Chuyện ghi nơi vùng biên giới Bắc Tây nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với tôi, biên giới Bắc Tây Nguyên luôn lưu dấu những điều vô cùng đặc biệt.

Đây được ví như “trái tim” Đông Dương với cột mốc ba biên - đoạn cuối của biên giới Việt Nam-Lào và điểm đầu tiên của biên giới Việt Nam-Campuchia. Có lẽ, chính sự giao thoa này đã tạo nên nét rất riêng của một vùng biên phong phú về sắc màu văn hóa - hiện thực, nhưng cũng đầy bí ẩn huyền tích, xa xôi nhưng lại rất gần. Những câu chuyện chúng tôi ghi lại nơi vùng biên Bắc Tây Nguyên có sự đan xen giữa quá khứ và thực tại, giữa những thuận lợi và khó khăn để khẳng định ý chí, sức mạnh của tình người trong xây dựng biên giới bình yên và phát triển...

chuyenghi.jpg
Đại tá Lê Minh Chính gặp lại những người đã cùng đồng hành nơi biên giới Bắc Tây Nguyên. Ảnh: Thái Kim Nga

“Miền cổ tích” và chân dung người lính biên phòng

Gặp lại A Tỉnh sau thời gian khá dài kể từ ngày anh mới là chàng tân binh trẻ tuổi nhút nhát, tôi không nghĩ ngồi đối diện với mình hôm nay là cán bộ cơ sở đầy bản lĩnh, kinh nghiệm, một sĩ quan Biên phòng (BP) mang quân hàm Trung tá, sẵn sàng “cháy” hết mình với công việc.

Năm 1994, A Tỉnh vào lính BP khi chưa “tốt nghiệp” cấp... tiểu học. Với một cậu bé nghèo người dân tộc thiểu số Dẻ Triêng, mồ côi cha khi vừa 3 tuổi, lớn lên giữa “vùng trắng” mênh mông nơi đại ngàn Bắc Tây Nguyên như A Tỉnh thì đấy có thể xem là “của hiếm” để có thể tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Tuy nhiên, nói theo cách hình tượng, A Tỉnh giống như “dạng bột” thô sơ chưa được kết tinh, cần phải sàng, phải lọc thật kỹ mới có thể “gột nên hồ”.

Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy BĐBP Kon Tum bồi hồi nhớ lại: Huấn luyện chiến sĩ mới xong, A Tỉnh được biên chế về đội công tác địa bàn, Đồn BP Đắk Blô. Lúc bấy giờ, tôi là Đội trưởng Vận động quần chúng trực tiếp phụ trách. Nhìn cậu chiến sĩ trẻ này, tôi nhận thấy có nhiều điểm khá đặc biệt, rụt rè, ít nói, nhưng hoạt bát, nhanh nhẹn. Thời điểm đó, BĐBP Kon Tum phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, nên đưa A Tỉnh vào danh sách luôn. Chúng tôi vừa dạy, vừa động viên để cậu ấy hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp II, sau đó học tiếp bổ túc cấp III.

Sau nhiều năm nỗ lực học tập, cuối cùng, A Tỉnh cũng đã tốt nghiệp trung học phổ thông và được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh gửi đi học cử tuyển sĩ quan BP. Hiện tại, A Tỉnh đang là cán bộ BP tăng cường cho xã biên giới Đắk Long, huyện Đắk Glei, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy. Cùng với nhiều cán bộ trưởng thành hiện đang giữ các chức danh chủ chốt ở địa phương, từng là học trò của các thầy giáo mang quân hàm xanh, có thể khẳng định, dấu ấn của BĐBP trong xây dựng biên giới ngày càng phát triển là vô cùng đậm nét...

Nói thì rất gọn, nhưng để “gột nên hồ” những con người có bước xuất phát điểm gần như bằng không cũng là điều gần như không tưởng. Giữa “vùng trắng” mênh mông nhuốm màu cổ tích, người lính BP kiên trì bám trụ, miệt mài cống hiến. Họ sẵn sàng nhập cuộc và hoàn thành tốt vai trò “bà đỡ” trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, để từng bước một biến sự lãng mạn, những giấc mơ bay bổng về một biên giới phát triển trở thành hiện thực.

Trong câu chuyện của Chính ủy BĐBP Kon Tum, chúng tôi cảm nhận nguồn năng lượng vô tận, với sự uyển chuyển, dẻo dai, linh hoạt của người lính BP. Trên từng cây số đường biên, từng đường làng, ngõ xóm, bước chân người lính quân hàm xanh cứ thế trải dài qua hàng thập kỷ. Từ chuyện làng, chuyện xã, chuyện quản lý bảo vệ biên giới, duy trì mối quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng đến vai trò của người kiến tạo năm xưa và đồng hành hôm nay, lĩnh vực nào cũng toát lên vẻ đẹp dung dị, nhưng đầy tính nhân văn của người lính Cụ Hồ.

2chuyenghi.jpg
Nét đẹp tình quân dân trên biên giới Kon Tum. Ảnh: Thái Kim Nga

“Triệu phú tình yêu” và câu chuyện thương nhau mấy núi cũng trèo...

Với địa bàn trải dài gần 293km đường biên, đi qua 99 thôn làng, thuộc 13 xã, 4 huyện biên giới, trong điều kiện xa xôi, cách trở, cơ sở hạ tầng thiếu thốn đủ bề, có thể nói, buổi bình minh của công cuộc đổi mới là giai đoạn thử thách khắc nghiệt nhất đối với các chủ nhân đất rừng biên giới Bắc Tây Nguyên. Nhiều lĩnh vực, thậm chí, trước khi nghĩ đến sự phát triển cần phải ngăn đà tụt hậu. Đời sống kinh tế thường xuyên phải đối mặt với “giặc” đói nghèo, văn hóa xã hội là “giặc dốt”, “giặc mê tín dị đoan” và tập tục lạc hậu... Trong hoàn cảnh như thế, những người mang sứ mệnh kiến tạo và đồng hành như BĐBP, quả thực cứ hễ ra đường là gặp núi lớn.

Tuy nhiên, đã thương nhau thì “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”. Song song với chương trình phối hợp tham gia xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, những người lính BP Bắc Tây Nguyên tập trung xây dựng những điểm sáng về văn hóa, y tế, những mô hình kinh tế, "cầm tay chỉ việc" để từng bước xóa bỏ nạn mê tín dị đoan, tập quán canh tác cũ kỹ, lạc hậu. Mặt trận nào cũng diễn ra hết sức dai dẳng, cam go, nhưng chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về người dám lăn xả và cống hiến. Cho đi và nhận lại, sau những lần “vượt núi, lội sông, trèo đèo”, đã có rất nhiều thầy giáo, thầy thuốc, chiến sĩ văn hóa mang quân hàm xanh nơi vùng biên giới Bắc Tây Nguyên được nhân dân nhận làm con nuôi, tôn vinh làm già làng. Họ đích thị là những “triệu phú tình yêu” và chắc chắn, câu chuyện của họ sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người.

Chúng tôi đã có lần viết về giấc mơ của Y Son, từ cô học trò nghèo ở thôn Tà Pók, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi đến cử nhân giáo dục tiểu học, nhưng chưa từng kể về bước chân đồng hành của một người lính từ những ngày đầu em được đồn BP hỗ trợ trong Chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng", rồi vào đại học, sau đó tốt nghiệp ra trường về địa phương nhận công tác. Người mà chúng tôi muốn nói đến là Thiếu tá Bùi Triệu Phú, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Dục Nông (BĐBP Kon Tum). Ngày còn đảm nhận cương vị cán bộ tăng cường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nông (giai đoạn 2015-2020), Thiếu tá Bùi Triệu Phú là người thường xuyên gần gũi, giúp đỡ, hỗ trợ Y Son trong việc học tập, bởi đây là đối tượng có rất nhiều nguy cơ phải bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh gia đình khó khăn.

3chuyenghi.jpg
Buổi trải nghiệm “Em là chiến sĩ BP” của các chủ nhân tương lai tại Đồn BP Dục Nông. Ảnh: Thái Kim Nga

Có thể tóm lược hành trình theo đuổi giấc mơ của Y Son là những cuộc vận động, thuyết phục theo kiểu "nước chảy đá mòn", "mưa dầm thấm lâu", thử thách tính kiên trì của người lính. Hết “canh chừng” nguy cơ thất học (do phải nhường lại suất học cho những đứa em) lại đến bồi dưỡng, phụ đạo để bù vào kiến thức đã bị hẫng trước đó, rồi giải quyết nỗi lo mưu sinh cho các bậc phụ huynh bằng hình thức hỗ trợ vật chất, giúp đỡ ngày công lao động sản xuất... Con đường tiếp cận với tri thức của cô học trò nghèo Y Son cứ thế tròng trành trong nỗi lo người lính.

Chưa hết, sau ngày Y Son tốt nghiệp trung học phổ thông và trúng tuyển vào Trường Đại học Huế (năm 2017), đích thân Phó Bí thư Đảng ủy xã Bùi Triệu Phú lại phải làm một cuộc “marathon” thuyết phục gia đình để em được tiếp tục theo đuổi giấc mơ trở thành cô giáo. Bởi trong suy nghĩ của cha mẹ Y Son lúc bấy giờ, đơn giản con gái lớn là phải “bắt chồng” để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Thuyết phục mãi rồi cũng thành công, nhưng nỗi lo dành cho người lính thì vẫn còn đó: “Làm thế nào để chu cấp cho Y Son suốt 4 năm đại học, trong khi gia đình thì thờ ơ, mà nguồn hỗ trợ từ đồn BP lại có hạn. Trực tiếp dẫn Y Son ra thành phố Huế nhập học, tôi may mắn gặp lại người bạn đồng niên đang làm chủ một quán ăn bình dân nên xin cho cháu một chân giúp việc, kiếm thêm thu nhập trang trải việc học hành. Được cái, Y Son là người chịu khó, nhanh nhẹn, tháo vát nên chuyện học và làm thêm luôn được cháu sắp xếp một cách hợp lý, hài hòa suốt quãng đời sinh viên của mình để cuối cùng được nhận về cho mình tấm bằng cử nhân loại giỏi...” - Thiếu tá Bùi Triệu Phú bồi hồi nhớ lại.

Sự đồng hành của người lính vẫn chưa dừng lại ở đó. Ngày Y Son tốt nghiệp ra trường về địa phương liên hệ công việc, Thiếu tá Bùi Triệu Phú là người trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ và trợ giúp kiến thức phỏng vấn để thi tuyển vào biên chế. Và khi cô xây dựng gia đình, anh cũng chính là người đại diện họ nhà gái xuống bàn chuyện trăm năm với nhà trai ở tỉnh Quảng Nam.

Câu chuyện của người lính BP Bắc Tây Nguyên, của Trung tá A Tỉnh, Y Son và rất nhiều người con sinh ra từ đất làng, lớn lên trong vòng tay người lính đã dệt nên bức tranh vô cùng sinh động về tình người. Ở đó, có những “triệu phú tình yêu”, sẵn sàng “vượt núi, lội sông, trèo đèo” để dành tặng những nụ cười hạnh phúc cho chủ nhân đất rừng biên giới.

Theo Thái Kim Nga (Báo Biên Phòng)

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…