Đề xuất các giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các giải pháp được đề ra như xây dựng sản phẩm du lịch cho giai đoạn bình thường mới, đảm bảo an toàn, hấp dẫn; chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp du lịch theo tinh thần thích ứng an toàn...

Du khách tham quan vùng lõi Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. (nh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN
Du khách tham quan vùng lõi Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN
Diễn đàn du lịch mở “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đã diễn ra ngày 30/11 trực tiếp tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với 26 điểm cầu tới Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố.
Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, sự thay đổi đó mang tính lâu dài, đưa hoạt động của toàn xã hội sang một trạng thái mới với nhiều đặc điểm mới.
Ông Vũ Thế Bình cũng cho rằng trong tình hình mới, sự an toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu được quy định bắt buộc trong mọi hoạt động du lịch. Các hoạt động chủ yếu trong du lịch đang và sẽ tiếp tục thay đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo an toàn và ứng dụng công nghệ, nhất là việc đổi mới xúc tiến du lịch; công tác xây dựng sản phẩm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch;quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch… Điều này đòi hỏi các nhà quản lý, hiệp hội cũng như các doanh nghiệp, người làm du lịch phải có sự điều chỉnh để thích ứng, hướng tới phát triển bền vững.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ việc khôi phục, mở cửa thị trường quốc tế của du lịch Việt Nam là dấu ấn quan trọng, thể hiện du lịch Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập và tham gia vào thị trường toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh.
Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với một số địa phương, điểm đến sẵn sàng mở cửa đón khách như Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) và tiến tới mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế với điều kiện đảm bảo các phương án phòng, chống dịch, đón khách du lịch đảm bảo các tiêu chí về an toàn.
Sau gần 2 năm du lịch quốc tế bị ngừng trệ, mới đây những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên trở lại Việt Nam là cơ sở để khẳng định đến du lịch nước ta là an toàn, hấp dẫn và đây cũng là thể hiện những nỗ lực của ngành du lịch nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong việc phục hồi ngành du lịch nước nhà.
Theo số liệu thống kê ban đầu, trong tháng 11, ba địa phương đã đón khách quốc tế trở lại. Cụ thể, Quảng Nam đã đón 3 chuyến bay với hơn 159 khách từ ngày 17-18/11; Phú Quốc (Kiên Giang) đón 202 khách Hàn Quốc ngày 20/11; Khánh Hòa đã đón 617 khách. Tổng số khách quốc tế đã đón là 978 người. Dự kiến, đến hết năm 2021, Khánh Hòa sẽ đón khoảng 9.400 lượt khách quốc tế; Đà Nẵng dự kiến đón 11.500 lượt…

Du khách tham quan thác Đăng Mò, Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Du khách tham quan thác Đăng Mò, Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Đối với thị trường nội địa, trong tháng 11/2021, một số địa phương có số lượng khách du lịch nội địa tăng hơn so với tháng trước như Khánh Hòa 522.000 lượt người; Hà Nội 300.000 lượt người; Lạng Sơn 300.000 lượt người; Quảng Ninh 170.000 lượt người; Lào Cai 55.450 lượt người...
Diễn đàn mở “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” gồm 2 phiên. Các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận, ý kiến về tổng quan tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch và chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam, trong đó có xây dựng sản phẩm du lịch cho giai đoạn bình thường mới, đảm bảo an toàn, hấp dẫn; chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp du lịch theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả của dịch COVID-19; bổ sung kiến thức, kỹ năng trong đào tạo lại lao động du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Flamingo Redtours, nêu rõ chúng ta đã nói nhiều về xu hướng sản phẩm trong giai đoạn hậu COVID-19 như du lịch sức khỏe, thiên nhiên, môi trường, khách đi theo nhóm nhỏ, bắt đầu từ các sản phẩm nghỉ dưỡng, tuyến đi gần, với hành trình khép kín… Mỗi doanh nghiệp, địa phương cần căn cứ vào đặc thù, thị trường mục tiêu để tìm ra con đường phù hợp trong từng giai đoạn. Song trong hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới chúng ta nên lưu ý tuân thủ và đề cao yếu tố an toàn, tiếp đến là tạo được sự linh hoạt trong cung ứng và tổ chức dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, thời gian tới, để nắm bắt cơ hội phục hồi ngành du lịch đạt kết quả như kỳ vọng, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cũng cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp chung để chung tay vượt qua khó khăn của đại dịch; việc khôi phục hoạt động du lịch cần phải theo phương châm “du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” với các giải pháp và lộ trình cụ thể.
Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.