Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát huy truyền thống anh hùng, lớp lớp cháu con của vùng căn cứ cách mạng Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tiếp tục đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương. Vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei một thời gian khó nay đã chuyển mình khởi sắc.

"Đất lửa" kiên cường

“Những năm tháng bom rơi, đạn nổ quả là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của dân làng. May mắn có Đảng, có Bác Hồ, có bok Wừu dẫn đường chỉ lối nên bà con dân làng đồng lòng cùng bộ đội kháng chiến cho đến ngày toàn thắng. Sau ngày giải phóng, những người con của vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei lại cùng nhau gầy dựng cuộc sống”-ông Hôi (80 tuổi, già làng Đê Gôh) mở đầu câu chuyện.

xuan-ve-tren-vung-dat-lua-dak-so-mei-dddd.jpg
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) ngày 22-2-2024. Ảnh: Đ.T

Nói rồi, ông Hôi đưa đôi tay chai sạn ôm lấy chân trái của mình-nơi mảnh đạn năm xưa vẫn ghim sâu trong da thịt. Trong ký ức của người thương binh già còn vẹn nguyên những năm tháng mưa bom, bão đạn. Tuổi thơ của già Hôi được nghe nhiều về tấm gương bok Wừu. Dưới sự chỉ huy của bok Wừu, đầu những năm 1950, lực lượng du kích ở một số làng phát triển mạnh. Lúc này, địch cũng đi lùng sục càn quét thường xuyên hơn và uy hiếp tinh thần của người dân.

Năm ông Hôi 5 tuổi, cả làng xót xa khi hay tin bok Wừu bị địch bắt và đưa về quê hương, dùng đủ cực hình tra tấn. Bok Wừu đã ngã xuống bên bờ suối Đak Pơ Kei. Tinh thần kiên trung bất khuất, anh hùng cách mạng của bok Wừu đã truyền tới các buôn làng, nung nấu thêm chí căm thù diệt giặc của bộ đội và bà con trong vùng.

“Noi theo gương bok Wừu, tròn 18 tuổi, tôi quyết tâm tham gia bộ đội. Đó là những năm địch tăng cường đánh phá sâu vào vùng căn cứ, càn quét khắp vùng Kon Gang-Đak Krong-Đak Sơ Mei. Năm 1968, địch bắt đầu càn quét, dân làng phải rời làng lánh đi nơi khác. Khi bà con trở về, làng đã bị phá hoang tàn, nhà cửa, ruộng vườn bị địch đốt phá. Người dân lúc này phải xây dựng lại nhà cửa, trồng lại cây mì, cây lúa trong muôn vàn khó khăn”-già Hôi nhắc nhớ.

Tiếp nối câu chuyện của những năm tháng sục sôi khí thế cách mạng, ông Nuih (80 tuổi, làng Tul Đoa) kể: Cứ vài ngày, địch lại vào các làng Bok Rei, Tul Đoa, Đê Gôh... càn quét. Chúng tàn phá nương rẫy, ruộng vườn. Người dân buộc phải rút sâu về phía rừng. Không bắt được người, chúng uống rượu, đập phá và giết hết gia súc, gia cầm. Bởi thế, cái đói nghèo thường trực trong mỗi nếp nhà.

Khó khổ là thế nhưng chúng tôi vẫn không hề nản chí và lung lay tinh thần cách mạng. Tất cả đều một lòng chiến đấu bảo vệ quê hương, chăm chỉ trồng lại cây lúa, cây mì.

“Nằm trong ấp chiến lược của địch, hàng ngày phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau làm rẫy, mang thóc sạch đổ vào “kho lúa cách mạng” chung của làng ở trong núi. Bà con luôn bảo nhau, dù đói khổ, thiếu ăn đến mấy cũng không đụng vào những kho lúa này, để dành nuôi bộ đội, mong đến ngày toàn thắng”-ông Nuih nhớ lại.

2ps-1126.jpg
Ông Hôi (bìa trái, già làng Đê Gôh) vận động người dân giữ gìn văn hóa cồng chiêng của người Bahnar. Ảnh: T.D

Ông Chrêng-Bí thư Đảng ủy xã Đak Sơ Mei-khẳng định: Trong 2 cuộc kháng chiến, xã Đak Sơ Mei là vùng căn cứ cách mạng. Phát huy truyền thống anh hùng, sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đak Sơ Mei tiếp tục đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Đak Sơ Mei khởi sắc

Đak Sơ Mei hôm nay hiện hữu với những con đường bê tông thẳng tắp, những vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch và tiếng chiêng âm vang trầm hùng giữa không gian rộng lớn của những cánh rừng…

Già Hôi cho hay: “Là Bộ đội Cụ Hồ, là con cháu bok Wừu, mình đã tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình. Với 1 ha cà phê, 1 ha mì, 1 ha lúa nước 2 vụ và 5 con bò, thu nhập của gia đình sau khi trừ chi phí đạt trên 300 triệu đồng/năm. Năm nào mình cũng được tuyên dương là thương binh sản xuất giỏi của huyện”.

Còn ông A (làng Đê Gôh) thì chia sẻ: Với 4 ha cà phê, mỗi năm, gia đình thu về hơn 900 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Mình là người con của vùng đất anh hùng nên phải gương mẫu lao động sản xuất, chung tay cùng mọi người đưa cuộc sống của dân làng ngày càng tốt đẹp hơn. Khi kinh tế vững vàng, mình có điều kiện tốt hơn để lo cho con cái ăn học.

Phấn khởi trước những đổi thay của quê hương, ông A Điều-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đê Gôh-bày tỏ: Dân làng đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, làng Đê Gôh có 40% hộ khá và giàu. Bà con còn lưu giữ được nhiều bộ chiêng quý; phụ nữ thì hăng say dệt vải; đàn ông vững tay theo nghề đan lát truyền thống; lũ trẻ đến trường chuyên cần…

3ps-2028.jpg
Người dân xã Đak Sơ Mei hăng say lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Ảnh: T.D

Về thăm và làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Sơ Mei vào đầu năm 2024, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên khẳng định: Đak Sơ Mei là cái nôi của cách mạng, có đóng góp rất lớn trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Do đó, hệ thống chính trị xã cần tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống, nỗ lực vượt qua khó khăn; phát huy có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như nâng cao đời sống người dân, tiến tới giảm nghèo bền vững.

Xã Đak Sơ Mei hiện có hơn 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, những năm qua, người dân đoàn kết một lòng, nỗ lực phát triển kinh tế.

Với sự đầu tư đồng bộ từ các chương trình, dự án, bộ mặt thôn làng và đời sống của người dân ngày càng khởi sắc. Hiện nay, xã đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 22 triệu đồng. Đảng bộ xã có 11 chi bộ trực thuộc với 136 đảng viên, trong đó có 57 đảng viên người dân tộc thiểu số.

Theo ông Đậu Sỹ Kế-Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei: Tình hình kinh tế-xã hội của xã phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với điều kiện địa phương. Trong đó, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp chiếm 79%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 10%, thương mại-dịch vụ chiếm 11%. Toàn xã có 2.603 ha cây trồng các loại; tổng đàn gia súc, gia cầm trên 12 ngàn con.

Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei phấn khởi chia sẻ thêm: Dựa vào ưu thế về đất đai và có các công trình thủy lợi, chính quyền địa phương đã vận động người dân mở rộng diện tích lúa nước và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, quan tâm nhân rộng các mô hình đa canh, tập trung trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Toàn xã hiện có trên 1.700 ha cà phê.

Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2022 đến nay, xã đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để cứng hóa, bê tông hóa đường giao thông; hỗ trợ 43 bồn nước cho các hộ nghèo nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt; hỗ trợ 80 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng.

“Hiện Đak Sơ Mei còn 290 hộ nghèo. Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia với những nội dung cụ thể, theo tình hình thực tế tại địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị; đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất cà phê với các doanh nghiệp để nâng cao năng suất, giá trị”-Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei nhấn mạnh.

Khi chúng tôi đến thăm Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu thì từng tốp thanh niên đang cùng nhau trồng thêm những cây giáng hương. Anh Vui-Bí thư Đoàn xã Đak Sơ Mei-tự hào nói: “Vinh dự là thế hệ trẻ của vùng đất anh hùng, chúng tôi nguyện một lòng gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng, góp sức trẻ dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Có thể bạn quan tâm

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.