Dãy núi Ngọc Ruông - “món quà” của tạo hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm mát mẻ, dãy núi Ngọc Ruông còn mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo đến lạ kỳ, tựa như một bức tranh độc đáo. Nơi đây đang trở thành một địa điểm du lịch lý thú cho những ai thích khám phá, trải nghiệm.

Từ thành phố Kon Tum, tôi vượt hơn trăm cây số để đến với dãy núi Ngọc Ruông thuộc xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông). Vốn được truyền miệng là một trong những địa điểm “bỏ túi” của vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, dãy núi Ngọc Ruông hiện lên trước mắt tôi với dáng vẻ kỳ vĩ, nhưng cũng không kém phần thơ mộng.

Nhận lời làm hướng dẫn viên cho tôi, anh A Hiền - làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng tự hào giới thiệu: Dãy núi Ngọc Ruông có 4 đồi hợp thành, gồm Ngọc Ruông, Nhong Năng, Văng I Nó và Ngọc Chăng. Nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, khí hậu nơi đây mang đặc trưng se lạnh. Lớp sương mù luôn bao quanh núi non trùng điệp tạo nên một khung cảnh mờ ảo, tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Từ bao đời nay, dãy núi Ngọc Ruông luôn gắn bó mật thiết với người dân Xơ Đăng tại đây, và như một “nhân chứng sống”, chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên mảnh đất này. Người dân địa phương xem Ngọc Ruông như một phần trong văn hóa tâm linh.

“Trong 4 dãy núi, dãy có đỉnh cao nhất là Ngọc Ruông. Theo quan niệm của dân, Ngọc Ruông là địa điểm linh thiêng nhất, giúp con người có thể kết nối với Giàng (thần linh) nên thường được bà con chọn để cầu nguyện. Hàng năm, già làng thường đại diện cho cả làng, cầu cho bà con sức khỏe, mùa màng tươi tốt, bội thu. Con trâu, con bò không bệnh tật, giúp bà con cày lúa, tăng gia sản xuất, lương thực đủ đầy. Cứ như vậy, không ai biết tự bao giờ, Ngọc Ruông trở thành chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của bà con nơi đây” - anh A Hiền tâm sự.

Càng leo lên, tôi ngày càng ấn tượng với quang cảnh núi non trùng điệp. Cuốc bộ trên cung đường gập ghềnh, quanh co, ôm sát sườn núi, khiến tôi có cảm giác phấn khích đến lạ thường. Dường như dãy núi Ngọc Ruông hoàn toàn giữ nguyên được dáng vẻ hoang sơ, kì vĩ mà con người chưa tác động. Điều này, khiến cảnh sắc thiên nhiên thêm kỳ ảo. Thảm thực vật nơi đây cũng cực kỳ đa dạng và phân hóa theo độ cao.

Hành trình chinh phục dãy núi Ngọc Ruông cheo leo của du khách. Ảnh: T.T

Hành trình chinh phục dãy núi Ngọc Ruông cheo leo của du khách. Ảnh: T.T

Anh A Hiền “bật mí”: Dãy núi Ngọc Ruông có các “đặc sản” cuốn hút mọi người, bao gồm 4 loại hoa (địa lan, đỗ quyên, phong lan, hoa sim). Hàng năm, hoa bắt đầu chớm nở vào khoảng cuối tháng 12 (dương lịch) và kéo dài đến hết tháng 4. Trong đó, mùa đẹp nhất là từ tháng 2-3 là lúc mà hoa rừng đồng loạt nở rộ. Đây cũng chính là thời điểm mà du khách ghé thăm dãy núi Ngọc Ruông nhiều nhất. Không chỉ có thể thưởng thức hàng ngàn sắc hoa rừng tươi thắm, du khách còn có thể tận hưởng không khí trong lành, tươi mát, cùng tiếng chim hót líu lo giữa đại ngàn.

Dãy núi Ngọc Ruông tựa như ngôi nhà chung của bà con nơi đây, cũng chính vì vậy, mọi người đều có ý thức giữ gìn, bảo vệ. Bà con không bao giờ chặt cây, nhổ hoa trong rừng để bán. Thậm chí hằng năm, cứ vào mỗi dịp Tết đến xuân về, bà con các thôn làng xung quanh khu vực dãy núi đều tiến hành phát dọn thực bì, trồng mới, cấy ghép các loại hoa để giữ cho khu rừng ngày càng dày thêm hương sắc. Một số người thậm chí còn làm những căn chòi, những trạm gác cho du khách tạm nghỉ chân ngay giữa rừng để khách có thể chụp hình, check in lưu niệm.

Để leo từ chân đồi lên điểm cao nhất của dãy núi Ngọc Ruông, tôi mất khoảng 4 -5 tiếng. Nhiều đoạn đường rừng bị chắn ngang bởi chướng ngại vật, khiến tôi phải băng qua những bụi cây rậm rạp, nhảy cheo leo trên những tảng đá lớn. Tuy vất vả, nhưng phần thưởng cho những người chinh phục dãy núi này chính là không gian yên tĩnh, quang cảnh hùng vĩ của đất trời.

Từ trên cao nhìn xuống, tôi tận mắt chứng kiến đầy đủ những gam màu của núi rừng trong ánh hoàng hôn đỏ rực. Tùy vào sự thay đổi của ánh nắng, khung cảnh ấy có lúc trầm buồn, có lúc lại mang nét tươi vui, tinh nghịch. Phóng tầm mắt ra xa, tôi có thể quan sát những đồi núi trùng điệp, nhấp nhô chìm trong mây khói, vừa hư vừa thực mang vẻ đẹp kì vĩ, nên thơ.

Theo anh Hiền, ngoài khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp, thì bình minh cũng là một trong những thời điểm đáng giá nhất khi đến với dãy núi Ngọc Ruông. Nếu dành thời gian leo núi từ buổi sáng sớm, du khách có thể chứng kiến những ánh nắng đầu tiên xuyên màn sương sớm, len lỏi qua từng ngóc ngách. Không gian tĩnh mịch của núi rừng Ngọc Ruông như bừng tỉnh. Vạn vật dường như thức giấc sau màn đêm nhường chỗ cho ánh nắng ban mai lung linh sắc màu.

Thông 5 lá phát triển mạnh tại vùng núi Ngọc Ruông. Ảnh: T.T

Thông 5 lá phát triển mạnh tại vùng núi Ngọc Ruông. Ảnh: T.T

Theo câu chuyện của anh Hiền, nếu đến đây vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, tôi có thể được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa vàng óng ánh của của bà con nơi đây phủ kín chân đồi. Xen lẫn trong khung cảnh đó là những nếp nhà sàn phủ kín rêu phong với khói bếp lửa vờn quanh, không muốn rời. Những khung cảnh đó mang đến vẻ đẹp hoang sơ mà không phải nơi nào cũng có và ai cũng có cơ hội được trải nghiệm.

Một trong những điểm tôi ấn tượng nhất khi đến với dãy núi Ngọc Ruông chính là được trải nghiệm bản sắc văn hóa và con người nơi đây. Bà con Xơ Đăng rất thân thiện, chân chất và tình cảm. Ghé thăm các thôn, làng, tôi tìm hiểu thêm về người dân gắn bó với văn hóa cồng chiêng. Đó là những giai điệu chiêng được bà con tự hào lưu truyền từ thế hệ này, qua thế hệ khác, tấu lên ngân vang cùng đất trời. Đó còn là những điệu xoang truyền thống, vừa uyển chuyển, nhẹ nhàng, nhưng vẫn thể hiện được nét kiên cường, mạnh mẽ của con người Tây Nguyên. Đó còn là những câu chuyện về lịch sử, về con người trong quá trình phát triển trên mảnh đất này.

Đồng chí A Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết: Dãy núi Ngọc Ruông chính là niềm tự hào của nhân dân nơi đây. Mang cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ, dãy núi Ngọc Ruông như một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho người dân. Hiện tại, địa phương có kế hoạch xây dựng ngôi làng Vi Rơ Ngheo tại lưng chừng dãy núi Ngọc Ruông - làng đang trở thành điểm du lịch. Các hồ sơ, thủ tục đã trình về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định, nhằm đưa làng du lịch Vi Rơ Ngheo vào khu du lịch của tỉnh.

Trong không khí thân tình, trong tiếng lửa tí tách bên bếp nhà sàn, tôi còn được bà con cho thưởng thức cơm lam với hương rượu ghè cay nồng. Những câu chuyện về dãy núi Ngọc Ruông cứ thế được bà con kể mãi không dứt. Và tôi đã say với mảnh đất và con người ở nơi đây lúc nào không rõ.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...