"Đã có thầy ở đây..."

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức.

Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

1phongsu.jpg
Ngoài 3 môn Toán, Văn, Anh, các em còn được học năng khiếu như võ, cờ vua… Ảnh: T.Y

1. 7 giờ sáng một ngày Chủ nhật se lạnh, tầng 2 Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Hải Châu rộn vang tiếng giảng bài sang sảng của thầy, tiếng “dạ, thưa” trong trẻo của trò. Quên đi cái rét buốt của tháng Chạp, mười lăm đứa trẻ lớp 7 ngồi sát bên nhau, chăm chú dõi theo từng con số, từng phép toán. Với các em, lớp học thêm 0 đồng này không chỉ là nơi tìm đến tri thức, mà còn là chốn về đầy ấm áp - mái nhà thứ hai nâng niu những tâm hồn non nớt, xoa dịu những thiệt thòi, mất mát mà cuộc đời vô tình gieo vào tuổi thơ.

Nhìn những gương mặt thơ ngây ấy, ít ai ngờ đằng sau là những câu chuyện đầy xót xa. Như V.L.N.Y bỗng chốc phải trưởng thành từ năm lớp 4 khi mẹ gãy chân, ba trở thành lao động chính gồng gánh cả gia đình. Hay N.V.M - cậu bé mồ côi mẹ từ nhỏ, cha vì lý do riêng chẳng thể gần bên, nay sống nương nhờ nhà cô ruột sau khi bà nội - điểm tựa cuối cùng - vừa qua đời. Và N.T.B - cậu bé lớn lên trong cảnh thiếu vắng bóng mẹ, ba đau bệnh tim, bà nội già yếu, ông nội vừa khuất bóng. Những đứa trẻ ấy từng có lúc tưởng chừng buông bỏ giấc mơ học tập, nhưng nhờ sự động viên từ thầy cô, cán bộ phường, các em đã được tiếp sức để bám trụ nơi lớp học, giữ chặt những ước mơ dang dở.

Khi được hỏi về lý do vẫn háo hức đến lớp giữa tiết trời lạnh giá, những đôi mắt trẻ thơ sáng rạng lên, các em hồn nhiên đáp vang: “Tại có thầy ở đây…”. Người thầy mà bọn trẻ nhắc đến là Lương Nguyễn Quốc Cường, sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) - người cũng từng được bao bọc bởi những lớp học nhân ái trong chính hành trình trưởng thành của mình. Đôi mắt Cường lấp lánh xúc động khi kể lại những năm tháng gian khó, thời mình được các thầy cô tận tình dìu dắt, đặc biệt là cô giáo Phạm Thị Kim Cương (46 tuổi, giáo viên ngữ văn Trường THCS Kim Đồng). Cô là người đã khơi dậy trong Cường nguồn cảm hứng, giúp cậu vững bước vượt qua khó khăn về kinh tế và những gập ghềnh của hành trình học vấn.

Cũng bởi vậy, khi cô Kim Cương ngỏ ý nhờ hỗ trợ lớp học trong vòng một tháng, Cường không chút đắn đo mà đồng ý ngay. Nhưng một tháng ấy kéo dài thành hai năm gắn bó. “Những đứa trẻ này giống hệt em ngày trước”, Cường tâm sự, ánh mắt tràn đầy thương yêu dõi theo từng học trò nhỏ. Mỗi buổi dạy, cậu lại thấy chính mình trong hình bóng các em - một đứa trẻ từng được chở che, giờ đây tiếp tục sứ mệnh gieo mầm tri thức và lòng nhân ái.

Và cô Kim Cương với 25 năm bền bỉ dạy miễn phí cho hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cũng từng là một cô học trò nhỏ được những người thầy nhân hậu ươm dưỡng. Tình yêu trẻ của cô Kim Cương, của thầy Quốc Cường, và của những thế hệ trước, cứ thế truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nối dài những ước mơ bay cao, bay xa.

Lớp học 0 đồng không chỉ có thầy Cường hay cô Kim Cương, mà còn có những “người mẹ hiền” khác như cô Tống Thị Hiệp, cô Đỗ Thị Bích Thuận, cô Nguyễn Thúy Phúc… những giáo viên hưu trí vẫn miệt mài gieo chữ, ươm mầm cho thế hệ tương lai. Từ tháng 6-2021 đến nay, những đứa trẻ không chỉ được trao kiến thức mà còn thích thú khám phá di tích Thành Điện Hải, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Quân khu 5; rèn luyện thể chất qua các môn thể thao, cờ vua, bơi lội…

Cái đẹp trong những lớp học 0 đồng không chỉ nằm ở bài giảng hay tấm bảng đen trắng, mà là những cái ôm ấm áp, là vòng tay yêu thương không ngừng nâng đỡ. Những buổi học ấy, những giây phút cười đùa ấy đã gieo vào tim lũ trẻ niềm tin mạnh mẽ rằng, dù cuộc sống có khó khăn, dù nỗi đau có đè nặng, giấc mơ vẫn có thể vươn xa khi có các thầy cô ở bên.

2ps-8178.jpg
25 năm qua, cô Phạm Thị Kim Cương dành nhiều thời gian dạy miễn phí cho học trò khó khăn. Ảnh: T.Y

2. Lớp học 0 đồng nhưng ăm ắp yêu thương ấy khiến tôi bất giác nhớ đến câu chuyện được ba - người đàn ông kiệm lời - nhắc đi nhắc lại mải miết với lòng kính trọng vô cùng sâu sắc trong những lần hiếm hoi tâm sự. Ba cũng có một người thầy nhiều lần bảo với ba rằng “có thầy ở đây, em đừng lo nghe, ráng đi học…”. Đó là năm ba học lớp 9, phải chuyển trường cấp 3 cách nhà gần chục cây số. Gia đình nghèo, không có điều kiện tiếp tục học, ba quyết định dừng lại trên con đường lượm nhặt tri thức.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của học trò, thầy chủ nhiệm nhiều lần đề nghị hỗ trợ chi phí di chuyển hoặc ở trọ. Dẫu từ chối, nhưng sự quan tâm, tấm lòng của thầy đã theo ba suốt cả cuộc đời, trở thành điểm tựa vững chắc trong những ngày chông chênh, nhọc nhằn. Đến tận bây chừ, khi tóc đã pha sương, thầy vẫn luôn ở đó, trong tim ba với lòng yêu nhớ vô ngần.

Tình yêu thương của thầy cô như ngọn gió lành thổi khắp mọi miền. Những đứa trẻ vùng cao ở Quảng Ngãi cũng may mắn có những người thầy như vậy. Trong một đoạn video lan truyền gần đây, hình ảnh các thầy cô giáo Trường THPT Phạm Kiệt vui sướng chạy đi chạy lại khắp hành lang trường và reo vui như trẻ thơ đã khiến nhiều người vừa thích thú vừa xúc động. Tại ngôi trường vùng núi heo hút - nơi đa phần học sinh là người dân tộc thiểu số và việc đến trường là hành trình nỗ lực mỗi ngày - mỗi thành tích nhỏ của trò là hạnh phúc của thầy, mỗi nụ cười của trò là phần thưởng của cô. Cũng vì thế, khi nhận kết quả cả 10 bài gửi đi dự Hội thi An toàn giao thông cấp tỉnh vừa qua đều đạt giải, các thầy, cô đã có những hành động đáng yêu như thế.

Tại Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, có cô giáo Lê Thị Hòa - người phụ nữ đã dành trọn 17 năm qua để thắp lên những ánh sáng hy vọng cho những học sinh kém may mắn. Dẫu các em mắc bệnh down, tự kỷ hay những khiếm khuyết khác, cô vẫn kiên trì dìu dắt từng bước, từ những nét chữ vụng về đầu tiên, những bài toán ngỡ không thể giải, đến cả những điều giản đơn nhất như cách ứng xử trong cuộc sống thường ngày. Với cô, mỗi bước đi chậm rãi của các em là một hành trình kỳ diệu, mà cô là người đồng hành lặng thầm không mệt mỏi.

Ở Hà Nội, thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, lại như một ngọn hải đăng giữa cơn bão cuộc đời của 22 học sinh sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ. Hiểu rõ nỗi đau mất mát không thể bù đắp, thầy đã dang tay che chở, nhận nuôi các em và chu cấp mỗi tháng 3 triệu đồng cho từng em đến khi tròn 18 tuổi. Hành động của thầy không chỉ là sự san sẻ vật chất, mà còn là ánh sáng dịu dàng của lòng nhân ái, giúp những trái tim non nớt tìm lại niềm tin, để từ đổ nát và mất mát, các em có thể xây nên những ước mơ mới, bền chặt hơn cả những con sóng đã từng quật ngã mình.

Cái đẹp trong những lớp học 0 đồng không chỉ nằm ở bài giảng hay tấm bảng đen trắng, mà là những cái ôm ấm áp, là vòng tay yêu thương không ngừng nâng đỡ. Những buổi học ấy, những giây phút cười đùa ấy đã gieo vào tim lũ trẻ niềm tin mạnh mẽ rằng, dù cuộc sống có khó khăn, dù nỗi đau có đè nặng, giấc mơ vẫn có thể vươn xa khi có các thầy cô ở bên.

3. Tình yêu thương của thầy cô là không biên giới, không dừng lại ở giờ học trên lớp hay giới hạn trong những bài giảng. Có thầy cô, trong đau thương luôn sáng rực hy vọng. Sau trận lũ kinh hoàng, hình ảnh các thầy cô giáo ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Lù (huyện Bát Xát, Lào Cai) vẫn len lỏi qua những con đường đầy sạt lở, mang theo những gói hàng cứu trợ, đồ dùng thiết yếu và thực phẩm đến tận tay học sinh.

Giữa màn mưa bão lạnh lẽo, họ như ánh sáng ấm áp, chạm vào trái tim của biết bao người. Trên những con đường núi cheo leo, thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai không ngần ngại cõng học trò nhỏ trên lưng, vượt qua gần hai tiếng đồng hồ đường núi hiểm trở, để đưa các em từ điểm lẻ về trường chính.

Hành trình ấy không chỉ là sự di chuyển, mà còn là minh chứng sống động của một tình yêu thương bền bỉ và vững chãi. Với đôi vai chai sần, những đôi chân lấm lem đất đá, thầy cô đã nâng bước các em qua mọi khó khăn. Mỗi lần di chuyển không chỉ mang lại sự an toàn mà còn gieo vào trái tim trẻ thơ niềm tin vào lòng nhân ái và sự kỳ diệu của giáo dục.

Có cô Quách Thị Bích Nụ (Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Hòa), dòng sông Đà mênh mông ngày ngày chảy xiết bớt nguy hiểm hơn. Ròng rã suốt 18 năm qua, từ 5 giờ 30 sáng, cô Nụ miệt mài đưa từng thế hệ học trò qua sông. Năm này qua năm khác, chiếc thuyền nhỏ ngày càng cũ. Năm 2011, nhận ra việc đưa đón học trò bằng chiếc thuyền đan bằng tre nứa, trộn xi măng trát lên và lắp hai mái chéo đã xuống cấp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, cô Nụ bàn với gia đình, bán đi cặp bò - vốn là của hồi môn duy nhất của cô. Như thể cuộc đời cô đã gắn liền với dòng sông ấy, gắn liền với những chuyến đi mang theo ước mơ của những đứa trẻ vùng cao.

Dù ở đâu, lúc nào, thầy cô vẫn luôn là những điểm tựa vững chãi, là ngọn đèn soi sáng con đường của bao thế hệ học trò. Dẫu chỉ là một phần nhỏ, các câu chuyện trên vẫn khẳng định một điều: trong hành trình tri thức, luôn có bóng dáng những người thầy âm thầm thắp sáng những ước mơ. Những thầy cô ấy yêu thương học trò không chỉ bằng kiến thức, mà còn bằng sự tận tụy, dịu dàng để những giấc mơ, có thể bay cao, bay xa, như những cánh buồm căng gió vượt sóng.

Theo TỊNH YÊN (baodanang.vn)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.