Đê Ar: Tiềm năng du lịch chưa được đánh thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Đê Ar (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh có thể phát triển du lịch. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên việc khai thác tiềm năng này vẫn còn bỏ ngỏ.

Thắng cảnh nổi tiếng được nhiều người biết đến ở xã Đê Ar là bãi đá cổ tại suối Ayun nằm trong khu vực gần Nhà máy sản xuất điện TTC HChan (thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Gia Lai). Bãi đá cổ thuộc làng Đôn Hyang cách trung tâm xã khoảng 7 km, là nơi tiếp giáp giữa 3 xã Đê Ar (huyện Mang Yang), xã Trang (huyện Đak Đoa) và xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê). Ông Dôi-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đôn Hyang (xã Đê Ar) cho hay: “Từ khi lập làng, bãi đá cổ trong lòng suối Ayun đã có rồi. Dân làng Đôn Hyang luôn trân quý và bảo vệ bãi đá cổ. Đặc biệt, phía dưới bãi đá cổ là lòng suối Ayun vào mùa mưa khi dòng nước lớn từ thượng nguồn đổ về có rất nhiều cá, tôm, cua”.

Đại diện các cơ quan, ban, ngành huyện Mang Yang đến khảo sát thác Gô Đôk (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: R'Ô HOK
Đại diện các cơ quan, ban, ngành huyện Mang Yang đến khảo sát thác Gô Đôk (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: R'Ô HOK


Tại bãi đá cổ này có những mảng đá lớn hình khối xếp thành bãi, nằm cạnh nhau một cách đều đặn. Có những khối đá đứng thẳng vuông góc với mặt đất trải dài hàng trăm mét, nhìn từ xa hệt như tháp cổ. Có những khối đá bị dòng nước mài mòn tạo thành hốc, lõm đủ mọi kích thước, hình thù khác nhau.

Bà Đỗ Thị Thanh Vân-Chủ tịch UBND xã Đê Ar-cho biết: Sở dĩ bãi đá cổ làng Đôn Hyang được nhiều người quan tâm là vì có hình thù độc lạ, đẹp mắt. Những hình thù đặc biệt, ấn tượng gần giống bãi đá cổ làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh).

Ngoài bãi đá cổ, dọc theo suối Ayun còn có 6 thác nước rất đẹp, trong đó có 4 thác tại làng Ar Dôch Ktu, 1 thác tại làng Ar Tơ Măn và 1 thác tại làng Đôn Hyang. Đặc biệt, thác Gô Đôk (làng Ar Dôch Ktu) có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Thác Gô Đôk có 3 tầng, mỗi tầng cao khoảng 10-15 m. Vào mùa mưa, nước đổ từ trên cao xuống từng bậc đá tung bọt trắng xóa như dải lụa tuyệt đẹp.

Anh Sấp-Bí thư Đoàn xã Đê Ar-cho hay: “Vào ngày lễ hoặc cuối tuần, nhiều bạn trẻ đến đây tham quan hòa mình vào thiên nhiên. Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chúng tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền và nhắc nhở họ không được vứt rác bừa bãi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cảnh báo các địa điểm bãi đá trơn trượt, nước sâu để phòng ngừa tai nạn đuối nước”.

    Bãi đá cổ làng Đôn Hyang có hình thù độc lạ, đẹp mắt được du khách tham quan. Ảnh: R'Ô HOK
Bãi đá cổ làng Đôn Hyang có hình thù độc lạ, đẹp mắt, thu hút du khách tham quan, tìm hiểu. Ảnh: R'Ô HOK


Đến với xã Đê Ar, du khách còn có thêm những trải nghiệm về cuộc sống đời thường của đồng bào Bahnar nơi đây, thưởng thức món cơm lam, gà nướng, rượu ghè hòa cùng cồng chiêng của buôn làng. Ngoài ra, du khách có thể thả mình đắm chìm vào không gian bao la xanh mướt của ruộng bậc thang, thưởng thức chuối sứ chín vàng mọc lưng chừng đồi.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Vân, xã Đê Ar có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng, dịch vụ, giao thông hạn chế nên chưa nhiều người biết đến. Riêng về bãi đá cổ làng Đôn Hyang, huyện đã giao cho xã quản lý và đề xuất tổ chức khảo sát, đánh giá để đưa vào quy hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới. “Chúng tôi mong muốn các ngành, doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng các tour du lịch kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương”-bà Vân nhấn mạnh.

 

 R'Ô HOK
 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.