Xuân thêm vẹn tròn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi sắc xuân sắp chạm ngõ mọi hiên nhà, bước chân mưu sinh của những người lao động dường như càng thêm hối hả, vội vã trên khắp phố phường. Bởi để đón mùa Tết đầm ấm hơn, họ phải vun vén, dành dụm trong ngoài để có thể đong đầy lu gạo, chắt tràn lọ mắm, thêm củ dưa hành…

Chị Nguyễn Thị Hà (bìa trái) và bà Hà Thị Liên nghĩ về những niềm vui trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Dẫu khổ trong, khổ ngoài cùng căn bệnh nghiệt ngã nhưng trong năm mới họ luôn hy vọng có nhiều sức khỏe, bình an. Ảnh: T.V

Chị Nguyễn Thị Hà (bìa trái) và bà Hà Thị Liên nghĩ về những niềm vui trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Dẫu khổ trong, khổ ngoài cùng căn bệnh nghiệt ngã nhưng trong năm mới họ luôn hy vọng có nhiều sức khỏe, bình an. Ảnh: T.V

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, dường như sâu trong ánh nhìn, nụ cười của họ luôn chất chứa nỗi lo gánh nặng chi phí ngày Tết. May mắn, bên cạnh những mảnh đời bất hạnh này vẫn còn các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cùng chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh, nhờ đó họ có thêm cơ hội đón Tết vẹn tròn...

1. Dưới ánh hoàng hôn buổi chiều tà, tôi gặp cụ bà Ngô Thị Kim Lan (85 tuổi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang bán vé số trên đường Triệu Nữ Vương. Ở cái tuổi cuối con dốc cuộc đời, giọng cụ Lan vẫn còn vang trong, trí nhớ khá minh mẫn, nhớ vanh vách từng ký ức cuộc đời từ những “cú ngã” tưởng chừng không gượng dậy nổi đến niềm vui đơn giản khi được người đi đường hỏi thăm tên, tuổi. Trò chuyện với cụ, tôi mới cảm nhận niềm cùng cực về quãng đời của người phụ nữ, chồng mất sớm, cụ một mình nuôi 4 con.

Đến nay, cụ vẫn rong ruổi trên mọi cung đường trong thành phố để nuôi bản thân và gửi tiền về quê phụ người con gái là mẹ đơn thân nuôi 7 đứa con. Quả thật, ở ngưỡng tuổi này, ai cũng mong một mái nhà có con, có cháu, được chăm sóc, được yêu thương, được chiều chuộng nhưng cụ thì một mình nơi đất khách quê người, lầm lũi trên mọi con phố từ sáng sớm đến tối muộn, bữa đói bữa no, tối lại về trong căn phòng xóm trọ vé số đìu hiu. Nhưng cụ chậm rãi nói như an ủi tôi và chính mình rằng, dù khổ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến điều tích cực, được mọi người xung quanh yêu thương, đó là điều may mắn trong đời.

Nhắc đến ngày Tết đang cận kề, cụ Lan nói, rời quê hương và đến Đà Nẵng mưu sinh bán vé số hơn 33 năm qua. Cũng từng ấy thời gian ở thành phố đáng sống, trước, trong và sau ngày Tết cụ vẫn miệt mài khắp các con đường. Những ngày này, cụ chỉ mong bán nhiều hơn mọi ngày, để có chi phí gửi về quê phụ con sắm sửa Tết, làm mâm cúng cho tổ tiên và chồng. Vất vả nhưng đây là dịp kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí cho những ngày Tết Nguyên đán và dặn lưng sau Tết.

“Tôi được đại lý bán vé số cho ở trọ miễn phí, tiền ăn mỗi ngày cũng chỉ tốn khoảng 40-50 ngàn đồng, có bữa các cửa hàng, hội từ thiện cho suất ăn 0 đồng thì tiết kiệm thêm chút ít. Những năm qua, cứ vào dịp cận Tết, thấy tôi già yếu, ở một mình nên nhiều mạnh thường quân trao tặng bánh, mứt, hạt dưa, bánh tét để vui xuân, đón Tết. Vì vậy, toàn bộ chi phí bán vé số tôi dành dụm gửi về cho con, cho cháu. Mùa xuân nào cũng vậy, tôi chỉ mong đủ sức khỏe tiếp tục hành trình, để lo các cháu được ngày nào hay ngày đó”, cụ Lan bày tỏ.

Xóm trọ cụ Lan sinh sống nằm trên đường Hoàng Diệu, nơi cư trú gần 30 người bán vé số, mỗi người mỗi quê, người Quảng Nam, người Quảng Ngãi, có người tận Phú Yên, Nha Trang, nhưng cùng chung sự cố gắng, chịu khó vun vén để có mùa xuân trọn vẹn. Chị Nguyễn Thị Xinh (45 tuổi, tỉnh Quảng Ngãi) đang dắt vội chiếc xe đạp cũ sờn và dự định bán đến khuya nói rằng, thông thường, mọi người ở xóm trọ ngày 28-29 âm lịch sẽ về quê ăn Tết nên những ngày này, họ dành thời gian bán ngày lẫn đêm để có số tiền mua sắm bánh mứt, áo, quần cho chồng, con. Với chị và các đồng hương, kế hoạch chi tiêu không chỉ dành trong trong mùa Tết mà của cả những ngày trong năm. Nhưng với ngày cận Tết, thì nhiều khoản phải chi trả nên luôn cố gắng mưu sinh.

“Dẫu biết còn muôn vàn khó khăn nhưng hằng năm, cứ đến ngày 27 âm lịch, chúng tôi ngồi lại với nhau, ai có gì góp nấy cùng chia sẻ niềm vui trước thềm năm mới”, chị Xinh vui vẻ nói.

2. Không giống xóm trọ vé số của cụ bà Lan, chị Xinh, tại xóm trọ của 15 bệnh nhân chạy thận trên đường Hải Phòng, không khí Tết có chút vắng lặng. Bởi họ không thể tự tay kiếm tiền mà phải sống trong sự đùm bọc yêu thương của gia đình, người thân cũng như cần sự trợ giúp của chính quyền, đoàn thể. Họ khác nhau về độ tuổi, giới tính, quê hương nhưng cùng chung sự nghèo khó và căn bệnh nghiệt ngã. Chính vì vậy, nhắc đến Tết, họ như thêm gánh nặng, sự bất lực cùng nỗi lo vô bờ. Với họ, chỉ cần nhìn đâu đó qua ti-vi, băng rôn hình ảnh chậu quất, nhành mai… thì hương vị Tết đã về trong lòng, an ủi phần nào nơi phố thị xa hoa.

Chị Nguyễn Thị Hà (37 tuổi, tỉnh Quảng Nam) bộc bạch, chị bị suy thận mạn giai đoạn cuối, 17 năm qua đều đặn chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng, 1 tuần 3 lần. Chừng đó thời gian xa quê là chừng ấy thời gian ngày Tết chị phải xa gia đình. Đôi lúc, lịch chạy thận rơi vào ngày mồng một Tết, sau khi đón Giao thừa với gia đình, chị lại chuẩn bị đón xe ra Đà Nẵng. Hồi trước, còn sức trẻ, chị đi phụ bán quán ăn kiếm thêm thu nhập lo tiền ăn, tiền trọ, tiền thuốc men. Về sau, quá trình chạy thận lâu dài khiến sức khỏe yếu dần, đi chừng dăm bước cũng đã thấy mệt nên chị không thể đi làm, đành cậy nhờ đến mẹ già chăm sóc, đỡ đần. Vì thương con một mình nơi xa lại bệnh tật, mẹ gác lại công việc đồng áng, ra Đà Nẵng đi làm giúp việc, để lo trong, lo ngoài.

“Vì vậy, Tết đến, dù tính toán mọi chi phí xa gần, một mình mẹ toi vẫn không đủ khả năng xoay sở. Lẽ đó, hằng năm, cận kề ngày Tết, những phần quà nhu yếu phẩm như: hạt dưa, dầu ăn, nước mắm, đường, gạo, xì dầu… của UBND phường, công an phường và các nhà hảo tâm giúp tôi và nhiều bệnh nhân chạy thân cảm thấy không đơn độc trên hành trình chiến đấu với bệnh tật. Đó là tình cảm vô cùng quý giá an ủi chúng tôi những ngày Tết xa nhà”, chị Hà xúc động nói.

Giống chị Hà, bà Hà Thị Liên (52 tuổi, tỉnh Quảng Nam) chạy thận hơn 10 năm qua. Sức khỏe yếu đi cùng nhiều bệnh nền khác, bà cũng không thể làm bất cứ việc gì mà phải nhờ sự hỗ trợ của gia đình để có chi phí trang trải cuộc sống ở xóm trọ. Ngày bình thường đã khó, ngày Tết nhân đôi bội phần. Dù vun vén trước sau, thì các chi phí cần thiết vẫn luôn nằm lòng trong tâm trí.“Năm nào cũng vậy, cận kề những ngày cuối năm, tôi đều nhận những phần quà hỗ trợ của các đoàn thể, tổ chức thiện nguyện khiến tôi xúc động. Món quà nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương lớn lao, để tôi cũng như mọi người trong xóm trọ không cảm thấy chơi vơi. Với tôi, đó là nguồn động lực to lớn để mạnh mẽ tiếp tục những ngày chạy thận đau đớn”, bà Liên bồi hồi nói.

Khi tôi hỏi về mong ước trong năm mới, chị Hà và bà Liên đều có chung ước nguyện có thêm sức khỏe để đỡ gánh nặng cho gia đình. Từ lâu, Tết ở xóm trọ bệnh nhân chạy thận, không ai còn chúc nhau thành công, may mắn mà chỉ chúc sức khỏe. Bởi có sức khỏe họ mới cùng nhau đón thêm nhiều cái Tết sau này. Rời xóm trọ vé số và xóm trọ bệnh nhân chạy thận, con đường về nhà với tôi dường như dài hơn mọi ngày. Bởi tôi cũng cùng chung nỗi lo, mong rằng, con đường phía trước của họ thêm an yên, lặng sóng dẫu ngày Tết hay cả bốn mùa trong năm. Hơn cả, mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cùng chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh, để các bệnh nhân chạy thận có thêm cơ hội đón Tết vẹn tròn.

Theo TƯỜNG VY (baodanang.vn)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.