Đẩy mạnh đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu tư công tiếp tục được xác định là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

Để việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt kế hoạch Chính phủ giao, từ trung ương tới địa phương cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra lãng phí nguồn lực.

Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công được giao là 700.000 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đạt 95% kế hoạch với con số tuyệt đối gần 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và cao hơn khoảng 146.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Ngoài các chương trình mục tiêu, năm 2023, nguồn vốn đầu tư công được tập trung cho ngành Giao thông-Vận tải với gần 100.000 tỷ đồng. Nhờ đó mà đã tạo nên nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với 26 dự án được khởi công tiêu biểu như nhà ga Sân bay Quốc tế Long Thành, các dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, dự án nâng cấp quốc lộ 19 qua địa bàn tỉnh Gia Lai, dự án đường vành đai 4 Hà Nội và các tỉnh lân cận, đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh…

Trong đó có 6 dự án quan trọng quốc gia được rút ngắn thời gian khởi công 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường; lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần.

Trong năm 2023, ngành Giao thông-Vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án. Riêng đường bộ cao tốc có 9 dự án với tổng chiều dài 475 km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km. Kết quả này đã mang đến cơ hội giao thương, mở rộng không gian phát triển cho nhiều địa phương, kích thích phát triển kinh tế-xã hội.

Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cùng chung nhận định, mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được. Ông Michael Kokalari-Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital-nhận định: Năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% nhờ xuất khẩu.

Cùng với đó, các ngành sản xuất của Việt Nam từ mức không tăng trưởng năm 2023 sẽ đạt mức tăng trưởng 8-9% trong năm 2024, so với mức tăng trưởng trung bình dài hạn 12% của ngành này trước khi có dịch Covid-19.

Những tín hiệu vui từ xuất khẩu trong tháng đầu tiên của năm 2024 và sự trở lại của nhiều doanh nghiệp lớn cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta. Xuất khẩu nông sản vẫn tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam. Ngoài các yếu tố về thị trường, sự hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics cũng là một trong những yếu tố được đánh giá là góp phần tích cực vào thành tích của lĩnh vực xuất-nhập khẩu. Qua đó đóng góp cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Vì thế, năm 2024, Chính phủ vẫn xác định tiếp tục lấy đầu tư công làm đòn bẩy dẫn dắt nền kinh tế, ưu tiên nguồn vốn cho việc triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Để giải ngân hết 650.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công trong năm 2024 đòi hỏi tinh thần quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Trong đó, giải pháp căn cơ cần thực hiện là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục ngay những bất hợp lý trong các văn bản hướng dẫn nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cần phải phát huy vai trò người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện; nâng cao năng lực phân tích, lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án; kịp thời xử lý có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc phát sinh, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.

Giải ngân hiệu quả nguồn vốn đầu tư công sẽ giúp các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác, tạo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, mở rộng giao lưu, kích thích các địa phương tăng cường xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% mà Chính phủ đã đề ra.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.