Để du lịch Kon Tum 'cất cánh' - Bài 2: Khai thác triệt để lợi thế du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với lợi thế và tiềm năng to lớn về du lịch, Kon Tum không chỉ trở thành điểm đến ưa thích của du khách mà còn thu hút được một lượng lớn đơn vị, công ty, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đến tìm hiểu, đầu tư.
Dù vậy, để các dự án đầu tư thuận lợi, tỉnh cần nhanh chóng khắc phục các điểm yếu; đa dạng hóa, hoàn thiện các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch đặc thù. Bên cạnh đó, địa phương cần khai thác triệt để lợi thế du lịch cộng đồng – gắn phát triển du lịch với lợi ích của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù
 
Nhà Rông tại làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, thành phố Kon Tum.
Nhà Rông tại làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, thành phố Kon Tum.
Thực tế, các sản phẩm du lịch tại Kon Tum vẫn chưa tạo ra nhiều sự khác biệt, phù hợp với đặc trưng, lợi thế của tỉnh mà vẫn có chung thương hiệu trong du lịch Tây Nguyên. Các sản phẩm du lịch bị tương đồng hay trùng lặp, chồng chéo giữa Kon Tum với các địa phương khác trong khu vực như ẩm thực có cơm lam, gà nướng; văn hóa có nhà sàn, nhà mồ; âm nhạc có cồng chiêng… đã làm giảm sự hấp dẫn đối với du khách.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Gia Lai, hiện nay vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp tập trung giải quyết để phát triển du lịch hiệu quả hơn giữa tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực. Nhiều loại hình du lịch đặc thù đối với địa hình miền núi chưa được hình thành và phát huy lợi thế tài nguyên như golf, thể thao mạo hiểm... Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên du lịch chưa thực sự quan tâm gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa, giá trị tự nhiên.
Tuy nhiên, một “điểm cộng” với du lịch Kon Tum trong việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù là tháng 4/2022, tỉnh đã tổ chức thành công diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” với các hoạt động bên lề như Lễ hội Khinh khí cầu, trình diễn dù lượn “Bay trên đại ngàn – Sa Thầy 2022” hay Caravan Famtrip “Về miền Quốc bảo” sâm Ngọc Linh K5. Những sản phẩm du lịch này đã tạo ra điểm nhấn riêng biệt cho du lịch Kon Tum so với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khuyến nghị, các sản phẩm du lịch đặc thù mà tỉnh Kon Tum cần phát triển là trải nghiệm văn hóa sâm Ngọc Linh; nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen; trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc Kon K’Tu, Kon Bring gắn với nông nghiệp, sản vật địa phương; tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa lý; du lịch leo núi mạo hiểm; du lịch khám phá sinh thái vườn Quốc gia Chư Mom Ray…
Bên cạnh việc nỗ lực tạo ra các sản phẩm đặc thù, Kon Tum cần hoàn thiện các sản phẩm du lịch sẵn có. Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, sản phẩm du lịch phải đáp ứng nhu cầu của du khách, đa dạng, phong phú, sáng tạo. Qua đó, tạo ra sự trải nghiệm đa dạng cho du khách, tạo điều độc đáo, khác lạ, giáo dục cho du khách thông qua du lịch. Lấy ví dụ tại Măng Đen – điểm du lịch thu hút khách lớn nhất của tỉnh Kon Tum, ông Thắng cho rằng các sản phẩm du lịch tại đây vẫn chưa tương xứng, còn hạn chế, chỉ đáp ứng được nhu cầu lưu trú mà chưa đáp ứng được các nhu cầu khác của du khách.
“Một điển hình khác là hiện nay tỉnh Kon Tum đang phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh. Chúng ta phát triển thương mại thì tốt rồi, nhưng phải làm thế nào để kết nối sản phẩm này với du lịch ở huyện Tu Mơ Rông? Tôi cho rằng cần phải áp văn hóa vào sản phẩm này, như việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ sâm Ngọc Linh của cộng đồng các dân tộc bản địa. Đây chính là cơ sở để xây dựng, phát triển du lịch bền vững”, ông Phùng Quang Thắng phân tích.
Phát huy lợi thế từ du lịch cộng đồng
 
Các nghệ nhân đánh cồng chiêng đón du khách đến với làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu.
Các nghệ nhân đánh cồng chiêng đón du khách đến với làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu.
Với cộng đồng 43 dân tộc cùng chung sống; trong đó, có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ là Xơ Đăng, Bahnar, Giẻ Triêng, Jrai, Hrê, Rơ Măm và Brâu, kho tàng văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum vô cùng phong phú, đa dạng. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn liền với lợi ích của cộng đồng các dân tộc thiểu số được xem là yếu tố quan trọng tạo thành công cho ngành du lịch tỉnh Kon Tum.
Hiện nay, tỉnh đã công nhận nhiều điểm làng du lịch cộng đồng để du khách có thể đến thưởng ngoạn thiên nhiên và trải nghiệm đời sống người dân như: làng Kon Kơ Tu, thành phố Kon Tum; làng Kon Pring, huyện Kon Plông; làng Đăk Răng, huyện Ngọc Hồi; làng Kon Brăp Du, huyện Kon Rẫy; làng Đăk Lek, thành phố Kon Tum hay làng Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà.
Nghệ nhân ưu tú Y Lim, làng du lịch cộng đồng Kon Pring cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, làng đã đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống cùng dân làng. Bên cạnh thưởng thức các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, du khách cũng được hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng với những điệu múa, khúc hát của người Mơ Nâm bản địa. Thông qua việc đón du khách, bà Y Lim có được khoản thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng/tháng. Điều này không chỉ giúp gia đình bà cũng như người dân trong làng có cuộc sống ổn định hơn, mà còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum khẳng định, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nói riêng gắn với công tác xây dựng nông thôn mới; xây dựng các làng văn hóa, làng nghề gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với nông thôn trên cơ sở chuỗi giá trị mà hoạt động du lịch đem lại, trong đó có sự tham gia của người dân và cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cũng như các địa bàn dân cư.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng Việt Nam, hiện nay có nhiều tỉnh, thành đang chạy theo du lịch cộng đồng ồ ạt, nhưng chưa gắn kết được với lợi ích, sinh kế cho các cộng đồng, mối liên kết giữa các cộng đồng với chính quyền địa phương chưa tốt.
“Với du lịch cộng đồng, Kon Tum cần có các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này để xác định đúng địa điểm, vị trí xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, không thể xây dựng mô hình tại các vùng quá xa xôi, khó khăn. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền phải song hành trực tiếp với người dân trong quá trình khởi nghiệp mô hình du lịch cộng đồng. Cần xã hội hóa, hỗ trợ cho cộng đồng để phát triển; đồng thời có sự liên kết để quảng bá, xúc tiến truyền thông, xác định rõ các sản phẩm trong du lịch cộng đồng”, ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh.
Bài cuối: Mở hướng tương lai
Theo Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.