
Ngoài việc khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn, vật nổ, dự án còn hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn. Ông Trần Quang Lâm - quản lý dự án "Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh" - cho hay qua rà soát, thu thập thông tin, đã thống kê được toàn tỉnh Bình Định có 43.760 người khuyết tật, nạn nhân bom mìn. Dự án đã hỗ trợ nạn nhân bom mìn trên các mặt y tế và sinh kế như hỗ trợ khám, đánh giá tình trạng sức khỏe; hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình; học nghề, hỗ trợ vốn và sửa chữa nhà…
Trong khuôn khổ dự án, mới đây, bà Nguyễn Thị Sen (ngụ xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) đã được cấp 200 m2 đất tại nơi không còn ô nhiễm bom mìn và 20 triệu đồng để xây nhà. "Hồi trước ở trong khu vực bị ô nhiễm bom mìn, lại là vùng trũng thường xuyên bị ngập nước nên chúng tôi rất lo lắng. Giờ được cấp đất ở khu vực an toàn, không còn bom mìn nữa nên gia đình chúng tôi yên tâm hơn nhiều" - bà Sen chia sẻ.
Theo đại tá Ðỗ Xuân Hùng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Ðịnh - dự án này đã góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về cách phòng, tránh tai nạn bom, mìn, đồng thời hỗ trợ cho nạn nhân sớm hòa nhập cộng đồng. 
Tranh thủ mọi nguồn lực
Nhằm tiếp tục huy động nguồn lực trong nước và quốc tế giúp giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ, tỉnh Bình Định vừa ban hành kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ giai đoạn 2021-2025.
"Bình Định xác định đưa dự án khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân, nhất là với những người khuyết tật, nạn nhân bom mìn có cuộc sống tốt hơn" - ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh.
TỬ TRỰC - ĐỨC ANH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.