Đó là lớp học của thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục. Đảo chưa có hệ thống trường học quốc gia, tổ nhân dân tự quản đã phối hợp với Đồn Biên phòng 704 và Trạm Ra-đa 615 mở một lớp học tình thương do đồng chí Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Bình Phục - Đội phó công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòn Chuối đứng lớp. Hiện nay, lớp học tình thương với các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc.
Người lính truyền cảm hứng
15 năm qua, lớp học của thầy Trần Bình Phục vẫn cần mẫn từ 8 giờ sáng tới 12 giờ trưa. Năm 2016, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Cà Mau cùng lực lượng thanh niên tình nguyện đã hỗ trợ xây dựng phòng học mới trên đảo Hòn Chuối. Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh cũng tài trợ xây dựng thêm mái che sân chơi cho lớp học.
Phòng học bé chia làm mấy lớp, một tiết anh phải viết cả ba mặt bảng, ba bài giảng. Có những đứa trẻ 12-13 tuổi nhưng vẫn còn ngọng nghịu đánh vần. Có đứa đến lớp khi đã cao lộc ngộc nhưng vẫn chưa từng biết mặt chữ cái nào. Có đứa chỉ học bữa đực bữa cái năm lớp 1 ở đất liền rồi theo ba mẹ rong ruổi trên bè ngày này qua ngày khác, mười mấy tuổi mới vào lớp 2, lớp 3. Anh Phục vẫn kiên trì dạy cả. Nhưng lũ học trò như được truyền tình thương, truyền tình yêu con chữ. Ai nấy lắng nghe chăm chú. Hai anh em Nguyễn Ngọc Thương 12 tuổi học lớp 3 và Nguyễn Ngọc Thái 14 tuổi học lớp 5, cùng ngồi một lớp. Cô em nói nhất định sẽ theo thầy Phục, sẽ học thêm nữa, còn Thái bảo hết lớp này sẽ theo ba mẹ kiếm tiền cho em đi học. Dân đảo nhỏ bốn mùa lênh đênh, con chữ cũng dễ trôi theo con sóng, no đói dễ khiến người ta quên mất tầm quan trọng của việc học. Nhưng lớp học này đã nhen nhóm dần tình yêu với chữ nghĩa, với những tri thức. Đã có những đứa trẻ tốt nghiệp đại học, học lên cấp III, hay ít nhất chúng tự tin viết tên mình trên mỗi cuốn vở. Hiện tại lớp có 45 học sinh học liên tục, còn tính tổng trên dưới 70. Con số trồi sụt không phải là chuyện hiếm ở các lớp học đảo xa, khi mà gia đình các em sinh sống chủ yếu theo nghề biển, một năm lênh đênh trên mặt sóng nhiều hơn đặt chân trên đất liền. “2/3 lớp học này là trẻ mồ côi, cuộc sống cực kỳ khó khăn”, anh Phục thở dài. Anh vẫn nhớ một cậu học trò tên Dũng, 8 tuổi, nói thế nào cũng không chịu đến lớp, cũng chẳng nói tại sao. Cho tới một ngày, thầy giáo Phục xuống tận nhà, bẻ luôn cần câu của cậu bé bướng bỉnh, rồi vác cậu học trò lên tận lớp. Từ đó Dũng mới chịu ngồi vào bàn học. Sau này Dũng theo gia đình làm nghề biển, về lại Cần Thơ, nhưng mỗi năm Tết qua thăm Hòn Chuối, Dũng vẫn ghé thăm thầy Phục đầu tiên.
Năm 2017, khi nhận danh hiệu Đại sứ truyền cảm hứng, anh Phục nói anh mong mỏi ba điều: “Có một ngôi trường khang trang, người dân biết trân quý tri thức và các em sẽ xích gần hơn đất liền”. Sáu năm sau, anh ước mong có thêm sẽ có người tiếp bước Trần Bình Phục. “Làm cái này khó, nó phải kiên trì, có tình yêu, chứ không chỉ là chuyên môn, tôi cũng có gương mặt kế cận rồi, tôi rất hy vọng”, anh Phục nói về tương lai.
Những người xa nhà để giữ những ngôi nhà
Có người lính như Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Quang, Quân y trên đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). 16 năm, anh Quang mới chỉ có 4 cái Tết ở nhà. Hai đứa con của anh khi chào đời đều không có bố bên cạnh. 16 năm, anh Quang cứu chữa không biết bao nhiêu bệnh nhân chiến sĩ có, ngư dân có trên vùng biển này. Năm 2023, một ngư dân ở Bạc Liêu đánh cá dài ngày bị dây thừng văng rách mắt. Ngư dân nhờ bộ đội hỗ trợ. Sóng lớn khiến tàu ngư dân không thể cập cảng đảo, anh Quang phải tiến hành khâu vết rách ngay trên tàu. Một chân cố định ở cạnh bàn trước đợt lắc lư của mỗi con sóng, một tay căng ra giữ từng mũi khâu. Anh bảo đó không phải lần đầu anh cấp cứu trên biển. Nên đó là nhiệm vụ hiển nhiên của một người lính. “Mình ở đây, để mỗi người dân yên tâm bám biển, bám đảo, yên tâm làm việc trên vùng biển này”, anh nói vậy.
Còn Trung tá chuyên nghiệp Tống Văn Dũng, quê ở Hậu Lộc (Thanh Hóa), tính thời gian công tác ở vùng biển Tây Nam này cũng đã 36 năm, riêng đảo Hòn Khoai hơn 20 năm. Năm 1990, lần đầu ra Hòn Khoai, anh Dũng đi nhờ ghe ngư dân từ Rạch Tàu tới đảo hết hơn 2 tiếng. 36 năm, chỉ có 6 cái Tết anh được gần vợ con. “Vợ con thông cảm thôi chứ biết sao”, anh nói vậy.
Đảo xa có bao giờ được thuận tiện như đất liền. Không chỉ câu chuyện đi lại, còn là chuyện xoay quanh điều kiện sinh hoạt, nhưng xa xôi cách trở. Nhưng câu chuyện của những người lính chốt các đảo tiền tiêu, đều vững vàng. Trong hệ thống đảo Hòn Khoai có hòn Đá Lẻ, đó là điểm cơ sở A2 trên đường cơ sở lãnh hải Việt Nam. Thiếu tá Nguyễn Văn Toán, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Khoai nói rằng, ở nơi này, cảm thấy trách nhiệm nặng nề hơn nhưng cũng tự hào và vinh dự. Toán ra đảo hơn hai năm nay, đã đủ thời gian để quen với những con đường quanh đảo: “Mình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không chỉ có một hòn đảo mà còn có cả một cột mốc quan trọng”, Toán nói.
Trung tá Phùng Sỹ Chương, Trạm trưởng Trạm Ra-đa 615, Trung đoàn 551 đảo Hòn Chuối, kể lần đầu ra đảo vào đúng mùa gió chướng. Trạm nằm trên đỉnh cao nhất đảo, phải leo hơn 300 bậc thang, lại là những bậc dốc đứng, cao gấp rưỡi bậc thang thông thường. Năm 2017, trước khi cưới, anh Chương đưa người yêu ra thăm nơi làm việc: “Cho cô ấy hiểu điều kiện làm việc của mình”. Chúng tôi hỏi Chương có sợ nhìn thấy khó quá mà người yêu nản không, Chương nói không, vì anh tin cô gái của mình. Leo xong hơn 300 bậc thang, người yêu Chương không phàn nàn gì thật. Từng ấy năm hôn nhân, Chương cũng xa nhà nhiều hơn thời gian cạnh vợ con. Năm vừa rồi, vợ Chương lại ra thăm trạm lần nữa. “Bây giờ yên tâm lắm rồi!”, Trạm trưởng trạm 615 cười vui.
Với vị trí địa lý đặc biệt, còn tồn tại vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia với diện tích khoảng 8.850 km2, vùng chồng lấn Việt Nam - Malaixia với diện tích khoảng 2.800 km2; vùng chồng lấn Việt Nam - Thailand - Malaysia với diện tích khoảng 650 km2, , nhiệm vụ của những người lính không hề đơn giản. Nhưng kể về mình, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Tống Văn Dũng bảo: “Chẳng biết có gì là vất vả, bình thường như mọi người lính khác”. Đó là nhiệm vụ. Khoác lên mình bộ quân phục, rất nhiều người trong số họ, hoặc dành cả những năm tháng thanh xuân để chia sẻ với những đứa trẻ như Thiếu tá Trần Bình Phục, hoặc chấp nhận cuộc sống xa nhà đằng đẵng để thực hiện nhiệm vụ trên đảo tiền tiêu. Mùa xuân của họ, là những ngày trực, là những giờ làm nhiệm vụ.
Nhưng cũng vì thế, mà biển Tây Nam vẫn bình yên. Sóng gió có phải lúc nào cũng từ biển đâu.
Vùng biển Tây Nam có diện tích khoảng 105 nghìn km2, với hơn 150 đảo, trong đó có 46 đảo có người sinh sống thuộc 5 quần đảo: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu. Chiều dài bờ biển khoảng 450 km, tính từ cửa sông Gành Hào/Bạc Liêu tới Hà Tiên/Kiên Giang (Kiên Giang 200 km, Cà Mau 250 km).
Vùng biển Tây Nam có vị trí địa kinh tế, địa chính trị rất thuận lợi cho dân cư sinh sống, phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ngành du lịch, dịch vụ, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh.
Theo Bài và ảnh: HỒNG VIỆT (NDO)