Về Vĩnh Sơn nghe chuyện làng rắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làng rắn Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) gắn liền với truyền thống săn bắt rắn tự nhiên của người dân vào mùa xuân ấm áp.

Theo thời gian, nơi đây hình thành làng nghề truyền thống nuôi rắn, mang lại cuộc sống đủ đầy cho người dân.

Làng nghề 200 tuổi

Về làng Vĩnh Sơn, chúng tôi được nghe người dân nơi đây kể những câu chuyện lịch sử hình thành làng nghề bắt rắn hơn 200 năm, trở thành làng nghề truyền thống có số hộ được cấp phép chăn nuôi rắn hổ mang nhiều nhất Việt Nam. Theo lời kể của nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh (69 tuổi), Chủ tịch Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn, ngày xưa Vĩnh Sơn có tên Sơn Tang, vốn là một vùng rậm rạp hoang sơ, nơi trú ngụ của nhiều loài rắn độc.

Vậy nên, cứ vào những dịp đầu xuân mới, lúc rắn rời khỏi hang săn mồi, thì người dân cũng đeo giỏ, vác khều đi bắt rắn về bán cho những người ngâm rượu hoặc làm thuốc. “Khi nguồn rắn tự nhiên ngày càng khan hiếm, người dân Vĩnh Sơn nảy ý tưởng bắt rắn về nuôi. Theo thời gian, nhiều người biết cách phối giống để rắn sinh nở. Cứ thế, số lượng người nuôi rắn tăng nhanh và hình thành làng rắn Vĩnh Sơn như bây giờ”, ông Thịnh cho hay.

Theo ông Thịnh, năm 1979, được sự giúp đỡ Trung tâm Sinh lý - Hoá sinh người và động vật (nay là Viện Công nghệ sinh học), xã Vĩnh Sơn thành lập Trung tâm nuôi và nhân giống rắn (thường gọi Trại rắn Vĩnh Sơn). “Trại rắn đi vào hoạt động là sự kết hợp giữa kinh nghiệm cổ truyền và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sản phẩm của trại rắn ở thời điểm đó chủ yếu dùng để ngâm rượu, nấu cao”, ông Thịnh kể.

Ông Hạ Văn Hùng bắt rắn từ chuồng để giới thiệu với phóng viên. Ảnh: P.V
Ông Hạ Văn Hùng bắt rắn từ chuồng để giới thiệu với phóng viên. Ảnh: P.V

Sau khi trại rắn được thành lập, người dân Vĩnh Sơn tự hào khi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học về thăm. Năm 1983, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm trại rắn, căn dặn người dân nơi đây gìn giữ và phát triển làng nghề nuôi rắn phục vụ cho y tế, khoa học, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn.

Bước vào những năm kinh tế tập thể thoái trào, Trại rắn giải thể, chuyển giao công nghệ chăn nuôi cho người dân. Ban đầu có 12 hộ nhận nuôi rắn, thời kỳ cao điểm làng nghề có gần 900 hộ nuôi rắn. Giai đoạn này ngoài các sản phẩm truyền thống, còn có sản phẩm nọc rắn đông khô xuất khẩu sang thị trường Pháp, Liên Xô và các nước Đông Âu. Khi Liên Xô và Đông Âu xảy ra biến động chính trị, nọc rắn không xuất khẩu được nữa, nông dân quay lại phục vụ thị trường trong nước. Năm 1991, người dân chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc với các mặt hàng rắn thương phẩm, trứng rắn, con giống. “Trong những năm gần đây ở Trung Quốc đã phát triển mạnh nghề nuôi rắn hổ mang, nhưng họ không nuôi được rắn sinh sản, vẫn phải nhập trứng, con giống từ Vĩnh Sơn”, ông Nguyễn Văn Thịnh nói.

Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn trải qua nhiều biến cố, nhưng người dân ở đây đều vượt qua, đưa làng nghề phát triển theo thời gian. Người dân cho rằng, đây là nghề khá an nhàn, vì 3 đến 4 ngày mới cho rắn ăn một lần, mùa đông là mùa rắn “ngủ” không phải cho ăn. Ông Thịnh cho biết, trước đây thức ăn của rắn là chuột, cóc, nhái…, nhưng khi nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm, người dân chuyển sang cho ăn các phụ phẩm chăn nuôi như cổ cánh gà, vịt hoặc gà giống một ngày tuổi thải loại.

“Năm 2006, làng Vĩnh Sơn được công nhận làng nghề nuôi rắn đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống. Đến năm 2007, Hội làng nghề rắn Vĩnh Sơn được thành lập và việc nuôi rắn ở Vĩnh Sơn được lực lượng kiểm lâm giám sát định kỳ hàng năm. Đến nay, làng nghề có 650 hộ nuôi, quy mô từ 1.000 đến 5.000 con. Năm 2024, doanh thu từ nuôi rắn của Vĩnh Sơn đạt hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, rắn thương phẩm, mang lại doanh thu 53 tỷ đồng; doanh thu từ trứng rắn, rắn giống 52 tỷ đồng”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Văn Hùng

“Mỗi năm Vĩnh Sơn tiêu thụ khoảng 2.000 tấn thức ăn, nếu sử dụng thức ăn tự nhiên sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Trước thực trạng khó khăn đó, tôi đã nghiên cứu để sử dụng đầu và cổ gà, gia cầm giống thải loại, rồi bổ sung một số chất vi khoáng làm thức ăn cho rắn. Đến nay, toàn bộ hộ nuôi rắn sử dụng loại thức ăn này”, ông Thịnh cho hay.

Sinh nghề, nhưng không tử nghiệp

Đến UBND xã Vĩnh Sơn liên hệ công tác, chúng tôi gặp ông Hạ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, cũng là người có thâm niên hơn 20 năm nuôi rắn. Ông Hùng cho biết, người dân trong xã rất tự hào khi năm 2022 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập Vĩnh Sơn là “Làng nghề truyền thống có số hộ được cấp phép chăn nuôi rắn hổ mang nhiều nhất Việt Nam”. Mọi người vẫn gọi nuôi rắn là đánh đu với tử thần, nhưng đối với người dân Vĩnh Sơn, nghề này đem đến cho họ cuộc sống sung túc.

Ông Nguyễn Văn Thịnh (thứ 3 từ phải sang) nhận chứng nhận kỷ lục “Làng nghề truyền thống có số hộ được cấp phép chăn nuôi rắn hổ mang nhiều nhất tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Thịnh (thứ 3 từ phải sang) nhận chứng nhận kỷ lục “Làng nghề truyền thống có số hộ được cấp phép chăn nuôi rắn hổ mang nhiều nhất tại Việt Nam”.

Sau câu chuyện làng nghề, khi chúng tôi ngỏ ý muốn về tham quan khu nuôi rắn của gia đình, ông Hùng đã đồng ý. Trước khi đi, vị Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn giơ ngón tay cái bị rắn cắn vẫn còn vết sẹo và cho biết ông đã nhiều lần bị rắn cắn, nhưng nhờ có thuốc gia truyền của thầy lang trong làng nên không hề gì. “Ở đây, rắn hổ mang trở nên bình thường với mọi người như nuôi chó, mèo, gia súc, gia cầm. Rắn mỗi năm chỉ giao phối một lần vào mùa thu và đến mùa xuân thì đẻ trứng. Rắn nuôi 3 năm mới có thể xuất bán”, ông Hùng cho biết.

Về đến nhà, ông Hùng dẫn chúng tôi vào khu nuôi rắn của gia đình. Ông khều trong chuồng ra một con rắn hổ mang đen nhánh, nặng khoảng 4kg, miệng phì phì phun nọc độc khiến chúng tôi không khỏi e ngại. Ông Hùng cho biết, rắn nuôi nhốt có nọc độc mạnh hơn rắn sống ngoài tự nhiên vì nó không phải tiết nọc để săn mồi. Cao điểm có năm Vĩnh Sơn bị tới 200 vụ bị rắn cắn, còn bình thường mỗi năm có 20 vụ bị loài rắn kịch độc này cắn, nhưng nhờ có thuốc giải của các thầy lang trong làng nên không ai tử vong.

“Chúng tôi sinh nghề, nhưng không tử nghiệp, bởi song song với sự ra đời nghề bắt rắn, nuôi rắn thì Vĩnh Sơn cũng có bốn người tìm ra được bài thuốc chữa rắn cắn. Bài thuốc được truyền từ đời này sang đời khác và nay vẫn còn hai người biết chữa rắn cắn. Có được bài thuốc cổ truyền chữa rắn cắn người dân yên tâm phát triển nghề”, ông Hùng chia sẻ.

Qua chia sẻ của ông Hùng, chúng tôi có dịp trao đổi với nghệ nhân Hạ Văn Vừa (67 tuổi), người được cha truyền cho bài thuốc chữa rắn cắn. Ông Vừa cho biết, năm ông lên 9 tuổi thì cha mắc bệnh nặng, trước khi qua đời đã truyền lại bài thuốc chữa rắn cắn cho ông. Từ khi hành nghề đến nay, ông Vừa không nhớ hết đã chữa rắn cắn cho bao nhiêu người.

Theo VIẾT HÀ – KIẾN NGHĨA (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.