Để hàng không thực sự cất cánh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển.
Đó là một dự báo hết sức đáng mừng và phù hợp với thực tế khi hàng không dân dụng đã trở thành phương tiện chuyên chở khách và hàng hóa hàng đầu được người dân Việt Nam và khách nước ngoài đến Việt Nam chọn lựa. Từ một đất nước chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông đường bộ, Việt Nam đã cất cánh với Vietnam Airlines và nhiều hãng hàng không tư nhân khác.
Sân bay Pleiku phải trở thành một trung tâm vận chuyển hành khách và hàng hóa của Bắc Tây Nguyên.
Sân bay Pleiku phải trở thành một trung tâm vận chuyển hành khách và hàng hóa của Bắc Tây Nguyên. (ảnh internet)
Sự tham gia mạnh mẽ của các hãng hàng không tư nhân trong những năm gần đây đã tạo nên một thị trường vận tải hàng không đầy tính cạnh tranh với những thay đổi có lợi cho người tiêu dùng. Giá vé máy bay đã và đang hạ dần xuống tùy theo mùa, việc mua vé trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ công nghệ thông tin. Hành khách lựa chọn bay đã không chỉ là những người khá giả mà còn cả những người nghèo, những nông dân hay những người nhập cư ở các đô thị.
Và đặc biệt, một hãng hàng không “quốc doanh” từ trước vốn đầy những vấn nạn đã lột xác để trở thành một Vietnam Airlines biết lấy hành khách làm chủ thể phục vụ, biết sử dụng hiệu quả các phương tiện trợ giúp hành khách. Và, điều này mới đáng biểu dương: Biết dùng chính thái độ phục vụ khách một cách chu đáo và thân thiện của mình để “làm thương hiệu” cho hãng bay.
Máy bay muốn bay lên hay hạ xuống phải có sân bay, có đường băng cất cánh và hạ cánh, cùng nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ khác. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), các sân bay: Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng)… đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế. Một vài sân bay lớn đã có dấu hiệu quá tải.
Việt Nam hiện có 21 sân bay đang hoạt động với tổng công suất khoảng hơn 70 triệu khách/năm, chỉ bằng công suất của sân bay KLIA 1 và KLIA 2 Malaysia (75 triệu khách/năm) cộng lại và hơn công suất sân bay Changi của Singapore (50 triệu khách/năm).
Muốn đi máy bay thì phải mua vé. Một khi hành khách đi máy bay gồm cả những người ít tiền thì chuyện giá vé máy bay ở Việt Nam đang trở thành vấn đề nóng.
Giá vé máy bay tại Việt Nam đang bị nhiều du khách phàn nàn là quá đắt vào mùa hè. Chẳng hạn bay chặng Hà Nội-Quy Nhơn có mức giá lên tới 3,6 triệu đồng/chặng (chưa kể thuế, phí), đắt không kém bay chặng Hà Nội- TP. Hồ Chí Minh, dù quãng đường ngắn hơn. Cũng có thể nói như thế với chặng bay Hà Nội-Chu Lai và một số chặng khác mà đội bay chủ lực là Vietnam Airlines.
Làm sao để hạ giá vé mà vẫn đạt doanh thu tốt?
Việc đầu tiên ngành hàng không phải làm là áp dụng thông minh nhất bài toán vận trù học, bài toán tối ưu trong tất cả các khâu của quá trình vận chuyển, kể từ khâu làm thủ tục lâu nay vốn rất chậm chạp. Không tối ưu hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình vận chuyển thì không thể giảm thời gian và giảm chi phí, vừa làm mệt mỏi khách bay vừa không có điều kiện để giảm giá vé.
Người ta ví hàng không như đôi cánh của ngành du lịch, đôi cánh ấy mạnh mẽ và nhẹ nhàng bao nhiêu thì ngành du lịch cất cánh tốt bấy nhiêu.
Theo dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020-2030. Hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến năm 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020-2030. Sản lượng vận chuyển đạt 74 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030.
Nếu thực hiện được đúng sự tăng trưởng theo dự báo ấy thì hàng không Việt Nam sẽ đứng vào tốp 4 trong khối ASEAN về sản lượng vận chuyển.
Với Gia Lai, sân bay Pleiku phải trở thành một trung tâm vận chuyển hành khách và hàng hóa của Bắc Tây Nguyên. Việc nâng cấp mở rộng sân bay Pleiku đã được tiến hành từ cuối năm 2017 và đã hoàn tất, coi như giai đoạn đầu. Nếu nhu cầu hành khách và hàng hóa tăng lên, sân bay Pleiku sẽ còn phải nâng cấp và mở rộng thêm nữa. Với Gia Lai và Kon Tum, tiềm năng vận chuyển hàng không còn rất lớn, sự tăng trưởng sẽ nhanh hơn trong những năm tới. Số lượng hãng hàng không sử dụng sân bay Pleiku sẽ tăng lên, vì thế cần chuẩn bị để đáp ứng những yêu cầu này.
Hàng không Việt Nam đầy triển vọng phát triển nhưng sự đáp ứng tốt nhất từ sân bay tới các hãng bay sẽ quyết định cho sự phát triển này.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.