Đệ nhất trống Đọi Tam trên Tây nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến Đắk Lắk, ít ai nghĩ tại đây lại có một nghệ nhân làm trống Đọi Tam rất nổi tiếng.
Ông chủ cơ sở trống cũng phải xắn tay áo làm mới kịp giao hàng ẢNH: QUANG VIÊN
Ông chủ cơ sở trống cũng phải xắn tay áo làm mới kịp giao hàng ẢNH: QUANG VIÊN
Giấc mơ làm “vua” trống xứ người
Nghề làm trống Ðọi Tam là nghề cha truyền con nối. Tôi sinh ra trong gia đình 3 đời làm nghề trống. Vì thế, tôi biết làm trống từ khi mới học cấp 1 nên lấy sở trường đó mà lập nghiệp ở vùng đất này
Đinh Văn Hải (Hải Trống)

Nói đến nghề làm trống, người ta nghĩ ngay đến làng trống ở Đọi Sơn (H.Duy Tiên, Hà Nam), nơi trống Đọi Tam đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Vì thế, khi đến thủ phủ cà phê, tôi rất bất ngờ khi cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương giới thiệu ở đây có một nghệ nhân làm trống Đọi Tam thuộc hàng đệ nhất vùng này, dân trong vùng quen gọi là Hải Trống. Theo hướng dẫn của cô Thu Hương, tôi phóng xe máy từ TT.Ea Tling (H.Cư Jút, Đắk Nông) lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đi tìm “đệ nhất trống”. Vừa qua khỏi cầu 14 một đoạn, tôi thấy ngay “rừng trống” bên đường. Đúng dịp năm học mới và sắp đến mùa trung thu nên hoạt động sản xuất và mua bán tại đây nhộn nhịp khác thường. Ghé vào thì được biết, ông chủ của cơ sở này là Đinh Văn Hải (Hải Trống), người Hà Nam.
Những năm gần đây, nhiều người ở phía bắc gom góp được chút vốn liếng di cư vào vùng đất đỏ bazan theo “tiếng gọi” đầy cuốn hút của cây cà phê, hồ tiêu. Họ mua đất làm rẫy để thực hiện giấc mơ tỉ phú. Còn Đinh Văn Hải vào đây với hai bàn tay trắng. Vốn liếng của anh là bí kíp gia truyền từ làng trống Đọi Tam lừng danh của Hà Nam. Truyền thuyết kể rằng: Năm 986, được tin vua Lê Ðại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền, hai anh em Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản ở Đọi Sơn đã làm một cái trống rất to để đón vua. Tiếng trống vang như sấm rền khiến vua rất cảm kích nên về sau hai ông được tôn là Trạng Sấm. Từ đó, làng Đọi Sơn nổi tiếng khắp nơi về nghề làm trống và trở thành làng nghề làm trống phát triển nhộn nhịp nhất cả nước. Để gìn giữ uy tín của làng nghề, người Đọi Sơn có những quy định nghiêm ngặt được coi như hương ước. Theo đó, nghề này chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể hay người ngoài do sợ thất truyền. Con dâu cùng làng chứ khác làng cũng không được học nghề.
Chiếc trống khủng giá gần 100 triệu đồng ẢNH: QUANG VIÊN
Chiếc trống khủng giá gần 100 triệu đồng ẢNH: QUANG VIÊN
“Nghề làm trống Ðọi Tam là nghề cha truyền con nối. Tôi sinh ra trong gia đình 3 đời làm nghề trống. Cha tôi là người thuộc dòng họ Đinh, dòng họ làm trống nổi tiếng làng Đọi Sơn. Vì thế, tôi biết làm trống từ khi mới học cấp 1 nên lấy sở trường đó mà lập nghiệp ở vùng đất này. Giấc mơ của tôi là mang trống đi đánh xứ người cho xứng danh trống Đọi Tam”, Hải Trống nói.
Kỳ công trống Đọi Tam
Năm 2010, người đàn ông dòng họ Đinh này đưa vợ con vào xã Hòa Phú, nay thuộc TP.Buôn Ma Thuột, lập nghiệp. Đó là quyết định đúng của Hải Trống. Thứ nhất, nghệ nhân làm được trống Đọi Tam ở Tây nguyên trở thành “quý hiếm”. Thứ hai, vùng đất này dồi dào cây mít, loại gỗ chủ yếu để làm tang trống mà nghệ nhân Đọi Sơn đã đúc kết thành câu “Gỗ mít đánh ít kêu nhiều”. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã chắp cánh cho giấc mơ của Đinh Văn Hải. “Không có loại gỗ làm trống nào vừa cho âm thanh tốt vừa kinh tế như gỗ mít. Vùng Tây nguyên thì mít bạt ngàn nên chọn gỗ mít tốt làm trống không khó”, nghệ nhân sinh năm 1971 này tiết lộ.
Vợ Hải Trống cũng là một nghệ nhân làm trống QUANG VIÊN
Vợ Hải Trống cũng là một nghệ nhân làm trống. Ảnh:  QUANG VIÊN
Nhưng để làm ra một chiếc trống xứng danh trống Đọi Tam đánh lên âm vang, chuyển tải được hồn thiêng sông núi thì mặt trống cũng phải làm bằng loại da trâu đã thuộc lấy từ làng làm trống ở quê, vì nghệ thuật xử lý da trâu để làm mặt trống của làng Đọi Sơn là bí quyết. Đinh Văn Hải tự hào: “Cái tài của người thợ thuộc da trâu làm trống Đọi Tam hơn hẳn nhiều làng nghề khác. Để thuộc được tấm da trâu đạt tiêu chuẩn, những người thợ trống phải đi mua da trâu vào những ngày trời nắng. Khi đem da về là phải phơi ngay dưới cái nắng gay gắt để da trâu nhanh khô, cho tiếng trống vang xa và ấm. Đến công đoạn bào da, cũng cần có những người thợ dạn dày kinh nghiệm mới bào được miếng da trâu đều như cán và độ dày hoặc mỏng đúng tiêu chuẩn của loại trống gì. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em…”.
Theo Hải Trống, để làm thành phẩm một chiếc trống Đọi Tam phải qua nhiều bước kỳ công, tuyệt kỹ nữa. Gỗ mít làm tang trống được cắt thành nhiều khúc, sau đó pha thành bao nhiêu dăm tùy theo kích cỡ của trống. Độ cong và dẻo của dăm cũng phải phù hợp để khi ghép với thân trống thì khít chặt, không có kẽ hở. Người thợ còn dùng sơn ta miết vào các khe, cứ một lớp sơn lại có một lớp vải màn để cho trống thật kín. Cuối cùng, da trâu phải căng hết cỡ trên mặt trống rồi đóng loại chốt được làm từ vầu hoặc tre già. Trống Ðọi Tam nổi tiếng nhờ độ bền, đẹp, chính nhờ bí quyết riêng cũng như trách nhiệm và tâm hồn của người thợ thổi vào đó.
Vào mùa này, ngoài vai trò như “trống chủ”, Hải Trống phải huy động cả vợ con cùng tham gia làm. Trong xưởng sản xuất của Hải Trống la liệt trống to, trống nhỏ, nhưng khách hàng liên tục vào ra để đặt thêm những mẫu mới. “Cơ sở của tôi làm đủ các loại trống như trống dùng trong đình chùa, trống chèo, trống trường, trống múa lân... Dù ngày thường luôn sản xuất đều đặn vừa để bán vừa để trữ hàng, nhưng năm nào vào dịp này cũng phải làm toát mồ hôi mới đủ. Cả vợ con và tôi cũng phải xắn tay áo lên làm từ sáng sớm đến tối mịt”, Hải Trống nói.
Con trai của Đinh Văn Hải cũng thạo nghề làm trống Đọi Tam QUANG VIÊN
Con trai của Đinh Văn Hải cũng thạo nghề làm trống Đọi Tam. Ảnh: QUANG VIÊN
Được biết, sản phẩm trống của Đinh Văn Hải không chỉ cung cấp cho các tỉnh lân cận mà còn “đánh” xuống tận Long Xuyên, Cà Mau, Đồng Tháp, Cần Thơ… Còn có những đơn hàng đặt trống để mang sang nước ngoài. Hải Trống khoe với tôi, có chiếc trống anh làm được bán với giá hơn 300 triệu đồng cho một nhà thờ ở TP.HCM. Đó là chiếc trống sấm làm nguyên thân cây gỗ lớn có đường kính 1,2 m, chiều dài 2 m.
Chia tay Hải Trống, tôi có cảm tưởng rằng, nghệ nhân sinh năm 1971 này như một ông “vua” trống Đọi Tam đất Tây nguyên.
Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.