Đến Hầm Hô để tận tưởng nơi chỉ "ta với đá"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa muôn vàn danh thắng miền đất võ Bình Định, có một cái tên “ngồ ngộ” gây tò mò cho nhiều người: Hầm Hô. Để rồi, sự tò mò hối thúc một chuyến lên đường không thể trì hoãn.
 

Hầm Hô một danh thắng của đất võ Bình Định.
Hầm Hô một danh thắng của đất võ Bình Định.

Ngọc giữa đại ngàn

Chiếc xe đang “ngon trớn” trên quốc lộ 19 - con đường một thời được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam nối vùng Duyên hải Trung bộ với Tây Nguyên - bỗng đột ngột rẽ vào một con đường nhỏ.

Những cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mướt của vùng Tây Sơn Hạ đạo dần thưa thớt, nhường chỗ cho những bụi cây lúp xúp phủ kín 2 bên đường. Kế đến là khu rừng nguyên sinh tràn trề nhựa sống, điệp trùng bên những vách núi dựng đứng…

 

Đá to, đá nhỏ đứng, ngồi đủ các kiểu dáng.
Đá to, đá nhỏ đứng, ngồi đủ các kiểu dáng.

Đi tiếp một chặng nữa thì… hết đường. Phía trước có con sông chắn ngang, anh tài xế thông báo: “Đã tới Hầm Hô!”. Chúng tôi xuống xe, chợt nhận ra phía trước không chỉ có 1 con sông, mà thực ra đó là nơi hò hẹn của 2 dòng sông: Sông Đồng Hưu và sông Cát gặp gỡ, cùng đổ vào sông Phú Hương.

Những tảng đá lớn nằm ngổn ngang dưới những tán cổ thụ vạm vỡ chia con sông thành nhiều dòng nhỏ. Giữa đất trời lồng lộng, tĩnh mịch, những dòng nước len lỏi giữa bao khe đá như cùng cất lên bản hợp ca đa sắc màu, với những bè trầm êm ả khúc nhạc tình, những bè cao rộn rã như khúc hoan ca, được minh họa bằng vũ điệu của những dòng xoáy cuồn cuộn va vào vách đá tung bọt trắng xóa.

Ai đó bỗng reo lên, trầm trồ: “Trời, nước ở đây trong làm sao!”. Quả thế thật, lòng sông hẹp chừng 30 mét giống như một tấm pha lê trong vắt không gợn chút bụi trần. Điều kỳ thú đến từ phía dưới bề mặt của làn nước:

 

Vùng hồ rộng lớn với không gian được bao phủ một màu xanh mát mẻ.
Vùng hồ rộng lớn với không gian được bao phủ một màu xanh mát mẻ.

Những trụ đá hoa cương chi chít dưới đáy sông tỏa ra muôn màu sắc, phản chiếu làn nắng nhẹ vẽ nên những tia sáng huyền ảo rực rỡ như ngàn vạn viên kim cương.

Sau phút chốc choáng ngợp với luồng ánh sáng mạnh và sắc như dao ấy, tôi rất ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng những tảng đá mang đủ thứ hình thù, đủ cho trí tưởng tượng thỏa sức bay bổng về những đàn voi lừng lững bên bầy ngựa đang phi nước đại, gần đó là con cá sấu khổng lồ đang nằm im rình mồi…

Hàng trăm, hàng nghìn tảng đá la liệt, ngổn ngang dưới bàn tay sắp đặt của tạo hóa dường như trở nên hài hòa đến ngoạn mục.

Chúng tôi bắt đầu cuộc thám hiểm dọc con sông trên chiếc thuyền độc mộc. Người chèo thuyền luôn tay đưa mái chèo lái con thuyền lách qua những khe đá. Càng vào sâu, cảnh tượng càng kỳ vĩ. Những tảng đá, chỗ thì dựng đứng như thành vách, nơi thì chồng chất lên nhau, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm dựng đứng…

 

Nhà sàn để du khách nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng không khí yên bình.
Nhà sàn để du khách nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng không khí yên bình.

Điểm xuyết giữa muôn trùng đá là những bụi sim trổ hoa tím ngắt, những bụi phong lan buông thả bao chùm hoa trắng trên lưng chừng thân cổ thụ già nua, xa xa là rừng hoa ngâu đốm vàng, phảng phất mùi hương thanh tao, càng khiến cho cảnh vật nhuốm chất Thiền huyền ảo.

Con thuyền đưa chúng tôi vượt qua bờ đập, đi ngược dòng một đoạn, bỗng thấy một vách đá dựng đứng, từ xưa đã có tên là Hòn Đá Thành. Trên vách đá rêu phủ xanh rì, từng chùm rễ cây leo rủ xuống, như một bức tranh mà thiên nhiên từ ngàn xưa đã kỳ công tô vẽ.

Bên trái thành là một bãi đá ngổn ngang, dân trong vùng gọi đây là khúc sông Trời Lấp. Tiếp tục ngược dòng, gặp một vũng nước sâu được tạo bởi những hòn đá quây tụ vào nhau, có tên vũng cá Rói. Vào mùa cạn, nước trong vũng vẫn đầy, từng đàn cá rói (một loài cá nhỏ chỉ có ở khúc sông này) từ khắp nơi đổ về kiếm mồi...

Đến hòn Trào, nơi có một khối đá lớn chắn ngang sông, chúng tôi rời thuyền, men theo bờ sông để tiếp tục cuộc hành trình…

 

Dòng nước qua thời gian đã chạm khắc lên đá.
Dòng nước qua thời gian đã chạm khắc lên đá.

Khúc sử thi trên đá

Hầm Hô - không rõ cái tên dân dã và lạ tai này có tự bao giờ, nhưng được người dân địa phương giải thích theo nhiều cách khác nhau. Người cho rằng do ở đây có một thác nước cao chừng 6-7 mét, đổ vào một hầm đá rộng phát ra tiếng kêu ầm ồ như tiếng hô hoán của con người, báo phía trước có thác ghềnh nguy hiểm.

Cũng có người giải thích rằng đá ở miệng hầm mọc lởm chởm, chìa ra giống như hàm răng hô nên mới có tên ấy. Dù gì, có một thực tế mà người dân ở đây đã rút ra tự bao đời: Hễ thấy Hầm Hô vang vọng những âm thanh kỳ bí, thì biết rằng chẳng mấy chốc trời sẽ đổ mưa lớn!

 

 

Sông Hầm Hô có tiếng là nhiều cá, nhất là vào mùa lũ. Cá từ khắp nơi kéo về từng bầy đặc cả nước. Cá lội ngược dòng bị thác nước hất tung trở lại trông như thể cá bay. Ngược về phía thượng nguồn, nước càng chảy mạnh.

Hàng chục thác nhỏ đổ nước dội vào vách núi tạo nên thứ âm thanh hùng tráng như trong những câu chuyện dã sử. Nước chảy đá mòn, trải qua hàng ngàn, hàng vạn năm, những tảng đá lô nhô giữa bao dòng nước ngược xuôi tạo thành những quần thể cảnh quan vô cùng kỳ thú:

 

Du khách đi thuyền khám phá Hầm Hô.
Du khách đi thuyền khám phá Hầm Hô.

Nơi này có 3 khối đá thẵn thín chụm đầu vào nhau được đặt tên là hòn Ông Táo; cách đó không xa là những khối đá lúp xúp kế bên nhau giống như nồi nấu cơm, bát, chén, ấm pha trà… Dân gian kể rằng, đây là nơi thần tiên thường xuống du ngoạn, vui chơi vào những đêm khuya tĩnh mịch.

Vì thế nên đến giờ mới có dấu chân trên đá của một ông khổng lồ ngồi câu cá, một Bàn cờ Tiên với những nét ngang dọc khắc trên mặt tảng đá rêu phong phủ mờ, cạnh đó là hòn Vò Rượu - một hòn đá nước chảy xuyên qua, ùn từ dưới mặt nước lên trông như sôi ùng ục… Vậy nên mới có câu ca: “Hầm hô có đá Khổng Lồ/Có hang Bảy Cử, có vò rượu sôi”.

Kết thúc cuộc hành trình dọc khúc sông dài khoảng 3km, sau những ghềnh thác cheo leo là một không gian khoáng đạt, mênh mông trải ra giữa núi non hùng vĩ. Đến Hầm Hô, không chỉ thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ hoang sơ của thiên nhiên, mà còn có thể “đọc” trên mỗi phiến đá những dòng sử kể về những ngày xưa oanh liệt…

- Hầm Hô là khu di tích - danh thắng thuộc thôn Phù Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách TP Quy Nhơn khoảng 55km về phía Tây Bắc. Hầm Hô với nhiều tên gọi: “Cửa ngõ của một thiên đường”, “Hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên”, “Hầm Hô thạch trụ”…

Ngoài vẻ đẹp thiên phú, hiện giờ bắc qua dòng suối còn có những chiếc cầu duyên dáng; Dọc theo triền núi bên suối là những nhà nghỉ xinh xắn ẩn mình dưới tán cây xanh. Ở đây, du khách có thể đắm mình trong dòng suối mát lành, bơi lội, leo núi, câu cá, bơi thuyền, đốt lửa trại... và thưởng thức những món cá tươi ngon rất dồi dào ở dòng suối này, trong đó cá mương chiên giòn ăn với lá non lộc vừng cuốn bánh tráng là đặc sản của Hầm Hô.

- Ngay tại cổng vào Hầm Hô, có đền thờ hai cụ Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng, những vị tiền hiền đã có công lập dựng Hầm Hô. Hàng năm, vào ngày 20 tháng giêng âm lịch, người dân tổ chức lễ cúng hai cụ, cũng là ngày hội của Hầm Hô.

- Từ TP Quy Nhơn có tuyến du lịch đến Hầm Hô bằng đường bộ nằm trong chùm tour đi thăm các danh thắng vùng An Nhơn, Tây Sơn, cùng với Bảo tàng Quang Trung, tháp Thủ Thiện, tháp Dương Long… Đi về trong ngày, giá tham khảo: 630.000 đồng/người.

Quỳnh Giao/phunu

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.