Đẩy mạnh tuyên truyền về phân giới cắm mốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên quan đến công tác phân giới cắm mốc (PGCM), Đại tá Vũ Trọng Tiệp-Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo PGCM của tỉnh Gia Lai cho biết:

 Khánh thành cột mốc 30. Ảnh: ĐỨC THỤY
Khánh thành cột mốc 30. Ảnh: Đ.T

Những năm qua, công tác PGCM giữa hai nước Việt Nam-Campuchia nói chung và trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai (Việt Nam)-Rattanakiri (Campuchia) nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2011, Chính phủ hai nước đã xác định vị trí cột mốc 30 tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Oyadav. Ngày 20-11-2015, hai bên đã nhất trí khởi công xây dựng cột mốc 30-một trong những vị trí cột mốc quan trọng nhất so với các vị trí cột mốc khác trên đoạn biên giới Gia Lai-Rattanakiri. Ngày 26-12-2015, cột mốc 30 và đoạn đường nối 2 Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Oyadav đã được khánh thành với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam-Campuchia, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Gia Lai-Rattanakiri. Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ hai nước về việc sớm hoàn thành công tác PGCM, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa 2 nước. Đồng thời đây là hành động thực tế phản bác mạnh mẽ sự công kích, tuyên truyền sai sự thật về công tác PGCM giữa hai nước của các thế lực thù địch.

* P.V: Xin Đại tá cho biết thực trạng và kết quả về công tác PGCM trên tuyến biên giới của tỉnh hiện nay?

- Đại tá VŨ TRỌNG TIỆP: Đường biên giới đoạn chạy qua tỉnh Gia Lai có tổng chiều dài khoảng 90 km, trong đó có khoảng 19,6 km trên sông, suối và khoảng 70,4 km trên đất liền, trải dọc theo hướng từ Bắc vào Nam qua 3 huyện: Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông, tiếp giáp đối diện phía ngoại biên với huyện Đun Mia, Oyadav (Rattanakiri, Campuchia).

Công tác PGCM giữa hai nước Việt Nam-Campuchia trên tuyến biên giới của tỉnh đến hết năm 2015 đã thống nhất được 16 vị trí cắm mốc, tương ứng với 20 cột mốc (từ cột mốc 25 đến cột mốc 40, gồm: 1 mốc ba  (mốc 25); 2 mốc đôi (mốc 26, 27); 13 mốc đơn (từ mốc 28 đến 40)); trong đó có 1 mốc loại A-mốc 30-mốc Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-Oyadav và 19 mốc loại B.

Tuy nhiên, tiến độ PGCM trên tuyến biên giới của tỉnh triển khai còn chậm, hiện nay mới cắm được 7 vị trí tương ứng với 11/20 cột mốc (đạt 55%); phân giới 20,495 km đường biên giới đạt 22,80%. Nguyên nhân chủ yếu là do Ủy ban Liên hợp PGCM chưa thống nhất bổ sung nguyên tắc giải quyết phát sinh trong phân giới trên sông, suối; chưa thống nhất giải quyết các điểm còn tồn đọng, nhất là việc xác định các vị trí mốc 31 đến mốc 39 và chưa phân giới đoạn biên giới dài khoảng 69,5 km trên thực địa.  

Mặt khác, điểm hợp lưu khu vực ngã ba sông Sê San với sông Sa Thầy gần mốc 25 (1, 2, 3) tiếp giáp với tỉnh Kon Tum và khoảng 3 km đoạn biên giới phía trên thượng nguồn gần mốc 26 (1, 2) chưa được giải quyết. Đối với khu vực này, phía Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Campuchia thực hiện nhiệm vụ phân giới, nhưng phía Campuchia cho rằng: “Khu vực điểm hợp lưu mốc 25 (1, 2, 3) và khu vực cồn, bãi gần mốc 26 (1, 2) rất phức tạp, vượt quá thẩm quyền giải quyết của cấp đội, nên phía bạn đề nghị sẽ báo cáo lên Ủy ban Liên hợp hai nước để tiếp tục giải quyết”.

* P.V: Thời gian tới, Ban Chỉ đạo PGCM của tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung nào để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công tác PGCM, thưa Đại tá?

- Đại tá VŨ TRỌNG TIỆP: Xuất phát từ những khó khăn trong công tác PGCM, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là các cơ quan trong Ban Chỉ đạo PGCM biên giới của tỉnh, các địa phương trên tuyến biên giới, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PGCM tiếp tục phối hợp, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác ngoại giao, đàm phán, tuyên truyền về công tác PGCM. Ban Chỉ đạo PGCM của tỉnh tiếp tục đề nghị Ủy ban Liên hợp PGCM của Chính phủ hai nước có giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ PGCM trên tuyến biên giới của tỉnh; tăng cường thúc đẩy công tác đối ngoại, hợp tác nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PGCM trên tuyến biên giới của tỉnh.

Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia đối diện nhằm trao đổi tình hình, chủ động bàn bạc, thống nhất, phối hợp xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra đúng chủ trương, đối sách ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình hình phức tạp. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nhân dân đang làm ăn, sinh sống, cư ngụ tại hai bên biên giới chấp hành nghiêm pháp luật, các hiệp ước, hiệp định, biên bản, thông cáo báo chí hai nhà nước đã ký kết, giúp quần chúng nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PGCM. Ngoài ra, các đơn vị cũng tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn làng khu vực biên giới; duy trì các mô hình kết nghĩa bản-bản; xây dựng, bàn giao nhà Đoàn kết-Hữu nghị; cấp phát thuốc, khám chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân Campuchia ở khu vực biên giới đối diện... góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

* P.V: Xin cảm ơn Đại tá!

Anh Huy (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.